07/10/2014 11:10 GMT+7

​Phụ nữ nông thôn và bệnh phụ khoa

THÁI LŨY
THÁI LŨY

TT - Một trong những bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, nước ô nhiễm là bệnh phụ khoa nên tỉ lệ phụ nữ ở nông thôn mắc bệnh này rất cao.

 
Cán bộ trạm y tế xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cấp thuốc điều trị bệnh phụ khoa cho phụ nữ trong chiến dịch truyền thông dân số - Ảnh: Thái Lũy

Trong khi đó, nhiều phụ nữ ở nông thôn vì nghèo khó, ít hiểu biết, thậm chí vì... mắc cỡ đã không đi khám phụ khoa định kỳ để khi bệnh nặng mới đến bệnh viện thì đã quá muộn...

Chị em phụ nữ bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục dưới mà không điều trị sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển lên tử cung, gây viêm tử cung, vòi trứng, phúc mạc. Nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể trở thành mãn tính, để lại các di chứng như viêm nhiễm vòi trứng, vô sinh, thai ngoài tử cung, sẩy thai, đẻ non
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự (giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ)

Ngại đi khám 

Chị Tr.Th.Ng.Đ. (40 tuổi, ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ) cho biết trong đợt bác sĩ về địa phương khám phụ khoa gần đây, nghe cán bộ ở trạm y tế vận động dữ lắm chị mới chịu đi khám, vì “mắc cỡ muốn chết” và bận rộn việc đồng áng. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy chị Đ. bị ung thư cổ tử cung nhưng còn may mắn là bệnh mới ở giai đoạn sớm.

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi gặp chị Tr.Th.D. (42 tuổi, ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ vì bị ra huyết kéo dài dẫn đến thiếu máu nặng.

Chị D. nói trước giờ chưa từng khám phụ khoa vì... mắc cỡ và nghèo, bận bịu công việc ruộng vườn quanh năm.

“Cũng có nhiều lúc tôi cảm thấy cửa mình đau rát nhưng cứ nghĩ không sao. Sau đó, tôi thường xuyên bị đau bụng và ra huyết nhưng ngại đi khám vì sợ tốn tiền. Bây giờ tôi thấy sức mình yếu hẳn nên mới đi bệnh viện thì bác sĩ nói bị viêm phụ khoa và có khối u buồng trứng nên phải mổ” - chị D. kể.

Trong khu vực điều trị của khoa hiếm muộn, vô sinh Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, chúng tôi gặp chị L.Th.H. (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Chị H. tâm sự đã lập gia đình mấy năm nay mà chưa có con. Tuy nhiên, vợ chồng chị không nghĩ có chuyện gì bất thường vì sức khỏe hai vợ chồng rất tốt, hằng ngày đi coi ruộng, làm lúa suốt...

Đến khi đi bệnh viện khám, bác sĩ cho biết chị bị viêm vòi trứng nên khó có con, cần phải điều trị lâu.

“Khi nghe bác sĩ phân tích nguyên nhân gây bệnh có thể do viêm nhiễm phụ khoa lâu ngày, mình mới để ý là trước đây thường xuyên bị đau rát âm đạo, đau bụng và ra huyết trắng nhiều... Mình thấy không ảnh hưởng gì đến cuộc sống nên chưa bao giờ đi khám phụ khoa, giờ mới giật mình” - chị H. nói.

Trong khi khám, điều trị cho các chị nói trên, các bác sĩ đều khuyến cáo chị em nên khám phụ khoa định kỳ hai lần mỗi năm để được tầm soát và điều trị kịp thời nếu có bệnh.

Tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa cao

Bác sĩ CKII Nguyễn Hoàng Lệ Hương - giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hậu Giang - cho biết trong các chiến dịch truyền thông về sức khỏe sinh sản gần đây, tỉ lệ chị em bị bệnh phụ khoa cao khi trung tâm tập trung khám vào nhóm có nguy cơ cao.

Mới đây, qua đợt khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư vú cho chị em tại 11 xã của tỉnh Hậu Giang, kết quả hơn 1.200 phụ nữ đã phát hiện trên 580 người mắc bệnh phụ khoa (tỉ lệ mắc bệnh lên đến hơn 47%).

Theo BS Hương, đợt này chị em được cấp thuốc điều trị ban đầu miễn phí. Một số trường hợp nghi ngờ ung thư cổ tử cung, các bác sĩ đã tư vấn chị em đến cơ sở khám bệnh tuyến trên.

Tại Cần Thơ, dự án “Tăng cường nhận thức phụ nữ về tầm soát ung thư cổ tử cung kết hợp hỗ trợ sàng lọc, phòng ngừa và điều trị ca bệnh” được triển khai giai đoạn II ở ba huyện Phong Điền, Thới Lai và Cờ Đỏ, giúp phụ nữ nông thôn có điều kiện phát hiện bệnh sớm. 

Bác sĩ CK II Nguyễn Thị Bé Năm - giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Cần Thơ - cho biết TP Cần Thơ nằm trong vùng có số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc bệnh phụ khoa nhiều.

Trong sáu tháng đầu năm nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp nhận trên 140.000 lượt phụ nữ khám phụ khoa, trong đó điều trị bệnh phụ khoa cho hơn 57.000 lượt chị em. Ngoài ra, dự án nói trên đã khám sàng lọc cho 2.050 phụ nữ (độ tuổi 21-70) tại ba huyện nói trên. Qua đó, phát hiện gần 63% phụ nữ bị nhiễm phụ khoa và tất cả được cấp thuốc điều trị.

Nguyên nhân khiến tỉ lệ phụ nữ nông thôn mắc bệnh phụ khoa cao hơn thành thị được nêu trong đề tài nghiên cứu (năm 2011-2012) của bác sĩ Trần Thị Lài, chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Hậu Giang, là do điều kiện sống thiếu nước sạch, điều kiện lao động thường xuyên ngâm mình trong nước sông, rạch bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém do không có nhà vệ sinh, nhà tắm hợp vệ sinh.

Tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa của Hậu Giang trong nghiên cứu này qua thăm khám lâm sàng lên đến trên 63%, tỉ lệ mắc bệnh qua kết quả xét nghiệm là 57,7%...

50% người dân nông thôn ĐBSCL sử dụng cầu tiêu ao cá

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới được đưa ra tại hội thảo “Tham vấn nghiên cứu và thúc đẩy vệ sinh nông thôn khu vực ĐBSCL” (do Ngân hàng Thế giới và Bộ Y tế phối hợp) tổ chức mới đây tại Cần Thơ, có đến 50% người dân nông thôn ĐBSCL sử dụng cầu tiêu ao cá, 48% hộ gia đình nghèo dùng chung nhà vệ sinh.

Ngoài ra, dân cư khu vực này vẫn có thói quen sử dụng nguồn nước mặt (từ sông ngòi, kênh rạch)... cho sinh hoạt hằng ngày. Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - cục trưởng Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế - cảnh báo đó chính là nguyên nhân gây ra nhiều loại dịch bệnh.

 

THÁI LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên