02/11/2013 08:13 GMT+7

Quốc lộ 1 mặc áo vá

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Tình trạng hư hỏng mặt đường, hằn lún vệt bánh xe đang xuất hiện tại các dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1, đoạn qua Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa. Đây là các đoạn đường vừa hoàn thành mở rộng, đưa vào khai thác từ cuối năm 2012.

HUfHKxjA.jpgPhóng to
Đoạn quốc lộ 1 qua cửa ngõ phía bắc TP Ninh Bình hoàn thành trong tháng 12-2012, đến nay đầy miếng vá - Ảnh: T.Phùng

Theo kết quả kiểm định chất lượng công trình của Bộ GTVT, ngoài lý do xe quá tải phá hỏng mặt đường thì công tác thiết kế và chất lượng thi công còn nhiều khiếm khuyết.

Chằng chịt vết vá

Sáng 1-11, có mặt trên tuyến đường từ Đồng Văn (Hà Nam) về tới TP Ninh Bình, các đoạn QL1 mới làm xong đã lâm vào tình trạng “đường mặc áo vá” chằng chịt. Tình trạng đường hằn lún vệt bánh xe thể hiện khá rõ ở đoạn Đồng Văn - Phủ Lý (Hà Nam, hoàn thành tháng 8-2010), đặc biệt chiều từ Hà Nam lên Hà Nội có những chỗ lún khá sâu theo vệt bánh xe tải.

Còn đoạn QL1 từ Phủ Lý đến cầu Đoan Vĩ (Hà Nam, hoàn thành cuối năm 2012) dù thoáng đẹp khi mở rộng bốn làn đường nhưng xuất hiện nhiều miếng vá có diện tích lớn, đặc biệt thê thảm là bên chiều đường từ hướng cầu Đoan Vĩ về Phủ Lý. Phần lớn diện tích mặt đường QL1 chiều Nam - Bắc qua địa phận huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cũng mặc áo vá chằng chịt.

Đoạn QL1 từ cầu Đoan Vĩ đến giáp TP Ninh Bình, nhiều đoạn xuất hiện những miếng vá còn đen thẫm xen kẽ dọc ngang trên mặt đường. Khi thấy chúng tôi chụp ảnh, một người dân bán quán nước ven đường (phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình) cho biết “đường bị lún, bong bật, vừa được vá lại nên bêtông nhựa ở miếng vá vẫn còn đen”.

Đụng đâu cũng sai

Ông Trần Xuân Sanh, cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, cho biết: theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT, cục yêu cầu Viện Khoa học công nghệ GTVT, các tổ kiểm định khảo sát chi tiết hư hỏng mặt đường, đo chiều sâu vệt lún bánh xe và công tác thi công các lớp kết cấu áo đường. Kết quả kiểm định cho thấy tại đoạn QL1 từ Đồng Văn đến Phủ Lý (dài 20,1km) có 4/4 mẫu lớp bêtông nhựa không đạt tiêu chuẩn về thành phần hạt và không đạt hàm lượng nhựa theo công thức pha trộn, 3/4 mẫu không đạt độ rỗng dư và nhiều vị trí móng cấp phối đá dăm không đạt chiều dày, độ đầm nén, thành phần hạt.

Đoạn Phủ Lý - cầu Đoan Vĩ (dài 15,1km) có 6/8 vị trí không đạt chiều dày móng dưới cấp phối đá dăm, 3/8 vị trí không đạt chiều dày móng trên cấp phối đá dăm. Với thành phần hạt không đạt về lớp bêtông nhựa là 7/9 và 8/7 mẫu, với lớp cấp phối đá dăm thì tỉ lệ này chiếm 100% số mẫu không đạt; từ 80-90% mẫu bêtông nhựa không đạt về độ rỗng dư và hàm lượng nhựa.

Còn với đoạn QL1 dài 13,6km qua Ninh Bình, qua kiểm tra 11 vị trí thấy 2-3 vị trí bêtông nhựa và móng cấp phối đá dăm không đạt chiều dày, 90-100% vị trí không đạt thành phần hạt, 4 mẫu cấp phối đá dăm không đạt độ đầm nén, riêng lớp bêtông nhựa có 9/11 mẫu không đạt độ rỗng dư, 11/11 mẫu không đạt hàm lượng nhựa.

Đoạn QL1 dài 36,4km qua Thanh Hóa (từ Dốc Xây đến TP Thanh Hóa) được lấy mẫu ở 32 vị trí, qua đó cho thấy: về bêtông nhựa (lớp trên và lớp dưới) có 16-17 vị trí không đạt chiều dày, 26-28 mẫu không đạt thành phần hạt, khoảng một nửa mẫu không đạt độ rỗng dư, hàm lượng nhựa; còn phần móng đá dăm phần lớn không đạt về thành phần hạt và độ đầm nén.

Về kết quả đếm xe ở ba dự án cho thấy xe chở quá tải cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân làm hằn lún vệt bánh xe, nhất là tại các vị trí có chất lượng thi công khiếm khuyết, gần nút giao thông, đường cong. Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe phát triển nhanh hơn vào mùa hè khi lớp bêtông nhựa có nhiệt độ cao.

Quy trách nhiệm tới cùng

Theo ông Trần Xuân Sanh, về nguyên nhân chủ quan, kết quả kiểm định chỉ rõ khiếm khuyết ở cả khâu thiết kế lẫn thi công. Cụ thể, khảo sát thiết kế ngay từ giai đoạn lập dự án đến thiết kế kỹ thuật không thực hiện công tác cân tải trọng trục xe, không làm thí nghiệm xác định môđun đàn hồi các loại vật liệu phục vụ thiết kế kết cấu áo đường, các khu vực có điều kiện tự nhiên hay yếu tố hình học khác nhau vẫn áp dụng chung một loại kết cấu áo đường.

Về chất lượng thi công thì thiếu chiều dày kết cấu, thành phần hạt, độ chặt, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa không đảm bảo, không đạt yêu cầu. Kiểm soát vật liệu đầu vào thiếu chặt chẽ, công nghệ thi công chưa phù hợp; hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu còn nhiều hạn chế, có phần lỏng lẻo.

Trước mắt, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo nhà thầu khẩn trương sửa chữa những đoạn hằn lún sâu (sâu hơn 2,5cm) để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan. Về lâu dài, các chủ đầu tư và đơn vị thi công phải tiếp tục theo dõi tuyến đường, khắc phục các tồn tại phát sinh; tăng cường kết cấu áo đường để bù lại những khiếm khuyết do chất lượng thi công không đảm bảo; tăng cường quản lý chất lượng nhựa đường; kiểm soát chặt các thiết bị và vật liệu đầu vào, nguồn cung cấp và trạm trộn; lập các trạm cân xe để ngăn chặn xe quá tải...

Về mặt xử lý trách nhiệm, cục kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư chỉ thanh toán cho nhà thầu theo chiều dài, khối lượng nhựa thực tế sử dụng. Nhà thầu phải kéo dài thời gian bảo hành do chất lượng công trình không đảm bảo từ 3-5 năm tùy theo khiếm khuyết của các gói thầu.

Các nhà thầu thực hiện dự án sẽ bị hạ bậc xếp hạng năng lực trong danh sách công bố năm 2013. Các đơn vị tư vấn cũng sẽ bị trừ điểm khi đánh giá xếp hạng, đồng thời phải kiểm điểm trách nhiệm, cá nhân tham gia giám sát công trình. Còn chủ đầu tư và các ban quản lý dự án trực thuộc phải kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân tham gia quản lý, điều hành các dự án trên.

Các dự án mở rộng QL1 từ Hà Nam đến Thanh Hóa bị “sờ gáy”

* Dự án nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Đồng Văn - Phủ Lý (Hà Nam, 20,1km), Phủ Lý - cầu Đoan Vĩ (Hà Nam, 15,1km) do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư. Các nhà thầu xây lắp là: Tổng công ty Thành An, Công ty CP Tập đoàn Đông Đô, Công ty SX&XD Thi Sơn, Công ty TNHH MTV Xây dựng cầu 75.

* Đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 13,6km (từ km 258+900 đến km 262+700 và từ km 267+400 đến km 276+884): chủ đầu tư là Sở GTVT Ninh Bình, nhà thầu xây lắp là doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.

* Đoạn Thanh Hóa 36,4km: chủ đầu tư là Sở GTVT Thanh Hóa, nhà thầu xây lắp gồm: doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, liên danh Công ty CP Đạt Phương và Công ty CPXD CTGT 479, liên danh Tổng công ty đầu tư XD Hoàng Long - Tổng công ty CP đầu tư XD Minh Tuấn - Công ty CP Tân Thành, liên danh Tổng công ty CP CTGT 1 Thanh Hóa - Công ty CPXD Sơn Trang - Công ty Quản lý đường sắt Thanh Hóa - Tổng công ty CP ĐTXD TM miền Trung.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên