28/06/2013 07:03 GMT+7

Phim tài liệu không chỉ phơi bày sự thật

BÙI DŨNG
BÙI DŨNG

TT - Liên hoan phim (LHP) tài liệu châu Âu - VN lần thứ 5 sắp khép lại tại TP.HCM vào ngày 29-6. Qua hơn 20 bộ phim được trình chiếu, nhiều sự thật được phơi bày.

fjBc4mys.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Con tàu của kẻ săn bàn thắng - Ảnh: Viện Goethe

Một trong những phim tài liệu VN tại LHP gây ấn tượng là Chữ trên sóng của đạo diễn Vương Khánh Luông. Bộ phim khiến nhiều khán giả vừa trầm ngâm vừa thích thú khi chứng kiến cuộc sống mưu sinh khó nhọc và hành trình kéo bè đến lớp học chữ của trẻ em làng chài Vạn Giá trên vịnh Hạ Long.

Cảnh học sinh phải bơi đến lớp, lấy tấm xốp làm thuyền, các cô giáo phải đối mặt với tình trạng bỏ học của các em... như vẫn có thể gặp ở đâu đó ngay lúc này. Chỉ có điều ít người để ý bộ phim được làm cách đây 12 năm. Ðó không phải tác phẩm tài liệu duy nhất tại LHP với hiện thực được phản ánh từ lâu, đến nay vẫn... như mới.

Những dấu hỏi nhói lòng

Hầu hết trong số chín bộ phim mà Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương mang tới LHP thể hiện rõ nét nhiều mảng hiện thực đời sống. Chuyện dài ở bệnh viện (đạo diễn Trịnh Quang Tùng) kể câu chuyện về nghề chăm sóc bệnh nhân và sự quá tải ở nơi điều trị.

Không chỉ nói đến những mảnh đời, số phận vất vả, bộ phim đã phần nào đặt ra trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy vậy, vẫn không có nhiều ánh sáng hi vọng trong bức tranh ảm đạm ở bệnh viện. Hiện thực một lần nữa phải để ngỏ trong một bộ phim khác: Chuyện ở một vùng non cao (đạo diễn Lê Tuấn Anh). Ðằng sau những khuôn hình mang tính du lịch là câu chuyện về cuộc sống của người Mông đang phải đối mặt với nạn khai thác mỏ và phá rừng với câu hỏi: tại sao người Mông vẫn nghèo, làm thế nào để người dân nơi đây tránh được những rủi ro rình rập?

Cũng như vậy, bộ phim Cha mẹ xin lỗi con được đạo diễn Phan Huyền Thư hoàn thành năm 2011. Khi đó, báo chí đã đưa nhiều thông tin về nghĩa trang hài nhi ở Nha Trang và một số nơi khác. "Mấy năm trước, khi làm phim, nghĩa trang nơi anh Tống Phước Phúc và nhóm thiện nguyện lập ra còn có 7.000 thai nhi bị bỏ rơi. Ðến cách đây một tuần, khi tôi trở lại thì con số đã lên tới 13.000. Ðó là vấn đề về sức khỏe sinh sản đầy nhức nhối..." - đạo diễn cho hay. Dấu hỏi nhói lòng mà bộ phim đặt ra chưa có câu trả lời.

Có thể thấy, phản ánh hiện thực là điều quan trọng, nhưng cuộc sống và xu hướng làm phim ngày nay cần nhiều hơn thế. Nhà làm phim tài liệu do đó khác phóng viên chiến trường hay phóng viên thời sự ở chỗ: với đặc thù và lợi thế của mình, họ có thể lý giải, vạch ra các góc nhìn khác nhau và sâu hơn; bằng thông tin khoa học, họ khơi gợi những câu trả lời.Hiện thực không bị đóng khungNhững yêu cầu này đã được thể hiện khá rõ qua một số bộ phim của các nhà làm phim tài liệu châu Âu và một số nước Ðông Nam Á.

Ðầu tiên là bộ phim Ðức Con tàu của kẻ săn bàn thắng. Nữ đạo diễn Heidi Specogna đã có một bộ phim kỳ công và quyết liệt khi làm sáng tỏ vấn đề nhức nhối ở miền Tây Phi là tình trạng sử dụng và buôn bán trẻ em.

Ðược hoàn thành năm 2010, nhưng tác phẩm này có bối cảnh không gian và thời gian rất rộng. Rất nhiều nhân chứng lên tiếng xung quanh vụ con tàu của ngôi sao bóng đá một thời Jonathan Akpoborie người Nigeria bất ngờ bị phát hiện chở theo 200 trẻ em rời khỏi quê hương. Bật lên từ đó, cuối cùng còn là vấn đề nhức nhối của toàn cầu, đó là sự đói nghèo, chuyện di cư, nhập cư và mưu sinh nơi đất khách.

Những suy tư con người và các quan điểm, góc nhìn va đập để nhiều vấn đề dần được sáng tỏ. Hiện thực không bị đóng khung và sự thật không được mô tả một màu. Xem phim, khán giả có thể thấy ánh sáng lóe lên từ vấn đề thời cuộc mà các chính phủ đều biết nhưng chưa làm được gì nhiều.

Ðặt trong sự đối sánh giữa các bộ phim tài liệu châu Âu và VN tại LHP có thể thấy phim VN thường dừng lại ở mức mô tả sự kiện, đánh vào tình cảm của khán giả, trong khi đó phim tài liệu của phương Tây không chỉ phơi bày sự thật mà còn đi đến cùng, truy lùng căn nguyên và đặt ra nhiều vấn đề để khơi gợi những góc nhìn khác nhau.

Chẳng hạn như chùm phim mà phái đoàn Wallonie-Bruxelles mang đến gồm Trà hay điện?, Nỗi niềm thuộc địa, Một mùa hè của Anton thể hiện rõ điều đó. Hay bộ phim đáng chú ý dịp này là Phóng viên chiến trường của đạo diễn Pháp Patrick Chauvel.

Bởi sự đan chiếu đa chiều về hiện thực mà với nhiều khán giả VN, những thước phim từ châu Âu có vẻ "khó xem" hơn nhiều so với phim tài liệu của VN. Nhưng có một điểm đáng nói khác, với ngày phim Ðông Nam Á của mùa LHP năm nay, các tác phẩm tài liệu như Sân khấu (Philippines), Quyền của người chết (Malaysia), Trò chơi xã hội (Myanmar)... đã được đánh giá cao, để lại ấn tượng về sự quyết liệt, dấn thân của người làm phim khi không chỉ mô tả mà bước đầu đã đi đến lý giải, soi chiếu sự thật.

BÙI DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên