23/03/2020 11:42 GMT+7

Nước Ý chống dịch: bài học từ thị trấn 'Vò'

NHẬT ĐĂNG - BẢO DUY
NHẬT ĐĂNG - BẢO DUY

TTO - Mỹ và châu Âu đã có những thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận đối với dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra. Và đây có thể là hi vọng.

Nước Ý chống dịch: bài học từ thị trấn Vò - Ảnh 1.

Chuyên gia Fauci giới thiệu tài liệu có tiêu đề "15 ngày làm chậm dịch lây lan" trong cuộc họp báo ngày 21-3. Phần lớn các khuyến cáo trong đó đều yêu cầu người dân ở nhà, kể cả khi có người trong nhà dương tính với virus corona chủng mới - Ảnh: Reuters

Trong vòng vài ngày, nước Ý trở thành khu vực nguy hiểm nhất thế giới khi nói tới COVID-19. Tính tới ngày 22-3, số ca nhiễm tại đây đã trên dưới 55.000, trong khi số ca tử vong gần 5.000 người và Ý chính thức vượt qua Trung Quốc về số người chết do COVID-19. 

Lẫn trong số thông tin tiêu cực ngay tại tâm dịch ấy, báo giới phương Tây tìm thấy một điểm sáng: Vò.

Câu chuyện của "Vò"

Vò là tên một thị trấn nhỏ có bán kính vỏn vẹn 20km2, nằm lọt thỏm giữa tỉnh Padua, thuộc vùng Veneto, cách Venice chừng 50km. Nơi đây có ca tử vong đầu tiên do COVID-19 tại Ý vào ngày 23-2. Tính tới ngày 22-3, Vò có 89 ca nhiễm, tức tầm 3% trong tổng số chừng 3.300 cư dân. Tuy nhiên kể từ ngày 13-3, Vò không ghi nhận thêm bất kỳ ca nhiễm nào, và vì vậy trở thành một hiện tượng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Padua, cùng quan chức Veneto và Hội Chữ thập đỏ địa phương, đã ra một quyết định quan trọng: kiểm tra bất kỳ công dân nào kể cả có triệu chứng hay không. 

Họ cô lập mọi bệnh nhân, cách ly mọi ca dương tính tại nhà riêng. Các nhà nghiên cứu quyết định không đưa bệnh nhân tới bệnh viện nhằm ngăn dịch lây lan. 

Ông Andrea Crisanti, giáo sư vi sinh tại Đại học Padua, lý giải: "Về nguyên tắc, nhiều người tại bệnh viện đã nhiễm bệnh. Nhiều bác sĩ, y tá và bệnh nhân đã ở đó rồi. Đây có thể là nguồn lây bệnh chính". 

Sau hai tuần triển khai cách ly theo cách trên, nhóm nghiên cứu cho kiểm tra toàn diện thêm một vòng nữa. Kết quả, tỉ lệ nhiễm COVID-19 đã rơi từ gần 3% xuống còn 0,41%.

Giới chức tại Vò cho rằng kiểm tra và cách ly xã hội là chìa khóa cho vấn đề, dù GS Crisanti thừa nhận việc kiểm tra toàn dân sẽ khó thực hiện hơn đối với các thành phố lớn và đông đúc. Tuy vậy ông vẫn tin rằng nước Ý cần chủ động hơn trong việc kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh.

Ý kiến của ông Crisanti được truyền thông phương Tây đón nhận nhiệt tình. Báo Guardian là một trong những tờ báo ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với các biện pháp cách ly xã hội quyết đoán, như đóng cửa trường học, hủy các sự kiện tụ tập đông đúc như ca nhạc, bóng đá và giải trí nói chung.

Còn tại Anh, chính phủ nước này vừa phải thay đổi trong chính sách tiếp cận, khi bắt đầu đóng cửa trường học và hủy các sự kiện đông người, trong đó có Giải ngoại hạng Anh (Premier League). 

Đến ngày 22-3, Chính phủ Anh đã bất ngờ kêu gọi người già và người dễ tổn thương ở Anh phải tự cách ly trong 12 tuần, đồng thời giới thiệu hàng loạt biện pháp cách ly xã hội và khuyến cáo cách ly. 

Những động thái quyết đoán này là điều "gần như xa vời so với cách đây vài ngày", theo Đài CNN.

Mỹ thay đổi ưu tiên xét nghiệm

Cách đây hơn một tuần, khi số ca nhiễm tại Mỹ chỉ khoảng 2.200 người, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ sớm tiến hành xét nghiệm virus corona mới trên diện rộng ở Mỹ nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. 

Đến ngày 22-3, theo tổng hợp của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tổng số người nhiễm COVID-19 tại Mỹ là gần 26.900 người, cao thứ ba thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ý.

Cho đến nay, việc xét nghiệm diện rộng tại Mỹ chưa áp dụng, nhưng theo ông Anthony Fauci - giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ, phát biểu tại cuộc họp báo tối 21-3 với sự hiện diện của ông Trump, rằng việc xét nghiệm trên diện rộng có thể làm tốn thêm nhiều nguồn lực quý giá hiện có và tăng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế. 

"Nếu bạn tới bệnh viện để xét nghiệm virus corona, người ta sẽ phải tốn thêm thiết bị bảo hộ, khẩu trang, găng tay. Những thứ đó nên được tiết kiệm và ưu tiên cho các nhân viên y tế đang chiến đấu ở tuyến đầu" - ông Fauci nêu quan điểm.

Ông Demetre Daskalakis, một quan chức thuộc Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh New York, thừa nhận trong lúc đồ bảo hộ và khẩu trang đang ngày một khan hiếm, "xét nghiệm cho một người không thực sự cần tức là đang cướp của những người phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt".

Hiện Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho một bộ kit xét nghiệm có thể cho ra kết quả trong vòng 45 phút. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ưu tiên bây giờ không phải là xét nghiệm bao nhiêu người mà là để dành được bao nhiêu bộ kit, khẩu trang hay đồ bảo hộ cho những người thực sự cần đến chúng.

Hôm 20-3, cơ quan y tế thành phố Los Angeles (bang California) đã yêu cầu việc xét nghiệm nên được ưu tiên cho người có triệu chứng rõ ràng, những người có nguy cơ cao, các nhân viên y tế. Tại New York, sở y tế thành phố cũng yêu cầu ngừng xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng nhưng chưa nặng tới mức phải nhập viện.

Giới quan sát nhận định rằng cũng giống như Anh, Mỹ đã thực sự bước vào giai đoạn mới, từ ngăn chặn dịch bùng phát sang làm chậm dịch bệnh và kéo dài thời gian chuẩn bị cho hệ thống y tế.

Nước Ý đã quá chủ quan! Nước Ý đã quá chủ quan!

TTO - Chỉ trong vòng 4 tuần, số ca tử vong tại Ý đã tăng hơn 486 lần và đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nước có số người chết vì COVID-19 nhiều nhất thế giới, trong khi số ca nhiễm chỉ bằng một nửa.

NHẬT ĐĂNG - BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên