26/10/2016 11:12 GMT+7

Phải trả lại tiền đã thu của người dân nhận cứu trợ

ĐỨC BÌNH thực hiện
ĐỨC BÌNH thực hiện

TTO -  Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương trao đổi riêng với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội sáng 26-10 về câu chuyện sau bão lũ thì trường, lớp học xuống cấp, gây nguy hiểm ở Quảng Bình.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình - Ảnh: Đ.Bình

- Trường mầm non là trường được đầu tư thấp, chậm nhất trong hệ thống các trường. Không những thế mà ngay chính sách cho các cô nuôi dạy trẻ cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. 

Đúng là khi lũ bão thì thường là các trường mầm non sẽ bị ảnh hưởng thiệt hại nhiều nhất. Các trường mầm non công lập thì chắc chắn hơn chút, nhưng trường mầm non dân lập, các điểm trường lẻ thì sau lũ sẽ có tình trạng xuống cấp. 

Giải pháp khắc phục thì trước mắt, nếu trường tự khắc phục được để đảm bảo chắc chắn an toàn tính mạng cho thầy và trò thì tiếp tục hoạt động. Còn những trường có nguy cơ mất an toàn thì tạm dừng và ngân sách của tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh để hỗ trợ. Có thể sẽ tổ chức đi học nhờ ở một địa điểm an toàn.

Ngay thời điểm này, tại thành phố Đồng Hới vẫn có những lớp học phải đi học nhờ ở nhà văn hóa vì trường lớp bị xuống cấp, nguy hiểm.

* Sau bão lũ, tỉnh đã có chỉ đạo rà soát, kiểm tra chất lượng, hiện trạng các công trình dân sinh, các trường học hay chưa? Tỉnh có nhiều điểm trường, trường học xuống cấp, nguy hiểm như trường mầm non ở huyện Quảng Trạch?

- Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tổng rà soát tình hình thiệt hại và đánh giá mức độ thiệt hại, trong đó có các trường học. Có đánh giá cụ thể thống kê thiệt hại, mức độ thiệt hại và mức độ nguy hiểm của các công trình, trong đó có các trường học thì tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ, cứu trợ cũng như có chỉ đạo các đơn vị, địa phương có biện pháp khắc phục.

* Vừa qua có hiện tượng chính quyền ở cơ sở đã thu lại tiền mà người dân vừa được cứu trợ. Ông đánh giá việc này thế nào?

- Đây là điều có thực ở một thôn của xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình). Sau khi phát hiện, chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh tất cả xã, phường, thị trấn phải làm nghiêm túc việc tiếp nhận và phân bổ hàng, tiền cứu trợ. Chỉ thị cũng nêu rõ việc sẽ điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân, hay đơn vị để xảy ra hiện tượng như vậy.

Trường hợp đã thu rồi thì trả lại đúng khoản tiền đã thu cho người dân theo đúng mức họ được cứu trợ.

* Đến lúc này Quảng Bình đã có chính sách hỗ trợ người dân ra sao?

- Thiệt hại của đợt lũ bão vừa qua đối với Quảng Bình rất nặng nề. Có một số huyện và ngay cả thành phố chưa từng bị ngập lụt thì lần này cũng bị và thiệt hại cũng rất lớn.

Về chính sách, ngay sau lũ, tỉnh đã chỉ đạo và Ban phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cùng các cơ quan tổ chức cứu hộ, giải quyết tình hình thiếu ăn của dân. Tỉnh đã xuất gạo, thức ăn để đáp ứng khó khăn trước mắt, xuất tiền hỗ trợ bão lũ cho dân, lập ban tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ để phân phối hàng hóa, tiền cứu trợ đến dân.

Tỉnh cũng giao các tổ chức như Đoàn thanh niên, phụ nữ… dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc để phát quà trực tiếp đến tận tay người dân một cách sớm nhất.

* Cảm ơn ông!

ĐỨC BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên