31/07/2023 08:32 GMT+7

Quên thuốc đái tháo đường cẩn thận nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường cần chú ý tới các dấu hiệu của biến chứng này để kịp thời phát hiện và xử lý, tránh nguy cơ.

Bệnh nhân nhiễm toan ceton đang được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết trung ương - Ảnh BVCC

Bệnh nhân nhiễm toan ceton đang được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết trung ương - Ảnh BVCC

Nguy kịch vì quên thuốc đái tháo đường 

Bệnh nhân N.T.Q.V., 36 tuổi, ở Hà Nội, được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 được 5 năm. Bệnh nhân đang điều trị tại tuyến huyện và được cho sử dụng thuốc tiêm insulin.

Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân có đi chơi cùng bạn bè và đã không mang theo thuốc tiêm để sử dụng. Hậu quả là sau 3 ngày bỏ thuốc, bệnh nhân đã phải nhập viện khoa cấp cứu Bệnh viện Nội tiết trung ương trong tình trạng nôn nhiều, khó thở, nhiễm toan ceton, đường máu mao mạch lúc nhập viện là 29,5 mmol/l...

PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng phổ biến nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton). 

Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hóa protid, lipid và carbohydrate.

PGS Bình phân tích nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm 2 rối loạn sinh hóa nguy hiểm là tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Đây là một cấp cứu nội khoa cần được theo dõi tại khoa điều trị tích cực vì có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não và thậm chí tử vong.

Hôn mê nhiễm toan ceton là hậu quả của hai yếu tố kết hợp chặt chẽ, đó là: thiếu insulin và tăng tiết các hormon đối kháng với insulin của hệ thống hormon đối lập, làm tăng glucose máu. Thiếu insulin làm tăng glucose do tăng phân hủy glycogen từ gan, tăng tổng hợp glucose tại mô ngoại vi (cơ vân và mô mỡ).

Tăng glucose máu dẫn đến tăng thải đường niệu, kéo theo mất nước và điện giải. Tình trạng nhiễm toan ceton còn gây nôn, làm tình trạng mất nước ở người bệnh càng nặng nề thêm.

Hơn nữa, trong nhiễm toan ceton, hệ thống thăng bằng glucose máu thông qua vai trò điều hòa hormon bị rối loạn.

Triệu chứng nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường là: mệt mỏi, nhìn mờ, ý thức mơ màng; buồn nôn, nôn ói, đau bụng; khát nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều; sụt cân; glucose máu > 13,9 mmol/L (> 250 mg/dL) khi đo bằng máy đo đường huyết cá nhân; nhịp tim nhanh, hạ huyết áp; có dấu hiệu mất nước: môi khô, lưỡi khô, da khô nặng;

Thân nhiệt có thể giảm nhẹ do tình trạng giãn tĩnh mạch ngoài da. Đây là một biểu hiện của tiên lượng xấu.

Bệnh nhân nên gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có các biểu hiện sau: Lượng đường trong máu thường xuyên cao hơn 300 mg/dL hoặc 16.7 mmol/L; Có ceton trong nước tiểu, không thể giảm xuống mức giới hạn cho phép; Có trên 1 triệu chứng của nhiễm toan ceton do đái tháo đường...

Cẩn thận các bệnh lý đi kèm

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, nhiễm toan ceton nhiều khi xảy ra không rõ nguyên nhân, nhưng sẽ dễ dàng xảy ra nếu người mắc bệnh đái tháo đường type 1 có thêm các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm màng não, các nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng tiết niệu, cảm cúm, chấn thương kể cả stress về tinh thần, nhồi máu cơ tim, đột quỵ; sử dụng các thuốc có cocain, sử dụng các thuốc hạ glucose máu không đúng chỉ định và liều lượng.

Nhiễm toan ceton và hôn mê toan ceton là một cấp cứu nội khoa cần phải được theo dõi tại các khoa điều trị tích cực để loại bỏ những yếu tố đe dọa đến mạng sống người bệnh. Điều trị cần chống mất nước, bù đủ lượng insulin, thăng bằng điện giải, toan kiềm.

Để phòng ngừa nhiễm toan ceton đái tháo đường, người bệnh cần kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất hằng ngày và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ; Bệnh nhân cần biết cách tự theo dõi lượng glucose máu và ceton nước tiểu, kiểm soát đường và ceton máu nếu bị ốm hoặc stress.

Khi có ceton niệu nặng và glucose niệu kéo dài qua nhiều xét nghiệm, bệnh nhân nên bổ sung insulin và đồ ăn lỏng như nước cà chua, nước luộc thịt chứa ít muối để bổ sung dịch và điện giải cho cơ thể;

Người bệnh cũng nên liên hệ với bác sĩ điều trị nếu mắc thêm một bệnh khác, có ceton niệu kéo dài, sốt, đau bụng, tiêu chảy, nồng độ glucose trong máu cao, ceton trong nước tiểu dai dẳng, đặc biệt là bị nôn ói hoặc nếu đã điều chỉnh tốc độ tiêm truyền bằng bơm insulin nhưng không cải thiện về tình trạng tăng đường huyết và ceton niệu;

Bệnh nhân không được tự ý giảm liều tiêm insulin hoặc tự ý bỏ thuốc ngay cả trong trường hợp mắc một bệnh khác.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh đái tháo đường để đạt được mục tiêu cần tuân thủ các chế độ điều trị, bao gồm: Chế độ sử dụng thuốc; Chế độ ăn uống; Thay đổi thói quen sống; Kiểm soát đường huyết; Khám sức khỏe định kỳ.

Việc không tuân thủ kéo theo những biến chứng cấp tính như: Hạ đường huyết; Nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton; Hôn mê tăng đường máu không nhiễm toan ceton; Hôn mê nhiễm toan lactic; Các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

Ngoài ra, những biến chứng mạn tính được ghi nhận như: Biến chứng thần kinh; Loét chân và đoạn chi; Biến chứng tim mạch; Biến chứng suy thận; Biến chứng mắt; Suy giảm nhận thức.

Do đó, việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác tự quản lý của người bệnh.

Những tiến bộ giúp phòng ngừa và điều trị bảo vệ tim mạch ở bệnh đái tháo đườngNhững tiến bộ giúp phòng ngừa và điều trị bảo vệ tim mạch ở bệnh đái tháo đường

Bệnh lý tim mạch và bệnh thận là biến chứng phổ biến nhất ở người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), tạo thành bệnh tim mạch-thận-chuyển hóa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên