12/10/2023 09:11 GMT+7

Phụ cấp mới dự kiến của lãnh đạo xã, thị trấn ở TP.HCM ra sao?

Dự thảo nghị định mới của Chính phủ quy định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo xã, thị trấn ở TP.HCM sẽ cao hơn so với mức quy định hiện hành.

Cán bộ, công chức ở TP.HCM phục vụ người dân - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cán bộ, công chức ở TP.HCM phục vụ người dân - Ảnh: Q.ĐỊNH

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc bầu cử, sử dụng, quản lý cán bộ; tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn của TP.HCM.

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo xã, thị trấn sẽ cao hơn quy định

Dự thảo tờ trình do Bộ Nội vụ xây dựng nêu rõ tiêu chuẩn cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn của TP.HCM do HĐND TP.HCM quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng không thấp hơn tiêu chuẩn quy định tại nghị định 33 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã...

Về bầu, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường, theo dự thảo thực hiện theo quy định về bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức.

Dự thảo nghị định quy định theo hướng dẫn các quy định của pháp luật, điều lệ và quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương áp dụng với việc bầu cử, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ với cán bộ cấp xã.

Do "cán bộ cấp xã của TP.HCM" được xác định thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện nên một số chế độ quản lý đặc thù của đối tượng này chưa được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành.

Trên cơ sở rà soát pháp luật, từ thực tiễn, dự thảo quy định cụ thể một số nội dung có tính chất đặc thù trong quản lý cán bộ cấp xã của TP.HCM.

Cụ thể, về thẩm quyền quản lý cán bộ, do cán bộ cấp xã thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện nên thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP.HCM hoặc UBND cấp huyện theo phân cấp.

Trường hợp luật, điều lệ, quy định của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương có quy định khác thì thực hiện theo quy định đó.

Về xếp lương, dự thảo nghị định bổ sung trường hợp xếp lương đối với chủ tịch Hội Cựu chiến binh, chủ tịch Hội Nông dân cấp xã trong trường hợp các đối tượng này không bảo đảm tiêu chuẩn trình độ chuyên môn theo quy định.

Quy định phụ cấp chức vụ lãnh đạo cao hơn (0,05) so với mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cán bộ cấp xã theo quy định tại nghị định 33.

Cụ thể, theo dự thảo, bí thư Đảng ủy cấp xã là 0,35; phó bí thư Đảng ủy cấp xã, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã, thị trấn là 0,30; chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn là 0,25.

Bí thư Đoàn, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, chủ tịch Hội Nông dân, chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã là 0,20.

Đồng thời, xuất phát từ đặc thù của TP.HCM là đội ngũ cán bộ cấp xã cơ bản được đào tạo và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của công chức hành chính, am hiểu địa bàn.

Mặt khác cán bộ cấp xã đã thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện nên dự thảo nghị định quy định theo hướng liên thông cán bộ cấp xã với hệ thống công chức hành chính.

Theo đó, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ công tác hoặc khi thôi đảm nhiệm chức vụ (không trong thời hạn bị xử lý kỷ luật), cán bộ cấp xã được bố trí, phân công công tác, điều động, biệt phái làm công chức xã, phường, thị trấn...

Thời gian chuyển tiếp 5 năm với các trường hợp chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện

Về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, dự thảo quy định UBND TP.HCM thực hiện hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện việc quản lý, chế độ, tiền lương, chính sách đãi ngộ, đánh giá, khen thưởng và xử lý kỷ luật với công chức làm việc tại xã, thị trấn.

Về phụ cấp chức vụ lãnh đạo với chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường (trừ phường thuộc TP Thủ Đức), theo dự thảo nghị định với chủ tịch UBND phường là 0,3, còn cấp phó là 0,25.

Dự thảo nghị định quy định điều khoản chuyển tiếp, theo đó cán bộ, công chức xã, thị trấn và cán bộ phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1-8-2023 đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế cấp huyện làm việc tại xã, phường, thị trấn đang công tác.

Đồng thời giao trách nhiệm cho các cơ quan rà soát, ban hành quyết định và thực hiện chế độ, chính sách với các đối tượng này.

Quy định thời gian chuyển tiếp 5 năm với các trường hợp chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện để chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế cấp huyện.

Đề nghị làm rõ lý do bộ trưởng, thủ trưởng "tiếp công dân ít, ủy quyền nhiều"Đề nghị làm rõ lý do bộ trưởng, thủ trưởng 'tiếp công dân ít, ủy quyền nhiều'

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ việc thực hiện quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên