03/09/2018 09:54 GMT+7

Quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM: Sao không ai mặn mà?

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ - BẢO NGỌC - BÁ SƠN - A LỘC
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ - BẢO NGỌC - BÁ SƠN - A LỘC

TTO - Quảng cáo trên xe buýt mang lại nguồn thu cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng, mãi đến năm 2016 TP.HCM mới được chấp thuận chủ trương thí điểm quảng cáo trên 171 xe buýt.

Quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM: Sao không ai mặn mà? - Ảnh 1.

Số xe buýt có quảng cáo ít ỏi tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc quảng cáo đại trà trên xe buýt được triển khai cuối năm 2017. Nhưng việc đấu thầu quảng cáo xe buýt liên tục thất bại, mới nhất là lần đấu thầu giữa tháng 8-2018 với 9 gói thầu với tổng giá trị 177 tỉ đồng/năm không có đơn vị quảng cáo nào tham gia đấu thầu.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM).

Quảng cáo trên xe buýt không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp giảm ngân sách trợ giá mà còn là nguồn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nên việc đấu giá thất bại, chúng tôi sốt ruột lắm...

Ông TRẦN CHÍ TRUNG

* Thưa ông, phải chăng quảng cáo trên xe buýt không hấp dẫn doanh nghiệp quảng cáo?

- Theo tôi, nhận định nhu cầu quảng cáo trên xe buýt vẫn còn. Bởi từ năm 2016, đã có thí điểm trên 171 xe buýt thu về gần 15 tỉ đồng. Tiếp đó, đợt đấu thầu năm 2017 có một công ty quảng cáo Nhật trúng gói thầu quảng cáo trên 492 xe buýt với chi phí 162 tỉ đồng trong ba năm.

Trước khi xây dựng đề án đấu giá quảng cáo, đơn vị cũng gặp các doanh nghiệp quảng cáo nhằm nắm bắt nhu cầu, vướng mắc để có những điều chỉnh thích hợp. Có đơn vị đề xuất mua gói thầu quảng cáo lên đến hàng ngàn xe, nhưng cũng có đơn vị đề xuất chia gói thầu vài chục đến vài trăm xe...

Từ các ý kiến này, khi tổ chức đấu giá đã chia thành 9 gói thầu từ nhỏ đến lớn, có gói cho phép quảng cáo từ 30 - 50 xe, có gói 200 xe hoặc 500 xe (tổng số 1.570 xe buýt, dự kiến thu được 177 tỉ đồng/năm) tùy nhu cầu của các doanh nghiệp. 

Việc đấu giá cũng được tiến hành công khai, minh bạch, nhưng khi triển khai đấu giá thì không có đơn vị nào tham gia...

* Vậy theo ông, nguyên nhân vì sao, trong khi các tỉnh thành lân cận, việc quảng cáo trên xe buýt đã thực hiện từ lâu và rất thành công?

- Sở dĩ việc quảng cáo trên thân xe buýt ở các tỉnh thành công là thực hiện các tuyến buýt không trợ giá. Xã viên, chủ xe sẽ được hưởng trực tiếp chi phí quảng cáo. 

Tại TP.HCM cũng có xe buýt không trợ giá, chính sách quảng cáo giống như các tỉnh thành trên. Nhưng đa số xe buýt tại TP.HCM được trợ giá nên tiền thu được từ quảng cáo đều nộp về ngân sách. 

Nhiều xã viên, chủ xe chạy tuyến có trợ giá đã đề xuất cần trích lại khoản chi phí cho họ trong vấn đề gìn giữ bảo quản loại hình quảng cáo, giữ gìn vệ sinh trên xe... Kiến nghị này đã được chuyển đến các cơ quan chức năng thành phố xem xét.

Sau lần đấu giá quảng cáo trên xe buýt thất bại, chúng tôi cũng tìm hiểu phân tích thấy rằng xu thế, thị trường quảng cáo hiện nay có sự thay đổi. Quảng cáo bây giờ chuộng hình thức online, truyền hình, trên các website, mạng xã hội... nên phần nào đó quảng cáo theo hình thức truyền thống như trên xe buýt, nhà chờ cũng mất lợi thế. 

Trước đây, nhiều đơn vị tranh nhau việc quảng cáo tại các nhà chờ xe buýt nhưng hiện nay tỉ lệ nhà chờ được quảng cáo giảm chỉ còn 50%.

Mặt khác, các doanh nghiệp quảng cáo cũng không dám mạo hiểm tham gia đấu thầu khi chưa tìm được các đối tác để quảng cáo.

* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng giá bỏ thầu quá cao khiến nhiều doanh nghiệp quảng cáo chùn tay?

- Giá thầu trước khi đưa ra đấu giá được thuê tư vấn đề xuất. Sau khi thông qua một số sở, ngành thì được Sở Tài chính thẩm định trước khi trình UBND TP phê duyệt.

Qua lần đấu giá thất bại vừa qua, dự kiến trong tháng 9 sẽ tổ chức đấu thầu lại lần nữa. Nếu vẫn thất bại, chúng tôi kiến nghị hai phương án. Một là bán giá trị từng gói thầu cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Hai là giảm giá các gói thầu. 

Tôi cũng đồng tình cần để giá quảng cáo do thị trường quyết định.

* Việc thu hút quảng cáo trên xe buýt có tác dụng như thế nào đến hoạt động của hệ thống giao thông công cộng thành phố, thưa ông?

- Nguồn thu từ quảng cáo xe buýt năm 2017 là 54 tỉ đồng và dự kiến đợt này là 177 tỉ đồng/năm, là nguồn thu không nhỏ cho ngân sách thành phố.

Nguồn thu này ngoài bù đắp chi phí trợ giá còn phục vụ việc tái đầu tư phương tiện, xây dựng, nâng cấp nhà chờ, bến bãi cho xe buýt... Ngay cả một số công trình, dự án Trung tâm quản lý giao thông công cộng dự kiến triển khai như vé điện tử cũng đang trông chờ vào nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt.

Có thể nói quảng cáo trên xe buýt chậm ngày nào là thất thu ngân sách ngày đó, ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Chúng tôi đang cố gắng đưa ra những giải pháp thúc đẩy tiến trình này.

Vì sao quảng cáo trên taxi dễ hơn xe buýt?

Theo một công ty quảng cáo, hiện nay việc quảng cáo trên taxi, ôtô công nghệ như Grab thực hiện khá dễ dàng vì các đơn vị này là tư nhân - chủ thể trực tiếp hưởng chi phí quảng cáo. Trong khi đối với xe buýt có trợ giá, muốn được quảng cáo trên xe phải thông qua hình thức đấu thầu, toàn bộ chi phí thu được nộp về ngân sách.

Mức giá quảng cáo trên taxi hiện nay là 21-24 triệu đồng/năm/xe, trong khi mức giá đấu thầu quảng cáo trên xe buýt ở mức 90 đến hơn 100 triệu/năm/xe.

Hà Nội: đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp

Một lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết quảng cáo trên xe buýt ở Hà Nội đã làm từ hơn 10 năm nay.

Theo vị này, khi bắt đầu khai thác quảng cáo trên xe buýt, Hà Nội cũng thực hiện đấu thầu nhưng sau một thời gian khai thác, hiện Hà Nội chỉ tiến hành đàm phán trực tiếp khai thác quảng cáo trên từng tuyến để đấu nối khi có đơn vị rút không tiếp tục quảng cáo.

Thời gian khai thác quảng cáo trên từng tuyến xe buýt khác nhau, nhiều doanh nghiệp chỉ khai thác quảng cáo một phần trên tuyến xe buýt. Có thời điểm, các tuyến xe buýt tại Hà Nội trống quảng cáo từ 20-30% và Transerco phải khuyến mãi, giảm giá cho đối tác để lấp đầy quảng cáo trên các tuyến.

Ngoài 12 xí nghiệp, công ty xe buýt do Transerco quản lý, tại Hà Nội còn có 6 doanh nghiệp khác đang quản lý, vận hành khoảng 90 tuyến xe buýt. Hầu hết các tuyến xe buýt tại Hà Nội đến nay đã được đấu thầu khai thác quảng cáo.

Hiện doanh thu quảng cáo trên các tuyến xe buýt tại Hà Nội đáp ứng được một phần chi phí vận hành, bảo dưỡng các tuyến xe buýt.

* Ông NGUYỄN QUÝ CÁP (chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM):

"Xương xẩu mà bán giá cao!"

Thất bại trong việc đấu thầu quảng cáo trên xe buýt lần này không phải là đầu tiên, nguyên nhân dẫn đến chuyện này là quá trình đấu thầu có nhiều sai sót.

Sai sót thứ nhất là chọn bán hết phần "thịt ngon", để lại "xương xẩu". Có thể nói quảng cáo trên xe buýt là dạng quảng cáo ngoài trời. Tiêu chí quan trọng của loại hình này là những xe có kích thước lớn để việc bố trí hình ảnh ấn tượng. Các xe buýt chạy những tuyến đường, bến bãi ở khu vực trung tâm TP hiệu quả quảng cáo cao hơn so với khu vực vùng ven, rìa ngoại thành.

Trong lần đấu thầu năm 2017, Công ty Koa Sha Media VN (Nhật Bản) đã trúng thầu quảng cáo trên 492 xe buýt được xem mua hết phần "thịt ngon". Còn đợt đấu giá mới đây hơn 1.500 xe còn lại, dân trong ngành xem là "hàng dạt", "xương xẩu" nhưng giá lại ngang bằng với "thịt ngon" nên không ai mua.

Mặc dù giá thầu được các sở, ban, ngành TP thẩm định nhưng việc áp giá đã sai từ đầu. Nếu như ở Hà Nội chi phí trung bình quảng cáo trên một xe buýt là 20 triệu đồng/năm thì ngay từ đầu TP.HCM đã áp dụng mức giá lên đến 90-100 triệu đồng/năm là quá cao.

Nếu không có những điều chỉnh hợp lý, việc tổ chức đấu thầu hay phương án bán từng gói quảng cáo cũng sẽ thất bại.

* Đại diện một công ty quảng cáo:

Cần tính toán giảm giá các gói thầu

Theo tôi, quảng cáo trên xe buýt chỉ còn lại phần "xương xẩu" để các doanh nghiệp quảng cáo tham gia đấu thầu thì chỉ còn cách tổ chức lại các gói thầu trong tổng số 2.082 xe buýt thực hiện quảng cáo.

Việc tổ chức lại theo hướng "có nạc, có xương" đều nhau, tránh tình trạng gói toàn "nạc", gói toàn "xương".

Nếu không thực hiện được phương án này thì phải giảm giá sâu các gói "xương xẩu", với mức giá như vừa qua bản thân doanh nghiệp quảng cáo như chúng tôi không dám đụng vào.

Các cơ quan tính toán, thẩm định giá cần tính toán lại cho đúng giá thị trường. Ví dụ giữa bảng quảng cáo tường nhà, các hộp đèn... to vật vã, hình ảnh bắt mắt, vị trí đắc địa, hiện diện 24/24 giờ mà giá quảng cáo lại rẻ hơn so với quảng cáo trên xe buýt thì thử hỏi khách hàng sẽ chọn quảng cáo nào?

Hơn nữa các gói thầu cũng nên chia giá trị đều nhau để các doanh nghiệp nhỏ, vừa cũng có thể tham gia, doanh nghiệp lớn có thể chọn 2 - 3 gói thầu.

quangcaotrenxebuyt_dongnai

Một tuyến xe buýt ở Đồng Nai có quảng cáo trên thân xe - Ảnh: A LỘC

Bình Dương, Đồng Nai: đã làm nhiều năm nay

Tại Bình Dương và Đồng Nai, từ nhiều năm nay đã cho phép quảng cáo trên xe buýt để tăng nguồn thu, giảm bớt chi phí, hạn chế việc Nhà nước phải trợ giá cho xe buýt.

Tại Bình Dương, đã từ nhiều năm nay Nhà nước không còn trợ giá xe buýt (chỉ hỗ trợ vé một số tuyến xe buýt mở mới trong một thời gian ngắn).

Giao cho doanh nghiệp tự làm

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, mặc dù có số lượng phương tiện không nhiều (chỉ trên 100 xe) nhưng các tuyến xe buýt tại Bình Dương hầu hết đều được khai thác quảng cáo. Giá quảng cáo trung bình thường khoảng 12-15 triệu đồng/xe/năm.

Một chủ doanh nghiệp xe buýt chiếm thị phần lớn tại Bình Dương cho biết mặc dù có doanh thu không lớn nhưng việc quảng cáo trên xe buýt đã giúp doanh nghiệp có thêm một phần thu nhập để duy tu, bảo dưỡng xe, giảm bớt chi phí.

Một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết bên cạnh việc để doanh nghiệp tự chủ quảng cáo trên thân xe, đối với các trạm dừng, nhà chờ thì sắp tới Bình Dương cũng chủ trương kêu gọi vốn đầu tư xã hội hóa của doanh nghiệp.

Đổi lại, doanh nghiệp cũng có thể quảng cáo tại các trạm dừng, nhà chờ này để bù đắp chi phí. Cơ chế như vậy sẽ giúp vừa huy động vốn của doanh nghiệp, vừa giúp người dân, hành khách được che mưa, che nắng khi chờ đi xe buýt.

Đồng Nai: cho quảng cáo từ 2007

Ông Nguyễn Xuân Thiện - giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải Thống Nhất (Đồng Nai) - cho biết đã triển khai cho thuê quảng cáo trên các tuyến xe buýt của đơn vị từ năm 2007.

Ban đầu chỉ một tuyến, đến nay đã triển khai trên 4 tuyến với khoảng 100 xe. Trong đó, ngoài xe của hợp tác xã còn một số xe của các đơn vị khác. Tùy tuyến nội tỉnh hay ngoại tỉnh, tuyến ngắn hay dài mà giá cho thuê quảng cáo khác nhau.

Giá cho thuê quảng cáo các tuyến nội tỉnh trung bình khoảng 17-18 triệu đồng/năm/xe. Tuyến đắt nhất có giá 50-60 triệu đồng/năm.

Theo ông Thiện, các năm 2006-2007 lượng khách đông nên xe đơn vị vận tải công cộng phát triển khá tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xe cá nhân cũng như sự cạnh tranh của các đơn vị vận tải nên thu nhập rất khó khăn.

Do đó, hợp tác xã triển khai cho thuê "mặt bằng" trên xe buýt để dán quảng cáo nhằm có thêm thu nhập. Các xe buýt cho thuê quảng cáo đa số là xe tư nhân, xe đã qua nhiều năm sử dụng và không được trợ giá. Còn các xe do Nhà nước đầu tư thì ít cho thuê hơn.

Về việc triển khai thực hiện, ông Thiện cho rằng tương đối đơn giản, việc xin dán quảng cáo trên xe buýt sau khi có Luật quảng cáo vào năm 2012 càng trở nên dễ hơn.

Cụ thể, chỉ cần dán không quá 50% hai bên thành xe và quảng cáo không bị cấm là được. Hiện các doanh nghiệp xe buýt vẫn đang nỗ lực lấp đầy quảng cáo.

Vì sao người cao tuổi từ chối ưu tiên xe buýt? Vì sao người cao tuổi từ chối ưu tiên xe buýt?

TTO - Nhiều hành khách trên 70 tuổi đã từ chối quyền lợi được miễn vé trên xe buýt (có trợ giá). Họ thà trả tiền mua vé bình thường còn hơn phải “đòi” quyền lợi hoặc bị tiếp đón bằng “thái độ khác lạ”.

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ - BẢO NGỌC - BÁ SƠN - A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên