16/05/2024 09:19 GMT+7

Ông Hoàng Tuần Tài mơ làm mới Singapore

Sau gần 60 năm, sự phát triển của Singapore đã trở thành phép màu ở châu Á. Nhưng những chương hay nhất của 'Câu chuyện Singapore', theo tân Thủ tướng Hoàng Tuần Tài, vẫn chưa được viết và thế hệ tương lai sẽ là tác giả của các chương tiếp theo đó.

Tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài tuyên thệ nhậm chức - Ảnh: Reuters

Tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài tuyên thệ nhậm chức - Ảnh: Reuters

Tối 15-5, ông Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) tuyên thệ nhậm chức, trở thành thủ tướng thứ tư của Singapore. Ở tuổi 52, ông Hoàng còn một "đường băng rất dài" để đưa Singapore cất cánh cao hơn nữa.

Thúc đẩy xã hội gắn kết và phát triển hơn

Trong cuộc phỏng vấn trước khi nhậm chức, ông Hoàng trăn trở với câu hỏi đâu sẽ là tiêu chuẩn, là mục tiêu phát triển tiếp theo của Singapore. Quả thực đó là một câu hỏi không dễ trả lời.

Bởi nếu như trước đây Singapore có thể lấy ý tưởng từ các quốc gia phát triển khác ở phương Tây, chẳng hạn như mức sống của người Thụy Sĩ, để làm chuẩn phát triển thì giờ đây Singapore đã là một nước phát triển, có thu nhập cao hàng đầu châu Á và trong nhiều lĩnh vực còn xếp trên cả những nước đã từng là chuẩn của họ.

"Rất khó để xác định một điểm chuẩn duy nhất ngày hôm nay", ông Hoàng thừa nhận trong cuộc phỏng vấn và mô tả Singapore giống như đang ở một nơi chưa được khám phá.

"Chúng ta phải có những giải pháp mới cho các vấn đề và thách thức của chính mình. Và đó là những gì tôi sẽ cố gắng làm, không chỉ bằng đội ngũ của tôi mà còn bằng cách khai thác năng lượng tập thể của tất cả người dân Singapore", ông Hoàng chia sẻ.

Khẳng định Chính phủ Singapore sẵn sàng xem xét lại mọi thứ, tân thủ tướng cho rằng đó không phải là đảo ngược tất cả mà là xem xét, lắng nghe những kỳ vọng của xã hội và tìm ra giải pháp trong bối cảnh mới để đưa Singapore tiến lên.

Một phần của quá trình này đã bắt đầu sau khi ông cùng các nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư của Đảng Hành động nhân dân (PAP) có những thảo luận trong hơn một năm với khoảng 200.000 người dân Singapore.

Với việc môi trường kinh tế sẽ có nhiều biến động và tiến bộ công nghệ có thể đào thải nhiều việc làm, Chính phủ Singapore đã và sẽ thiết kế các chương trình cho phép người thất nghiệp có được những kỹ năng mới.

"Đó sẽ là một làn sóng học tập mới, không phải như một gánh nặng vì điểm số mà thực sự là để mang lại cho họ sự thúc đẩy thứ hai trong sự nghiệp và sau đó hy vọng họ sẽ có thể kiếm được một công việc tốt hơn", ông khẳng định.

Củng cố bản sắc Singapore

Kể từ khi được chọn là người kế nhiệm ông Lý Hiển Long, ông Hoàng đã cố gắng dành thời gian để học thêm tiếng Mã Lai và tiếng Quan Thoại. Mong muốn của ông là để lắng nghe, thấu hiểu tất cả những ý kiến từ mọi cấp, mọi sắc tộc trong nước.

Với dân số gần 6 triệu người, Singapore là đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc, trong đó người gốc Hoa, gốc Mã Lai và gốc Ấn là những nhóm lớn nhất. Khẳng định chính phủ coi trọng mọi sắc tộc, dù lớn hay nhỏ, ông Hoàng cam kết đảm bảo mọi cộng đồng đều có một vị trí, được tôn trọng, có giá trị và cảm thấy mình thuộc về Singapore.

"Ngay cả khi chúng ta duy trì những sợi dây liên kết với cội nguồn, hãy nhớ rằng chúng ta trước hết là người Singapore. Chúng ta phải liên tục nỗ lực để củng cố bản sắc Singapore và mở rộng nền tảng chung mà tất cả đều chia sẻ với tư cách là những người Singapore", tân thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng một xã hội Singapore đoàn kết hơn nữa, không còn xác định sự thành công chỉ dựa trên vật chất và lấy người dân làm trung tâm dường như là mục tiêu của tân thủ tướng. Ông nhấn mạnh: "Tôi tin rằng tất cả người dân đều muốn Singapore trở thành một nơi có cơ hội để mọi người vượt trội, phát triển, tối đa hóa tiềm năng của họ và trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính họ".

Để biến điều này thành hiện thực, ông cho rằng phải có một hệ thống và một xã hội nơi mọi công việc đều được tôn trọng, nơi có mức lương công bằng cho mọi việc và tất cả đều được công nhận.

Đồng thời, người Singapore phải được đảm bảo những điều cơ bản trong cuộc sống, dù đó là nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe hay nghỉ hưu để kể cả khi gặp thất bại vẫn có thể đứng lên và đi tiếp.

Chờ đợi những thay đổi tốt hơn

Chúng tôi có vài lần gặp Thủ tướng Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong), lần ấn tượng nhất là ở hội chợ từ thiện do Hội Chữ thập đỏ Singapore (SRC) phối hợp tổ chức cuối năm ngoái mà chúng tôi là những tình nguyện viên của SRC.

Vợ chồng ông rảo bước qua các gian hàng mà không đi cùng cận vệ hay bất cứ ai. Ông dễ gần, ăn mặc giản dị. Lần nào gặp chúng tôi cũng xin chụp chung với ông một tấm hình, ông lịch sự xin phép mượn điện thoại của chúng tôi và tự cầm máy chụp.

Hôm qua khi ngồi cà phê tán dóc với mấy người hàng xóm ngoài hawker (một kiểu trung tâm ẩm thực của khu dân cư ở Singapore), chúng tôi lại bàn về tân Thủ tướng Lawrence.

Trở thành người đứng đầu Chính phủ Singapore trong giai đoạn này, ông và các thành viên nội các sẽ phải nỗ lực để giải quyết những thách thức mà người dân đang đối diện: giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt liên tục tăng thời gian qua, trong khi tiền lương tăng theo không kịp.

Tôi còn nhớ bảy năm trước khi mới chuyển đến khu Pek Kio này sinh sống, 10 quả trứng gà loại to giá chỉ 2,5 SGD, nhưng giờ đã là 3,1 SGD, tăng gần 25%. Dù có nhiều hỗ trợ gián tiếp từ chính phủ như tặng phiếu mua hàng nhưng người dân vẫn cảm thấy áp lực khá lớn để cân đối thu chi trong khi giá cả hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng như hiện nay.

Giá nhà ở xã hội tại Singapore đã liên tục tăng vài năm qua, nhất là từ sau đại dịch COVID-19. Thống kê quý 1-2024 cho thấy giá nhà HDB (chung cư do chính phủ xây bán cho người dân, hơn 80% người dân Singapore hiện đang sống trong các HDB) trên thị trường chuyển nhượng đã tăng 1,7% so với quý liền trước.

Trung bình giá nhà HDB của năm 2023 tăng 4,9% so với năm trước, năm 2022 thì tăng 10,4% và năm 2021 tăng 12,7%...

Nếu chính phủ của Thủ tướng Lawrence Wong không kiểm soát và giải quyết được tình trạng này, cơ hội sở hữu nhà của thế hệ con cái chúng tôi sẽ ngày càng vất vả. Và đó là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong những buổi cà phê của chúng tôi.

Thậm chí nhiều người còn giận dỗi nói nếu chính phủ không giải quyết và kiểm soát được tình trạng tăng giá nhà, họ sẽ không bỏ phiếu cho Đảng cầm quyền PAP trong kỳ bầu cử năm tới.

Chi phí sinh hoạt và giá nhà cũng tác động rất nhiều đến việc thu hút lao động có chất xám là người nước ngoài. Trước kỳ chuyển giao, trả lời báo chí, ông Lawrence Wong khẳng định trong quá trình phát triển đất nước vẫn rất cần thu hút nhân tài từ nước ngoài.

Vì vậy làm sao để Singapore tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho người tài và không tạo áp lực quá lớn cho người dân là một bài toán mà chính phủ Lawrence Wong phải giải được trong suốt thời gian cầm quyền.

Việt Nam chúc mừng ông Hoàng Tuần Tài tuyên thệ nhậm chức thủ tướng SingaporeViệt Nam chúc mừng ông Hoàng Tuần Tài tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Singapore

Tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài nhậm chức trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến động, còn đảo quốc sư tử đứng trước câu hỏi phát triển tiếp theo thế nào khi đã quá giàu có.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên