29/10/2023 09:28 GMT+7

Ông Diệp Dũng đã 'lạm quyền khi thi hành công vụ' thế nào?

Cơ quan an ninh điều tra vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án "lạm quyền khi thi hành công vụ" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).

Trụ sở Saigon Co.op tại quận 1, TP.HCM - Ảnh tư liệu

Trụ sở Saigon Co.op tại quận 1, TP.HCM - Ảnh tư liệu

Trong vụ án này, ông Diệp Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op; Nguyễn Thành Nhân - cựu tổng giám đốc Saigon Co.op, Hồ Mỹ Hòa - cựu giám đốc tài chính Saigon Co.op, Võ Thành Trung - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới và Tôn Thất Hào - tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đại Á cùng bị đề nghị truy tố về tội "lạm quyền khi thi hành công vụ".

4 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" từng giữ nhiều chức vụ tại Saigon Co.op.

Nhận tiền đầu tư từ Saigon Co.op mang đầu tư vào Saigon Co.op

Theo hồ sơ, sau khi huy động được 3.000 tỉ đồng cho thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam nhưng đấu giá không thành công, ông Diệp Dũng đã chỉ đạo Hồ Mỹ Hòa lấy 1.000 tỉ đồng (từ tài khoản huy động vốn) để hợp tác đầu tư.

Hồ Mỹ Hòa báo cáo miệng với Nguyễn Thành Nhân về việc trên thì được Nhân đồng ý cho Hòa thực hiện theo chỉ đạo của Diệp Dũng.

Sau đó, ông Diệp Dũng không thông qua hội đồng quản trị, tự ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á số tiền 300 tỉ đồng và với Công ty Đô Thị Mới số tiền 700 tỉ đồng với lợi nhuận cố định là 7%/năm. Tài sản thế chấp của hai công ty này là 12 hợp đồng cầm cố chứng khoán của một số cá nhân.

Từ ngày 19-8-2016 đến 9-11-2016, Hòa lấy 300 tỉ đồng nhận từ Saigon Co.op đi gửi tiết kiệm tại một ngân hàng và thu được 2 tỉ đồng. Sau đó Hòa ký hợp đồng ủy thác đầu tư với phó tổng giám đốc Công ty Hải Dương, để chuyển toàn bộ 300 tỉ đồng nhận từ Saigon Co.op cho Công ty Hải Dương, với mục đích góp số tiền này vào Saigon Co.op kiếm lợi nhuận.

Đối với Công ty Đô Thị Mới, sau khi nhận tiền từ Saigon Co.op , Võ Thành Trung lấy 700 tỉ đồng này để cho vay, gửi tiết kiệm và thu lãi gần 7,5 tỉ đồng. Đến tháng 11-2016, Trung ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Công ty Hải Nam, Công ty Thành Nam và ủy thác giám đốc Công ty Hải Dương để góp vốn vào Saigon Co.op.

Đầu năm 2018, ngân hàng có văn bản gửi Saigon Co.op xác nhận 27 công ty tham gia góp vốn và sở hữu vốn góp với tổng số tiền 4.000 tỉ đồng và sẽ thực hiện việc hoàn trả tiền cho 27 công ty này.

Thời điểm này, Saigon Co.op cũng đồng thời yêu cầu Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới hoàn trả số tiền 1.000 tỉ đồng và lợi nhuận 7%/năm.

Tuy nhiên hai công ty này lấy lý do sử dụng 1.000 tỉ đồng không hiệu quả, không thu được lợi nhuận nên trao đổi và ký thỏa thuận với Diệp Dũng, bổ sung điều chỉnh tỉ lệ lợi nhuận từ 7%/năm xuống còn 0%/năm.

Cuối năm 2017, đầu 2018, tài khoản huy động của Saigon Co.op chuyển trả lại 4.000 tỉ đồng cho 27 công ty (trong đó trả 700 tỉ đồng cho Công ty Đô Thị Mới và 300 tỉ đồng cho Công ty Hải Dương, sau đó Công ty Hải Dương chuyển toàn bộ số tiền này cho Công ty Đại Á). 

Cùng ngày, Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á chuyển trả 1.000 tỉ đồng cho Saigon Co.op.

Theo cơ quan điều tra, việc Diệp Dũng tự ý ký thỏa thuận bổ sung điều chỉnh tỉ lệ lợi nhuận từ 7%/năm xuống còn 0%/năm, gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115,6 tỉ đồng.

Bí ẩn khoản tiền 100 tỉ đồng

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định giữa năm 2016, tài khoản của Diệp Dũng nhận được 100 tỉ đồng, sau đó Diệp Dũng rút toàn bộ tiền mặt. Cùng ngày tài khoản của người thân Diệp Dũng phát sinh một số giao dịch nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền mặt.

Diệp Dũng thừa nhận việc nhận 100 tỉ đồng từ giám đốc Công ty Hải Dương, nhưng từ chối khai lý do vì cho rằng không liên quan vụ án. 

Trong khi đó, giám đốc này nói không nhớ về việc chuyển 100 tỉ đồng và cam kết sẽ kiểm tra, cung cấp tài liệu chứng cứ về nội dung này nhưng đến nay chưa thực hiện.

Để làm rõ, cơ quan điều tra đã nhiều lần yêu cầu, thông qua Ngân hàng Nhà nước, một ngân hàng cung cấp thông tin. Đồng thời đã triệu tập lãnh đạo cấp cao của ngân hàng để làm việc nhưng đến nay không được phối hợp.

Cho rằng nội dung này không ảnh hưởng đến kết luận điều tra vụ án nên cơ quan điều tra đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thanh tra giám sát đối với ngân hàng để cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra.

Thay đổi tội danh đối với cựu tổng giám đốc Saigon Co.opThay đổi tội danh đối với cựu tổng giám đốc Saigon Co.op

Cơ quan điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố bị can về tội lạm quyền khi thi hành công vụ đối với ông Nguyễn Thành Nhân, cựu tổng giám đốc, và Hồ Mỹ Hòa, cựu giám đốc tài chính Saigon Co.op.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên