05/07/2023 17:28 GMT+7

Petrolimex tính nhiều cách để tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỉ đồng

Theo đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2035, Petrolimex sẽ phải tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỉ đồng.

Petrolimex đang nắm giữ thị phần lớn trên thị trường xăng dầu - Ảnh: Q.ĐỊNH

Petrolimex đang nắm giữ thị phần lớn trên thị trường xăng dầu - Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang đề xuất các phương án để tăng vốn điều lệ. Bởi trong đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2035, Petrolimex sẽ phải tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỉ đồng. 

Các phương án của Petrolimex

Mục tiêu tăng vốn điều lệ là để cải thiện các chỉ tiêu tài chính, tương xứng với quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô hoạt động đầu tư, chiến lược kinh doanh và chiến lược chuyển đổi số của tập đoàn. 

Theo đề xuất, việc tăng vốn điều lệ được thực hiện theo hai phương thức, gồm tăng vốn từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Đây là khoản thặng dư vốn để bổ sung tăng vốn điều lệ thông qua chia thưởng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Do vậy, với phương án này Nhà nước không phải nộp thêm tiền, trong khi tỉ lệ sở hữu tại tập đoàn vẫn giữ nguyên, không thay đổi. 

Theo tính toán, việc tăng vốn với phương án này giúp tập đoàn tăng thêm 1.588 tỉ đồng vào năm 2023; năm 2024 tăng thêm 2.215 tỉ đồng và năm 2025 tăng thêm 3.301 tỉ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của tập đoàn tăng từ 14.527 tỉ đồng năm 2023 lên mức trên 20.000 tỉ đồng vào năm 2025. 

Phương án thứ hai, việc tăng vốn sẽ dựa vào nguồn lợi nhuận sau thuế. Theo Petrolimex, trong thời gian tới, Nhà nước vẫn chủ trương nắm giữ tỉ lệ vốn điều lệ là 75,87%. Vì vậy việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ để huy động vốn từ bên ngoài xã hội và tạo nguồn lực cho tập đoàn đầu tư trong tương lai theo đánh giá của Petrolimex là khó thực hiện. 

Vì vậy, tập đoàn này đề xuất chấp thuận để Petrolimex được giữ lại nguồn lợi nhuận sau thuế từ năm 2022 - 2025 để bổ sung tăng vốn điều lệ, thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhằm thực hiện việc đầu tư và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. 

Đối với việc thoái vốn tại các công ty trực thuộc Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC), tập đoàn này đề xuất giãn tiến độ thoái vốn sang năm 2024 hoặc 2025. 

Lý do là việc thoái vốn tại PGCC gặp những khó khăn, do quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là các công ty có liên quan đến đất đai, quyền sử dụng đất, nên khả năng thoái vốn rất khó. Việc bán đấu giá ra công chúng có giá trị thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm, giao dịch không có thanh khoản, nên không thể tổ chức thực hiện. 

Doanh thu khủng và thị phần cao

Petrolimex là doanh nghiệp đang nắm giữ khoảng 44% thị phần xăng dầu cả nước. Năm 2022, tập đoàn này có doanh thu hợp nhất là 304.000 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 2.270 tỉ đồng và nộp ngân sách là 35.000 tỉ đồng. 

Trong 6 tháng đầu năm, Petrolimex đạt doanh thu 116.000 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước là 1.625 tỉ đồng và nộp ngân sách là 18.000 tỉ đồng. Dự kiến cả năm nay, tập đoàn này sẽ có doanh thu là 211.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.228 tỉ đồng. 

Có thể thu về hơn 2.500 tỉ từ thoái vốn ngân hàng, Petrolimex sẽ làm gì?Có thể thu về hơn 2.500 tỉ từ thoái vốn ngân hàng, Petrolimex sẽ làm gì?

Việc thoái vốn ngân hàng của Petrolimex là để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là xăng dầu, thực hiện các dự án đầu tư chiến lược.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên