12/09/2023 20:54 GMT+7

Quay lại giảng đường sau khi cố tình thi trượt để phụ giúp gia đình

Nam sinh lớp 9 cố tình trượt kỳ thi chuyển cấp để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. 3 năm sau, Hưng quay lại trường lớp với vô vàn khó khăn, chạy xe ôm công nghệ để níu giữ ước mơ thoát nghèo.

Nguyễn Ngọc Hưng ngày ngày chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt - Ảnh: AN BÌNH

Nguyễn Ngọc Hưng ngày ngày chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt - Ảnh: AN BÌNH

Nguyễn Ngọc Hưng (22 tuổi, ở Đồng Nai) hiện là sinh viên ngành phát triển phần mềm, Trường cao đẳng FPT Polytechnic (TP.HCM). Dù nắng hay mưa, ngày nào Hưng cũng rong ruổi ngoài đường chạy xe ôm công nghệ kiếm tiền trang trải chi phí học hành.

Chọn gánh nặng gia đình ở tuổi 15

Lần đầu gặp, tôi không khỏi bất ngờ bởi khuôn mặt già dặn và ánh mắt kiên định của Hưng. Gia đình Hưng sống trong căn nhà cấp 4, nhìn bên ngoài có vẻ khang trang nhưng bên trong trống hoác.

Hưng kể, cha mẹ lấy nhau với hai bàn tay trắng, bôn ba khắp nơi. Phải 5 năm sau ngày cưới, cha mẹ Hưng mới trả hết nợ đám cưới. Tiền làm thuê làm mướn của cha mẹ chỉ đủ cho cả gia đình 7 người đắp đổi qua ngày.

Vài năm trước, mẹ Hưng bất ngờ bị té gãy xương hông. Từ đó bà không thể làm việc nặng, chỉ ở nhà chăm mẹ chồng 86 tuổi đang nằm liệt giường. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai cha Hưng. Thế nhưng công việc phụ hồ, làm mướn dường như quá sức với người đàn ông gần lục tuần, lại bị đứt dây chằng gối bán phần.

Năm 2017, Hưng bước vào kỳ thi chuyển cấp quan trọng lên lớp 10. Dù rất muốn theo học nhưng trước hoàn cảnh túng quẫn của gia đình, Hưng ngậm ngùi bỏ trống bài thi để nhận điểm liệt.

Tuổi 15, Hưng rời ghế nhà trường, chia tay bạn học để bươn chải mưu sinh. Suốt một năm rưỡi sau đó, Hưng làm chân chạy giao bình gas cho chú họ. Dù vậy, gia cảnh sa sút trầm trọng buộc Hưng có thêm quyết định khó khăn khác. Lần đầu, Hưng rời xa nhà lên TP.HCM kiếm tiền để phụ giúp cha mẹ.

Trong năm tiếp theo, Hưng làm bốc vác, đóng gói sản phẩm... Công việc không hề nhẹ với một thiếu niên. Để tiết kiệm tiền thuê nhà, Hưng xin ở lại công ty và ngủ trên ghế sofa. Đều đặn hằng tháng, Hưng gửi tiền về nhà và chỉ giữ lại 500.000 - 1.000.000 đồng để chi tiêu sinh hoạt. 

"Nhiều đêm nhìn xuống dưới, thấy bạn bè đồng lứa được ba mẹ đưa đi mua sắm, vui chơi cũng buồn lắm", Hưng ngập ngừng nói.

Ám ảnh câu nói của chú họ "làm lính thì suốt đời chỉ làm lính" cùng sự động viên của người thân, năm 2019, Hưng quyết định quay lại ghế nhà trường sau 3 năm dang dở. 

"Nếu không học thì cả đời cũng chỉ làm công nhân, làm thuê làm mướn. Nghĩ vậy nên tôi quyết tâm đi học lại bằng mọi giá", Hưng nói.

Dù nắng hay mưa, mỗi ngày Hưng vẫn chăm chỉ đi làm với nụ cười thường trực trên môi - Ảnh: AN BÌNH

Dù nắng hay mưa, mỗi ngày Hưng vẫn chăm chỉ đi làm với nụ cười thường trực trên môi - Ảnh: AN BÌNH

Sáng chạy xe ôm công nghệ, tối ôn bài

Hưng thừa nhận không ít lần nản chí bởi áp lực kiếm tiền, song với mong muốn tột cùng "thoát nghèo", Hưng từng bước vượt qua nghịch cảnh. Sau 3 năm vừa học vừa làm, Hưng hái quả ngọt với tấm "vé" chính thức bước chân vào giảng đường mơ ước.

Thế nhưng, vui chưa tày gang thì nỗi lo lại ập đến. Hết gia đình đến họ hàng khuyên Hưng nên dừng lại bởi chi phí học quá cao. Tuy nhiên lần này Hưng không chọn từ bỏ nữa mà quyết tâm đi trên con đường đã chọn.

Để không gây thêm áp lực cho cha, Hưng quyết định làm thêm để tự trang trải mọi khoản học phí và sinh hoạt. Bất chấp những cơn đau do bị gai cột sống cổ và viêm cột sống dính khớp thể trụ hành hạ - hậu quả của những lần bốc vác quá sức trước đó, Hưng cần mẫn với từng chuyến xe chở khách, đưa đồ.

Dù nắng hay mưa, Hưng chạy từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Với Hưng, đêm là thời điểm tốt nhất để học, nhưng cũng không ít lần nam sinh đã ngủ gật. "Mấy lần đó mệt quá nên ngủ quên", Hưng giãi bày.

Phòng trọ nơi Hưng ở (quận 8, TP.HCM) rộng chưa đến 9m2 cho hai người nên rất chật hẹp. Hưng nói mình dễ ngủ nên không cần ngủ thẳng chân, nhường chỗ rộng hơn cho bạn cùng phòng. Bữa cơm của cả hai hiếm khi có đầy đủ thịt cá, ăn mì đã thành "thói quen". Nhiều hôm hết tiền Hưng chỉ ăn nắm đậu phộng cho đỡ đói, thậm chí có hôm nhịn luôn. 

Hưng bộc bạch: "Cha hỏi nhưng tôi giấu hết, sợ cha biết càng thêm lo lắng, áp lực hơn".

Lễ 2-9 vừa rồi, Hưng về nhà với 600.000 đồng trong túi. Nhà hết tiền, Hưng đưa mẹ 100.000 đồng đi chợ, còn lại Hưng dành để sửa xe và chi tiêu cá nhân. Hôm sau, Hưng tất tả trở lại với công việc.

Hưng nhẩm tính: tiền vay mua laptop, tiền học phí, tiền phòng và các khoản phát sinh khác tổng hơn 15 triệu đồng. 

"Số tiền này tôi chưa có nên trước mắt sẽ bảo lưu 4 tháng, tập trung chạy xe ôm công nghệ kiếm tiền để chuẩn bị cho các học kỳ tới. Vô thế rồi phải chịu thôi", Hưng cười nói.

Mong không phải dừng học một lần nữa

Trong lá ngỏ gửi báo Tuổi Trẻ, Hưng bày tỏ mong muốn không phải dừng việc học thêm lần nữa cũng như có điều kiện học tập vươn lên thành công dân tốt, giúp ích cho xã hội.

"Khi biết đến học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ với thông điệp 'không để cho ai vì khó khăn mà bỏ học giữa chừng', tôi mong sao không phải dừng học thêm lần nào nữa. Tôi hiểu học tập dẫn mình tới một tương lai sáng sủa hơn cho bản thân và gia đình.

Tôi cũng biết Tiếp sức đến trường là học bổng dành cho tân sinh viên nhưng tôi vẫn mạo muội viết thư này. Hy vọng ban tổ chức có thể cho tôi một cánh cửa để từ đó tôi vươn lên, có cơ hội học tập, phát triển chính mình và mai này giúp ích cho xã hội", trích thư của Hưng.

Chuyện ba mẹ con phải ở đậu đất người khác và giấc mơ đại họcChuyện ba mẹ con phải ở đậu đất người khác và giấc mơ đại học

Hai con cùng vào đại học. Người mẹ hỏi vay khắp nơi để lo học phí cho con, nhưng cùng lắm cũng chỉ đủ lộ phí cho một đứa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên