04/08/2022 05:34 GMT+7

Ôtô chặn lối ra vào, làm sao giải quyết cho thông?

TUYẾT MAI - CHÂU TUẤN
TUYẾT MAI - CHÂU TUẤN

TTO - Mới đây, Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) đã khởi tố một người đàn ông về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản khi người này dùng cây gỗ đập kính ôtô đậu trong hẻm, gần lối ra vào nhà mình. Trước đó, cũng từng có nhiều vụ việc tương tự.

Ôtô chặn lối ra vào, làm sao giải quyết cho thông? - Ảnh 1.

Ôtô đậu trong hẻm tại quận 10, TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG

Đây thực sự là vấn đề khá nan giải ở đô thị "tấc đất, tấc vàng" như TP.HCM. Xe cộ ngày càng nhiều, đến đường cho xe chạy còn chưa đủ, nói gì đến chỗ dừng đậu.

Được đậu xe trong trường hợp nào?

Theo luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật giao thông đường bộ cho phép chủ xe được dừng, đậu xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy.

Trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đậu sát mép đường phía bên phải theo chiều đi. Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng, đậu xe hoặc quy định các điểm dừng, đậu thì phải dừng, đậu tại các vị trí đó.

Nếu đậu xe chiếm một phần đường thì phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người đi xe khác biết.

Với trường hợp đường có vỉa hè, lề đường thì phải cho xe dừng, đậu sát theo lề đường, hè phố phía bên phải; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.

Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đậu xe ở vị trí cách xe đang đậu bên kia đường tối thiểu 20m.

Người lái xe không được dừng, đậu xe bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đậu; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng của xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trong phạm vi an toàn của đường sắt; che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Ngoài ra, tài xế cũng không được dừng xe, đậu xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước…

Luật sư Vũ cũng cho biết nếu tài xế đậu xe nơi có biển cấm dừng cấm đậu, đậu xe sai nguyên tắc hoặc đậu xe trên đường, hẻm có bề rộng đủ cho một làn xe thì tài xế có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 100.

Do tiết kiệm phí đậu xe

Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM (đơn vị được giao tổ chức thu phí đậu xe) cho biết trong năm 2021 đơn vị phải bù lỗ 8 tỉ đồng để duy trì hoạt động thu phí đậu xe trên đường.

Theo đơn vị này, ngoài khó khăn vì COVID-19, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành của một bộ phận người dân vẫn chưa cao. Tình trạng đậu xe sai quy định của một số nhà hàng, quán ăn và nhiều người dân đậu ôtô nhưng không nộp phí…

Không ít trường hợp đậu xe sai quy định cản trở giao thông cũng như chiếm đi khoảng không gian trước nhà dân.

Ôtô cản lối đi, báo ai?

Hiện nay, ghi nhận thực tế trên các tuyến đường ở TP.HCM, không khó để gặp những trường hợp đậu xe sai quy định, chắn không gian vào các con hẻm nhỏ, thậm chí có trường hợp chặn luôn cửa ra vào nhà dân.

Anh Đàm Văn Thạch (27 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) kể chuyện cách đây vài hôm khi đi làm về, anh phát hiện một ôtô đậu chiếm hết cửa ra vào nhà mình. Phải đợi hơn 20 phút sau khi gọi điện hỏi một số người hàng xóm mới biết là xe của bạn bè họ ghé chơi, chỉ là đậu nhờ.

"Dẫu biết chỉ là vậy, nhưng tình huống này đã gây ra nhiều phiền toái cho người khác. Với những trường hợp tương tự, tôi nghĩ chủ xe nên để lại số điện thoại trên xe để người khác liên hệ khi cần yêu cầu phải di chuyển sang nơi khác cho thông thoáng.

Nếu đậu trước nhà người khác quá lâu mà gặp những người nóng tính thì không lường được chuyện gì sẽ xảy ra", anh Thạch nói.

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) gợi ý khi gặp những trường hợp bị ôtô đậu chặn lối đi hoặc ảnh hưởng đến việc lưu thông, chủ nhà có thể báo cho cơ quan chức năng gần nhất như UBND cấp phường xã, trật tự đô thị hoặc CSGT.

Trường hợp không thể liên lạc với những cơ quan này, người dân có thể gọi số điện thoại 113 thì sẽ có người tiếp nhận, xử lý. Ở TP.HCM, hiện nay công an phường đều có đường dây nóng nên người dân có thể phản ánh để được giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, chủ tịch UBND phường 11, quận 5, cho biết tại địa bàn phường có Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM. Xung quanh có nhiều hàng quán tập trung, các bãi đậu xe ít và thường quá tải nên có tình trạng đậu đỗ xe sai quy định.

Đơn cử như đường Mạc Thiên Tích phía sau bệnh viện, mặc dù UBND phường đã gắn bảng cấm đậu và thường xuyên ra quân xử lý nhưng họ vẫn làm trái.

Một số trường hợp đậu trước hàng quán khoảng 10 - 20 phút thì phường cũng nhắc nhở, thậm chí khóa bánh xe và bắt ký cam kết, nếu tái phạm thì xử lý nặng hơn. Không ít trường hợp sau khi phường ngừng tuần tra thì lại tiếp tục vi phạm.

"Người dân cũng gặp khó vì khu vực này rất ít bãi đậu xe. Thậm chí xe máy còn không đủ chỗ chứ huống gì ôtô. Phường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc này. Các hàng quán rất nhiều nên chủ yếu là tuyên truyền để nâng cao ý thức từ người dân, chứ để dẹp luôn tình trạng đậu xe thì phường khó làm được", bà Vân cho hay.

Lý - tình thế nào?

Tổng hợp lại, theo luật sư Vũ, chủ xe hoàn toàn có quyền dừng, đậu xe ở những nơi không có biển cấm và không vi phạm quy định về nguyên tắc đậu xe theo Luật giao thông đường bộ.

Chủ nhà chỉ có toàn quyền định đoạt, quản lý sử dụng phần đất thuộc nhà mình, còn vỉa hè và lòng lề đường trước mặt nhà mình thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Tuy vậy, khi đậu xe, tài xế nên có sự xin phép trước hoặc dừng, đậu tránh bít hoàn toàn lối vào nhà người khác.

Còn chủ nhà khi thấy xe đậu trước cửa nhà mình dù bức xúc nhưng cũng nên cư xử điềm tĩnh, tránh hành động bộc phát như đập xe, viết vẽ bậy lên xe bởi hành động này tùy mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trường hợp chủ nhà thấy tài xế đậu sai quy định pháp luật có thể nhắc nhở hoặc nếu không tìm được tiếng nói chung thì nên chụp hình làm bằng chứng gửi người có thẩm quyền xử phạt.

Đi nhậu về, thấy xe hơi đậu cạnh nhà chướng mắt nên xách cây đập Đi nhậu về, thấy xe hơi đậu cạnh nhà chướng mắt nên xách cây đập

TTO - Người đàn ông đi nhậu về thấy ôtô đậu trong hẻm, bên hông nhà mình, thấy chướng mắt nên dùng cây gỗ đập phá, làm hư hỏng nhiều phần của xe. Công an đã bắt người này để xử lý.

TUYẾT MAI - CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên