28/02/2017 18:30 GMT+7

​Phát hiện sớm và dự phòng bệnh thận mạn

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do giảm chức năng thận, bệnh nhân ở giai đoạn 4 sẽ có tỷ lệ tử vong là 46%.

Bệnh thận mạn

Bệnh thận mạn là tổn thương thận về cấu trúc kèm hoặc không kèm theo giảm chức năng kéo dài trên 3 tháng. Tổn thương cấu trúc thận biểu hiện bằng tiểu ra chất đạm, tiểu máu kéo dài, các bất thường về hình ảnh của thận trên siêu âm. Giảm chức năng thận khi độ lọc cầu thận <60ml/ph/1,73 mda.

Đặc điểm đáng lưu ý của bệnh thận mạn là bệnh xảy ra từ từ, không đột ngột, diễn tiến âm thầm qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Diễn tiến từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 5 (còn gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối). Bệnh thận mạn giai đoạn sớm không có triệu chứng gì đặc biệt, chỉ khi mất đến 90% chức năng thận mới có triệu chứng bệnh.

Để chẩn đoán sớm bệnh thận mạn, cần xét nghiệm nước tiểu (đạm và hồng cầu) và xét nghiệm máu (ure, creatinin máu, đo độ lọc cầu thận).

Khi đã mắc bệnh thận mạn rồi thì bệnh sẽ diễn tiến ra sao?

● Nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt bệnh sẽ diễn tiến chậm, tránh được suy thận mạn giai đoạn cuối.

● Nếu chẩn đoán muộn, không điều trị thích hợp bệnh diễn tiến nặng dần theo thời gian, không bao giờ hồi phục. Tiến triển của bệnh nhanh hay chậm phụ thuộc bệnh lý căn nguyên, chẩn đoán sớm hay muộn và hiệu quả điều trị.

Khuyến cáo phòng ngừa suy thận mạn ở người chưa có bệnh thận và đã có bệnh thận mạn

● Khuyến cáo phòng bệnh thận mạn ở người chưa có bệnh thận: 8 nguyên tắc vàng

- Tập thể dục đều đặn hằng ngày: đi bộ tối thiểu 30 phút/ngày.

- Tránh thừa cân hoặc béo phì bằng chế độ ăn uống, vận động thể lực.

- Chế độ ăn uống:

• Giảm lượng muối, nên 5-6 g/ngày. Ăn thức ăn tươi, không ăn nhiều thức ăn đã chế biến, không nêm, chấm.

• Lượng đạm ăn vào vừa phải, nên kết hợp cân đối đạm động vật và thực vật.

• Duy trì một lượng nước uống vừa phải: 1,5-2 lít nước mỗi ngày.

- Không hút thuốc lá: thuốc lá có hại cho tim mạch và thận, gây tiểu đạm và có thể gây ung thư thận.

- Không tự ý dùng kéo dài các thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ: đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và các thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

- Phòng bệnh tiểu đường

- Phòng bệnh tăng huyết áp.

- Có ý thức kiểm tra chức năng thận định kỳ. Người dân cần biết xét nghiệm nước tiểu tìm chất đạm và độ lọc cầu thận của mình.

● Khuyến cáo dự phòng ở người đã có bệnh thận mạn

- Điều trị thật tốt các bệnh lý căn nguyên có thể gây suy thận như tiểu đường, bệnh tăng huyết áp, bệnh lý cầu thận, bệnh lý sỏi thận và nhiễm trùng tiểu…

- Giảm tiểu đạm bằng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể men chuyển (Aprovel).

- Chế độ ăn uống:

• Giảm đạm động vật kết hợp thuốc keto acid (Ketosteril).  Lượng đạm chỉ nên 0,6-0,8g cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.

• Giảm muối.

- Điều trị các bệnh khác như rối loạn lipid, rối loạn nước, điện giải, bệnh lý suy tim và thiếu máu.

- Hạn chế sử dụng các thuốc độc với thận. Cần điều chỉnh liều thuốc theo chức năng thận khi sử dụng.

- Xét nghiệm nước tiểu và đo chức năng thận định kỳ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bệnh thận mạn