14/05/2018 13:14 GMT+7

Ông Mahathir và sứ mệnh giữ lửa hi vọng

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Sau kỳ tích chấm dứt 60 năm cầm quyền của liên minh cầm quyền Barisan Nasional, những thách thức thật sự dành cho tân Thủ tướng Mahathir Mohamad chỉ mới bắt đầu.

Ông Mahathir và sứ mệnh  giữ lửa hi vọng - Ảnh 1.

Thủ tướng Mahathir trong cuộc họp báo tối 12-5 tại Malaysia - Ảnh: REUTERS

Chấn động từ "cơn sóng thần" mang tên Mahathir sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, nhưng chính quyền mới của Malaysia đang đối mặt với những thách thức quan trọng để thực hiện các lời hứa tranh cử trong 100 ngày đầu cầm quyền, chỉnh đốn đất nước và trên hết là giữ ngọn lửa hi vọng sau cuộc bầu cử lịch sử. Ngoài ra, vấn đề được quan tâm bậc nhất hiện nay là số phận của cựu thủ tướng Najib Razak sẽ đi về đâu.

Những cam kết không dễ thực hiện

Liên minh Pakatan Harapan (PH) của ông Mahathir trong cuộc bầu cử đã đưa ra hàng loạt cam kết từ bãi bỏ khoản thuế dịch vụ và hàng hóa 6% (GST) gây tranh cãi, nâng lương tối thiểu và trợ cấp xăng dầu trở lại... trong ba tháng đầu tiên lên nắm quyền. Hãng tin Bernama dẫn lời ông Mahathir ngày 13-5 khẳng định đã có sẵn lộ trình để loại bỏ GST, khoản thuế được áp dụng từ năm 2015 và bị chỉ trích là nguyên nhân làm tăng chi phí sống tại Malaysia. PH dự kiến thay thuế GST bằng thuế dịch vụ và kinh doanh được cho là sẽ công bằng hơn. Việc trợ cấp xăng dầu có thể đẩy mạnh sức tiêu thụ, giúp chính phủ mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay.

Nhưng đây sẽ là những thách thức lớn, trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn đang hoang mang với sự ra đi của một chính phủ đã nắm quyền hàng thập kỷ. Việc loại bỏ GST có thể gây tác dụng phụ như làm tăng sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và hơn hết sẽ khiến nợ quốc gia tăng hơn 100 tỉ USD. Cộng với việc trợ cấp xăng dầu trở lại, nó có thể gia tăng sức ép lên thâm hụt ngân sách hiện ở mức 3% GDP. Chưa kể giới phân tích lo ngại sự thay đổi chính quyền có thể tác động tiêu cực lên đồng ringgit và các sàn chứng khoán.

Thực sự khó nói trước điều gì, bởi sự trở lại của ông Mahathir diễn ra trong bối cảnh thế giới đã thay đổi chóng mặt so với khi ông ra đi cách đây 15 năm. Trong nước, sự thật Trung Quốc hiện là một nhà đầu tư lớn có sức chi phối ở Malaysia sẽ khiến ông khó thực hiện được lời hứa xem xét lại các dự án hạ tầng từ thời ông Najib, trong đó gồm những dự án hàng tỉ USD do Bắc Kinh chống lưng. Trong khi đó, ông phải đoàn kết một liên minh đa dạng chỉ mới sát cánh gần đây với mục tiêu chung là lật đổ ông Najib, nhằm đối phó với những thách thức chính trị từ những kẻ Hồi giáo cực đoan đến các nhóm ủng hộ đa sắc tộc. Reuters ngày 13-5 đưa tin đã có những bất đồng đầu tiên giữa ông Mahathir và chính trị gia Anwar Ibrahim về việc chỉ định các vị trí trong nội các.

Chống tham nhũng

Theo chính quyền mới, điều quan trọng nhất là loại bỏ tham nhũng. "Chúng tôi có một kế hoạch tốt hơn sẽ làm tăng tăng trưởng và thịnh vượng nếu chính phủ trong sạch, loại bỏ tham nhũng và đưa luật pháp trở lại" - cựu bộ trưởng tài chính Daim Zainuddin nói.

Suốt quá trình tranh cử, ông Mahathir đã gọi học trò cũ Najib là "kẻ cắp" và "phản quốc" liên quan bê bối tham nhũng quỹ 1MDB. Trong tuyên bố mới nhất, tân thủ tướng Malaysia tiếp tục khẳng định người tiền nhiệm sẽ gánh chịu hậu quả. "Có rất nhiều khiếu nại chống lại ông ta, tất cả sẽ phải được điều tra. Chúng ta phải hành động nhanh chóng" - tờ Guardian dẫn lời ông Mahathir. Trước đó, ông cho biết sẽ đề cử cố vấn chịu trách nhiệm thu hồi thất thoát trong bê bối 1MDB.

Truyền thông địa phương ngày 13-5 đưa tin cảnh sát Malaysia đã phong tỏa quanh tư dinh của ông Najib ở Jalan Langgak Duta, sau khi vị cựu thủ tướng và vợ bị cấm xuất ngoại. "Chúng tôi tìm kiếm các tài liệu chính phủ có thể bị lấy đi bất hợp pháp... và có thể bị đưa ra nước ngoài" - một quan chức cảnh sát cho biết, nhưng phủ nhận đây là một vụ bố ráp. Việc trừng phạt ông Najib có thể vấp phải phản ứng từ những người ủng hộ chính quyền cũ nhưng ít ra, theo chuyên gia chính trị Awang Azman Awang Pawi, các động thái này cho thấy ông Mahathir dường như đã kiểm soát được các cơ quan nhà nước trong cuộc chuyển giao. "Nó thể hiện ông Mahathir và chính phủ mới thực sự nghiêm túc chống tham nhũng và lạm quyền" - ông Awang Azman nhận định.

Việc giải quyết tham nhũng là một phần quan trọng để ông Mahathir chấn chỉnh đất nước, trước cuộc chuyển giao quyền lực tiếp theo cho ông Anwar. Liên minh PH, nghĩa là "Hi vọng", vẫn còn non trẻ và sứ mệnh khó khăn của tân thủ tướng Malaysia là giữ vững niềm hi vọng đó.

“Không có lý do gì để khiến kinh tế trở nên tệ hơn. Chúng tôi sẽ không làm tăng nợ. Chúng tôi không ngu ngốc. Nỗi lo sợ không cần thiết và đồn đoán là điều bình thường khi chính phủ mới lên tiếp quản” - cựu bộ trưởng tài chính Daim Zainuddin, hiện nằm trong nhóm cố vấn của PH, trấn an trong cuộc họp khuya 12-5. Câu trả lời có thể phần nào giải đáp khi các sàn giao dịch của Malaysia mở cửa trở lại vào đầu tuần này.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên