04/10/2018 13:39 GMT+7

Phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Phải có, dù không muốn!

HOÀNG ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP ghi

TTO - Nhìn từ góc độ pháp lý, ý kiến các luật sư cho rằng dù không muốn nhưng phải có nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vì trong môi trường này ngày càng xuất hiện nhiều hành vi xúc phạm lẫn nhau.

Phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Phải có, dù không muốn! - Ảnh 1.

Trong thực tế, bạo lực học đường không chỉ là chuyện từ phía thầy cô. Đã có những trường hợp thầy cô bị bạo hành - Ảnh: Đ.TUYÊN - T.B.DŨNG

Thậm chí, có những vụ việc gây bức xúc cho xã hội thì càng cần phải có căn cứ chế tài, trong đó có việc bảo vệ truyền thống tôn sư trọng đạo.

Tuổi Trẻ xin giới thiệu.

* Luật sư NGUYỄN THẾ TRUYỀN (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Lá khiên vững chắc

Theo tôi, đây là chuyện chẳng đặng đừng vì trên thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng về việc giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh, hay những hành vi tiêu cực của học sinh nhằm vào các thầy cô.

Việc đưa ra mức phạt tiền cao - 30 triệu đồng - trong môi trường giáo dục, nơi mối quan hệ thầy trò, tôn sư trọng đạo phải được tôn vinh, trân trọng nhất thì có lẽ nhà soạn thảo cũng đã tham chiếu đến các mức xử phạt tiền khác được quy định trong một số quy định pháp luật khác liên quan đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm như tội "làm nhục người khác - điều 155, Luật hình sự 2015, phạt tiền lên tới 30 triệu đồng".

Trong môi trường giáo dục phát triển như ngày nay, việc có được hành lang pháp lý chi tiết rõ ràng cũng phần nào bảo vệ được chính các thầy cô với những tiềm ẩn ở khắp mọi nơi như vụ việc tại Long An - bắt cô giáo quỳ xin lỗi.

Mức xử phạt cao với người làm công tác giáo dục - một lĩnh vực vẫn được coi là có thu nhập thấp như nhà giáo - cũng là một cách để kiềm chế, ngăn chặn và làm thay đổi tư duy "yêu cho roi cho vọt" vẫn lâu nay tồn tại trong một số nhà giáo, tránh xảy ra những vụ việc đau lòng như việc cô giáo nhét giẻ lau vào miệng học sinh đã diễn ra.

Khi hành lang pháp lý rõ ràng thì phải hiểu ngoài việc sẽ bị xử lý theo quy định thì các quy định pháp luật sẽ là lá khiên vững chắc để bảo vệ, đồng hành cùng lúc nhiều phía: thầy cô và học sinh.

Việc giáo dục, tuyên truyền phổ biến những quy định pháp luật cần phải được đưa vào ngay trong nhà trường theo cách đầy đủ, minh bạch nhất.

* Thạc sĩ - luật sư HOÀNG VĂN HƯỚNG (trưởng VPLS Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Có tác động tích cực

Theo tôi, việc ban hành nghị định này là cần thiết, nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Luật giáo dục và phù hợp với yêu cầu đòi hỏi thực trạng của hoạt động giáo dục hiện nay, cũng như góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật chung trong lĩnh vực giáo dục.

Hiện cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc không cần thiết ban hành nghị định này, bởi vì xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có một số nội dung không khác nhiều so với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xã hội và một số lĩnh vực tương đồng; hoặc không cần thiết tăng đối tượng điều chỉnh, nội dung trong lĩnh vực này.

Ví dụ: nội dung xử phạt hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học, xâm phạm danh dự nhân phẩm người học (điều 31 và 32 dự thảo nghị định) trước đây quy định tại nghị định 138/2013/NĐ-CP là một điều và có mức xử phạt thấp, nay mức xử phạt lên đến từ 20 đến 30 triệu đồng, có thể nói là rất nghiêm khắc và cụ thể hóa hơn hành vi vi phạm so với nghị định hiện hành.

Qua đó sẽ có tác động đến những chủ thể chịu sự điều chỉnh, tác động của nghị định, đặc biệt đối với các giảng viên, giáo viên là nghề đặc thù, nghề nghiệp còn gắn chặt với quy phạm đạo đức xã hội, đạo đức con người và những giá trị nhân văn về tôn sư trọng đạo.

Ngoài trách nhiệm nhà giáo, chức trách công vụ thì sự tác động mang tính chế tài này là cần thiết để từ đó sẽ có những tác động tích cực đến đội ngũ giáo viên, giảng viên trước học sinh, sinh viên, đối tượng mà các giáo viên, giảng viên có trách nhiệm ngoài dạy kiến thức chuyên môn còn phải là những tấm gương về chấp hành pháp luật và đạo đức người thầy, thể hiện tính phòng ngừa những hành vi vi phạm (hành vi xấu) trong môi trường sư phạm.

* Thạc sĩ NGUYỄN VIỆT KHOA (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM):

Khó thực thi

Nhiều quy định trong dự thảo khó thực thi trên thực tế, đặc biệt có nhiều quy định can thiệp trực tiếp vào việc quản lý của các trường, giáo viên và người học.

Chẳng hạn quy định xử phạt về dạy thêm, có thể ban soạn thảo quy định không dựa vào tình hình thực tế, các hành vi đưa ra rất chung chung.

Đối với các hành vi vi phạm về thi và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thì đây là việc mang tính chất nội bộ của các trường và nhà trường đã có những biện pháp xử lý.

Quy định về việc xử phạt nhà giáo và người học cũng không cần thiết, vì đây là việc nội bộ của các trường. Một số hành vi khác đã được các văn bản khác quy định cụ thể.

Tóm lại, ban soạn thảo cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với thực tiễn tình hình giáo dục hiện nay, để nếu ban hành thì cần xác định rõ phạm vi của nghị định, tránh trường hợp can thiệp sâu vào việc quản lý các trường theo mô hình tự chủ và nâng cao tính chủ động sáng tạo của nhà giáo và người học.

* Ông NGUYỄN HUY BẰNG (chánh thanh tra Bộ GD-ĐT):

Hơn một nửa số tỉnh, thành chưa xử phạt bao giờ

"Tổng kết việc thực hiện nghị định 138 từ năm 2013 đến nay cho thấy chỉ có 30 tỉnh, thành báo cáo có xử phạt, số còn lại chưa xử phạt bao giờ.

Các địa phương có áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì cũng chưa ở đâu chủ tịch UBND các cấp phạt cả, mà chỉ có thanh tra bộ, thanh tra sở xử phạt.

Lý do các sở chưa xử phạt gì đưa ra chủ yếu là do thiếu người và do tâm lý với thầy cô giáo thì dùng biện pháp động viên, tuyên truyền là chính.

Tuy nhiên, dù mục đích răn đe, chấn chỉnh là chính, nhưng với những vi phạm cố ý, nặng nề mà không xử phạt là thanh tra chưa làm tròn trách nhiệm. Sau này, nếu những sở thấy sai rõ ràng mà không xử phạt thì cũng phải kiểm điểm trách nhiệm".

- Ai được quyền xử phạt?

Ngoài lực lượng thanh tra giáo dục thì chủ tịch UBND các cấp đều có quyền xử phạt. Trong một số quy định cụ thể ở từng lĩnh vực chuyên ngành còn có thể được xử lý bởi các lực lượng khác như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành văn hóa, chuyên ngành thông tin, tài chính...

- Ai sẽ bị xử phạt?

Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên lãnh thổ VN (trừ cán bộ, công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ sẽ áp dụng theo pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức).

Bên cạnh các tổ chức là cơ sở giáo dục thì các tổ chức khác liên quan đến giáo dục như tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức tư vấn giáo dục, trung tâm kỹ năng sống, doanh nghiệp sản xuất thiết bị, in và phát hành sách... cũng là đối tượng bị xử phạt nếu có hành vi vi phạm.

V.HÀ - N.HÀ ghi

Phạt giáo viên vi phạm: Xác định có lỗi, mới phạt Phạt giáo viên vi phạm: Xác định có lỗi, mới phạt

TTO - Rất nhiều băn khoăn được đặt ra đối với dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục khi ranh giới giữa “vi phạm” và “không vi phạm” mong manh.

HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên