23/03/2005 19:22 GMT+7

Nuôi con, dễ hay khó?

Theo TT&GĐ
Theo TT&GĐ

Bạn sắp lập gia đình? Bạn sắp có con? Bạn đang nuôi con? Vậy bạn đã trang bị cho mình kiến thức nuôi con chưa? Hãy học khi còn chưa quá muộn!

HCR1ABrs.jpgPhóng to
Bạn sắp lập gia đình? Bạn sắp có con? Bạn đang nuôi con? Vậy bạn đã trang bị cho mình kiến thức nuôi con chưa? Hãy học khi còn chưa quá muộn!

Từ kiến thức non nớt của bố mẹ

“Há miệng ra. Cứ ngậm cứng hoài là sao? Con nhỏ này lì quá. Bảy, mày bịt mũi, cạy miệng nó cho tao đổ thuốc vô coi!”.

Đứa trẻ 14 tháng tuổi, mắt trợn dọc, cổ họng kêu hức hức, tay chân giãy giụa rồi mặt tím tái dần sau khi mẹ và dì đút xong mấy viên thuốc. Bà hàng xóm đang quét sân, nghe tiếng kêu hốt hoảng, vội chạy ngay vào.

Nhìn thấy đứa bé lả đi trong tay mẹ, bà vội kêu lên: “Đưa nó đi bệnh viện cấp cứu mau”.

Do bị bịt mũi và cạy miệng đổ thuốc trong lúc la khóc, viên thuốc đã chạy vào thanh quản, làm tắc đường hô hấp khiến đứa bé tím tái vì ngạt thở, may mà cấp cứu kịp.

Cô Vũ Thị Chi, 27 tuổi, bán tạp hóa ở hẻm Hồ Thị Kỷ, Q. 10 – TPHCM, muốn con ngồi yên cho mình buôn bán, cô đã đưa cho đứa con 2 tuổi một ca nước xà phòng, thả vào đó chiếc ống hút để bé thổi bong bóng chơi.

Không ngờ, thay vì thổi ra, bé lại hút nước vào và nuốt xuống bụng. Khi phát giác, cô Chi liền chạy đến xốc con lên, móc họng cho bé nôn ra. Sau đó, cô lại lu bu bán hàng.

Nửa đêm, bé nóng sốt dữ dội, ăn gì cũng nôn sạch. Trong chất nôn ra có cả máu. Hoảng quá, cô Chi vội đưa con vào bệnh viện. Bác sĩ bảo bé đã bị nhiễm trùng đường ruột rất nặng. Cô Chi khóc: “Cháu nó đã nôn hết nước xà phòng ra rồi mà, sao còn nhiễm trùng được chứ?”.

Đến những kinh nghiệm phản tác dụng

Vợ chồng chị Kiều Loan ở Bàu Cát, Q.Tân Bình, gần 40 tuổi mới sinh được mụn con trai. Cả hai bên gia đình cưng yêu đứa bé như trứng mỏng.

Bà ngoại theo tây y, khuyên con gái nghiên cứu nuôi con bằng sách vở.

Bà nội cổ điển hơn, tuyên bố: “Má đẻ gần chục đứa con, nuôi sởn sơ bằng kinh nghiệm ông bà. Cứ nghe lời má là được”.

Chị Loan xuôi theo mẹ chồng. Dù gì kinh nghiệm vẫn hơn sách vở chứ. Thế là, một lần thằng bé đau bụng, khóc suốt đêm, chị liền gọi điện hỏi ý mẹ chồng.

Bà dạy: “Nó sình bụng đó mà. Lấy dầu hôi trong cái đèn đang thắp bôi lên bụng nó rồi quấn vải chặt lại. Lát hồi nó đi tiêu xong là hết đau ngay”.

Lát hồi, thằng bé đã không đi tiêu được mà còn ưỡn ngược người lên, khóc dữ dội hơn. Sờ đầu con thấy nóng nực, chị Loan tức tốc đưa con đi bệnh viện. Thấy thằng bé sực mùi dầu hôi, bác sĩ hỏi, chị Loan thật tình “khai báo”.

Mở lớp vải quấn bụng bé ra, bác sĩ thất kinh. Cả một vùng bụng thằng bé phỏng rộp, lấm tấm nước!

Chồng chị Loan xót con, cằn nhằn mẹ: “Má nói kinh nghiệm kiểu gì sém chút nữa làm cháu nội má chết vậy?”.

Bà già giận hờn: “Hồi xưa tao cũng làm vậy với tụi bây, có đứa nào bị làm sao đâu?”.

Chị Lê Thị Hòa ở đường Lê Lợi, Q.1, lại tin rằng chỉ có sữa mẹ mới hoàn hảo. Vì thế, chị không cho con bú sữa bột mà chỉ cho bé bú sữa mình.

Khi đứa bé còn trong tháng đến thôi nôi, sữa chị nhiều và tốt thật. Sau đó, chị đi làm, ăn uống không điều độ, sữa dần cạn đi và không còn bổ dưỡng nữa.

Thằng bé gần ba tuổi ngày càng ốm o, gầy mòn. Đến khi bác sĩ tuyên bố: Suy dinh dưỡng và cho toa mua... sữa bột, chị mới hiểu ra. Khó khăn bây giờ là thằng bé không quen mùi sữa bột, cứ uống vào lại nôn ra.

Trẻ như trang giấy mới in gì vào cũng dễ

Do bận đi làm, sau khi sinh được bốn tháng, chị Trương Lệ Hằng ở đường Hồ Văn Huê, Q. Phú Nhuận thuê bảo mẫu để chăm sóc con.

Bà bảo mẫu thật tuyệt. Nhìn con bé bụ bẫm và sạch sẽ như một thiên thần nhỏ, chị Hằng thích lắm. Thế là chị tăng lương và đề nghị bà ở hẳn trong nhà cho đến khi bé đến tuổi đi nhà trẻ.

Một hôm, chị Hằng bị tai nạn giao thông, phải nghỉ nhà một tuần. Được gần mẹ nhưng đứa bé không quan tâm đến mẹ mà chỉ đòi bà bảo mẫu. Hễ qua tay chị Hằng là bé khóc và lắc đầu quầy quậy.

Vừa buồn, vừa lo, chị Hằng đành luyến tiếc cho bà bảo mẫu nghỉ việc và đem con gửi nhà trẻ ở gần công ty, nơi chị có thể chạy qua chạy lại đùa với con ngày vài lần.

Bà bảo mẫu của chị Dương Trúc ở khu Soái Kình Lâm, Q.5, giữ trẻ đã khéo, bà còn nấu ăn, làm việc nhà rất giỏi. Thế nhưng, chồng chị Trúc không hiểu tại sao chị lại cho bà nghỉ.

Để trả lời chồng, chị Trúc bảo con: “Hát bài Bắc kim thang đi con”. Con bé hí hởn hát: “Béc kim thang, cà reng bí rựa, cột que kèo lè kèo que cột. Chú bén dèo, que kèo mè té...”.

Hóa ra, bé phát âm đặc giọng Quảng Ngãi của bà!

Chưa kể, bà mắc bệnh lịu, mỗi lần giật mình hay chửi một tràng dài vô nghĩa, dạng: “Ú, oá, mệ khí, teo bè leo xeo...”. Con bé cứ thế mà học và vô tư nói khi gặp bất cứ ai.

Đừng tưởng trẻ con không biết để ý

Nhà vợ chồng anh Vũ Tâm, chị Lê Thị Thùy ở khu An Phú, Q.2, rất khang trang. Tuy đã làm riêng phòng cho con trai, nhưng cả hai vợ chồng vẫn cho cậu bé Su Hào, 3 tuổi, ngủ chung với mình.

Một hôm, ông bà nội từ Hà Nội vào chơi. Bé Su Hào liền đòi sang ngủ với ông bà.

Hôm sau, trong lúc ăn cơm, Su Hào bi bô: “Ngủ với ông bà nội thích lắm. Con tha hồ sờ ti bà nội. Ngủ với bố mẹ chán ơi là chán, lúc nào bố cũng sờ ti mẹ, chả để cho con sờ tí nào”.

Trong lúc ông nội tủm tỉm cười, bà nội nói khẽ với cô con dâu mặt đỏ như gấc: “Chết thật. Sao lại để cho nó thấy thế hả con?”.

Hãy học nuôi con trước khi sinh con

Đã qua rồi thời “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, nuôi con theo bản năng. Cuộc sống xã hội ta bây giờ, so với trào lưu thế giới cũng khá cập nhật.

Vì thế, nuôi con giỏi, nuôi con khéo theo nhiều phương pháp văn minh là bình thường.

Lập gia đình là đặt mình vào một vị trí mới mẻ đầy trách nhiệm. Bạn phải học cách làm vợ, học làm chủ một gia đình riêng. Trong đó, việc làm mẹ là lẽ đương nhiên. Hãy tạo cho mình một kiến thức khả dĩ đầy đủ để không lúng túng trước biết bao tình huống trong nhiệm vụ làm mẹ sau này.

Theo TT&GĐ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên