29/08/2021 09:39 GMT+7

Ông Biden và thách thức mang tên Afghanistan

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Những ngày cuối tại Afghanistan đang gây sức ép lớn với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông đối mặt với chỉ trích, thậm chí cả kêu gọi từ chức, sau cuộc tấn công đẫm máu ở Kabul làm gần 200 người chết.

Ông Biden và thách thức mang tên Afghanistan - Ảnh 1.

Một người tị nạn Afghanistan cùng trẻ con đi trên xe buýt đến trung tâm tiếp đón và xử lý người tị nạn tại sân bay quốc tế ở Dulles, bang Virginia (Mỹ) vào ngày 27-8 - Ảnh: REUTERS

Đã có sai lầm ở đâu đó.

Tướng Frank McKenzie nói sau vụ đánh bom ở Kabul, giữa khá nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ như: Làm sao kẻ đánh bom lọt qua các chốt kiểm soát của Taliban? Tại sao lính Mỹ lại có mặt trong các đám đông dù biết rõ nguy cơ bị tấn công?...

Khi cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ chỉ còn vài ngày nữa kết thúc, ông Biden vẫn đang đứng trước những quyết định rất lớn và nhạy cảm. Dù phần lớn người Mỹ muốn rút khỏi Afghanistan nhưng sự hỗn loạn ở Kabul khiến tỉ lệ ủng hộ ông Biden giảm xuống còn 41%, theo khảo sát của USA Today/ĐH Suffolk công bố ngày 24-8 .

Điều đáng chú ý là kết quả khảo sát chưa tính đến tác động từ vụ đánh bom ngày 26-8 khiến 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng - mức tổn thất nhân mạng lớn nhất trong 1 ngày của quân đội Mỹ kể từ năm 2011.

Không kích trả thù

Ngày 28-8, ông Biden hạ lệnh không kích ở tỉnh Nangarhar nhắm vào các thành viên nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có liên quan vụ tấn công sân bay ở Kabul.

Báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin quân đội Mỹ xác nhận vụ không kích đã tiêu diệt được một kẻ được cho là chủ mưu vụ tấn công ngày 26-8 và không có dân thường thiệt mạng. Phía Taliban cũng nói đã bắt được một số thành viên của chi nhánh IS tại Afghanistan (IS-K).

Lúc này, ông Joe Biden đang đối mặt với các ý kiến chỉ trích ngày càng nhiều hơn từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Sau vụ đánh bom, một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trong đó có ông Josh Hawley và bà Marsha Blackburn, đã kêu gọi ông Biden từ chức. Thậm chí họ còn cảnh báo ông Biden cùng Phó tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có thể bị luận tội.

Ông Biden trước đó tuyên bố ông chịu trách nhiệm về mọi việc nhưng bác bỏ việc cho rằng quyết định rút quân của ông đã gây ra sự hỗn loạn ở Kabul.

"Tôi chỉ có một lựa chọn khác: đưa thêm hàng ngàn binh lính trở lại Afghanistan. Tôi không bao giờ nghĩ rằng chúng ta nên hy sinh mạng sống của người Mỹ để thiết lập một chính phủ dân chủ ở Afghanistan", ông nhấn mạnh.

Dù ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ nhóm IS-K, song giới chức quốc phòng Mỹ vẫn cho rằng cuộc không kích ngày 28-8 gần như chỉ mang tính biểu tượng khi Washington không còn nhiều lựa chọn để đối phó IS.

Trong khi đó, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng điều quan trọng nhất là ông Biden đã hoàn thành việc di tản như đã hứa. "Nếu chúng ta không giữ được cam kết này, tôi nghĩ nó sẽ phá hoại niềm tin với chúng ta nhiều hơn nữa", ông Panetta nói.

Hợp tác với Taliban

Tình thế lúc này buộc Mỹ phải dựa vào Taliban để ngăn chặn nguy cơ tấn công từ các nhóm khủng bố khác. Theo tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ, tướng Frank McKenzie, Mỹ và Taliban hiện có "mục tiêu chung" và Mỹ sẽ coi Taliban như "công cụ để bảo vệ" lực lượng Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang thảo luận với Taliban về việc duy trì sự hiện diện ngoại giao của họ sau ngày 31-8. Chính quyền ông Biden trước đó cam kết sẽ tiếp tục giúp công dân Mỹ và đối tác người Afghanistan di tản sau hạn chót rút quân.

Theo giới chức Mỹ, ban đầu ông Biden không có ý định hợp tác với Taliban và trong phát biểu ngày 27-8 vẫn khẳng định Washington không tin lực lượng này. Thực tế, dù hợp tác với Taliban tại sân bay Kabul, phía Mỹ cũng đã phá hủy căn cứ Eagle để tránh việc nó rơi vào tay lực lượng này.

Giới chức Mỹ cũng cho rằng sự thất bại trong hợp tác giữa Mỹ và Taliban từ những ngày đầu, khi Taliban phụ trách an ninh ở vòng ngoài sân bay Kabul, chính là nguyên nhân để lọt những kẻ đánh bom khủng bố.

Nguy cơ còn ở phía trước

Theo Hãng tin Reuters, dù quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho việc sơ tán từ nhiều tuần trước khi Kabul sụp đổ song quá trình di tản chậm và thiếu chuyến bay đã gây hỗn loạn và tạo điều kiện lý tưởng cho những kẻ tấn công.

Theo giới quan sát, thách thức của Mỹ tại Afghanistan cũng rất khác biệt so với lần rút quân ở Iraq năm 2011. Lúc này, lực lượng Mỹ phải đối mặt cùng lúc cả nguy cơ an ninh lẫn khủng hoảng nhân đạo, chưa kể việc sơ tán chỉ tập trung tại một điểm duy nhất là sân bay Kabul.

Nhà Trắng đã cảnh báo những ngày cuối sẽ là thời gian nguy hiểm nhất, khi Washington tập trung đưa 5.000 binh lính rời Kabul.

Hơn 100 người chết do đánh bom ở Kabul, ông Biden nói Hơn 100 người chết do đánh bom ở Kabul, ông Biden nói 'không tha thứ' thủ phạm

TTO - "Chúng tôi sẽ không tha thứ, chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ truy lùng và bắt các người phải trả giá" - Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, sau vụ tấn công ngày 26-8 khiến ít nhất 90 người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ chết.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên