13/01/2024 10:52 GMT+7

Quy hoạch mạng lưới đại học: Trường tỉnh tìm đường sáp nhập

Nhiều tỉnh thành trước đây hăng hái đề xuất thành lập trường đại học thì giờ đây đôn đáo tìm đường để các trường 'ly khai' do tuyển sinh khó khăn, trở thành gánh nặng cho ngân sách tỉnh.

Trường ĐH Hà Tĩnh sẽ sớm trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: LÊ MINH

Trường ĐH Hà Tĩnh sẽ sớm trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: LÊ MINH

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển Trường ĐH An Giang thành trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trước khi trở thành thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, UBND tỉnh An Giang từng đề nghị bàn giao trường này cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng bộ từ chối tiếp nhận. Như vậy, tròn 20 năm sau khi thành lập và trực thuộc UBND tỉnh An Giang, Trường ĐH An Giang đã có cơ quan chủ quản mới.

Với hàng chục cơ quan quản lý, việc sắp xếp, thu gọn, sáp nhập trường ĐH sẽ khó khăn do bên nào cũng có các quyền lợi liên quan. Khai sinh trường ĐH công lập thì dễ, còn khai tử thì chưa thấy có trường nào.
Ông LÊ ĐÔNG PHƯƠNG (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)

Làn sóng sáp nhập trường đại học

Sự kiện này cũng mở ra xu hướng các tỉnh mong muốn chuyển trường đại học tỉnh thành trường thành viên của một đại học khác. Trong số này có hai đề án đã được bàn thảo.

Cụ thể, cuối năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam và ĐH Đà Nẵng đã bàn về kế hoạch sáp nhập Trường ĐH Quảng Nam vào ĐH Đà Nẵng. Trước đó, Trường ĐH Quảng Nam cũng đã xây dựng đề án trở thành thành viên của ĐH Đà Nẵng.

Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐH Đà Nẵng sẽ trở thành ĐH Quốc gia trong thời gian tới. Nói về tiến độ thực hiện chuyển Trường ĐH Quảng Nam thành thành viên ĐH Đà Nẵng, ông Huỳnh Trọng Dương, hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam, cho hay ĐH Đà Nẵng đã có văn bản trả lời. Theo đó, khi ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH Quốc gia, đề án chuyển Trường ĐH Quảng Nam thành trường ĐH thành viên sẽ được thực hiện.

Tương tự, năm 2023 ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Hà Tĩnh ký kết hợp tác xây dựng đề án chuyển đổi cơ chế hoạt động Trường ĐH Hà Tĩnh trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên ban soạn thảo đề án của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết đề án đã được tỉnh và hội đồng ĐH Quốc gia Hà Nội thông qua, chờ trình cấp có thẩm quyền.

Ở phía bộ, ngành và các địa phương, việc sáp nhập các trường ĐH, CĐ cũng đã và đang được thực hiện. Trong đó, năm 2022 Bộ Nội vụ đã có quyết định sáp nhập Trường ĐH Nội vụ vào Học viện Hành chính quốc gia.

Tỉnh Nghệ An vừa thống nhất chủ trương sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, Trường CĐ văn hóa - nghệ thuật Nghệ An và Trường ĐH Kinh tế Nghệ An để thành lập Trường ĐH Nghệ An. Năm 2023, Hà Nội sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Hà Tây vào Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội. 

Trường CĐ Hải Dương cũng được sáp nhập vào Trường ĐH Hải Dương. Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận được sáp nhập vào phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm tại Ninh Thuận. Trường ĐH Tây Nguyên thực hiện thủ tục sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk...

Nhiều trường ĐH khác đã sáp nhập trường CĐ trở thành phân hiệu như phân hiệu ĐH Kinh tế TP.HCM tại Vĩnh Long. Các tỉnh Long An, Gia Lai đã đồng ý chủ trương giao các trường CĐ sư phạm để trở thành phân hiệu của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM...

Mô hình mới

Việc sáp nhập, chuyển đổi trường ĐH, CĐ thời gian qua dẫn đến nhiều mô hình trường mới. Chẳng hạn, Trường ĐH An Giang là trường thành viên đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, không giống bất kỳ trường thành viên hiện có nào của ĐH Quốc gia TP.HCM - vốn đào tạo chuyên sâu một nhóm lĩnh vực.

Ông Võ Văn Thắng, hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết trước khi trở thành thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, trường tuyển sinh cũng khá tốt chứ không phải quá bết bát. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh có thể khó khăn nên phần chi cho đầu tư có giai đoạn còn hạn chế. 

Khi trở thành thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, ngân sách chi thường xuyên không tăng nhưng kinh phí không thường xuyên và đầu tư tăng lên. Dĩ nhiên những đòi hỏi nâng cao chất lượng cũng khắt khe hơn.

Nhìn lại 5 năm trở thành thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Thắng đánh giá trường phải đổi mới liên tục để đáp ứng yêu cầu của một trường thành viên. Về tuyển sinh, điểm chuẩn tăng 5 năm liên tục, số lượng và chất lượng đầu vào tốt hơn.

"Một phần vì thương hiệu ĐH quốc gia mạnh nhưng quan trọng vì trường cũng có sự đầu tư phát triển nhất định so với trước. Nhưng điều gì cũng có hai mặt. Trường thu hút được số lượng và chất lượng thí sinh tốt hơn nhưng cũng phần nào tạo ra sự kiêng dè cho một bộ phận thí sinh có học lực vừa phải", ông Thắng nhìn nhận.

Trong khi đó, đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết mô hình đào tạo tại Trường ĐH Hà Tĩnh sau khi trường này trở thành trường thành viên sẽ khác so với các trường thành viên còn lại. Vị này cho biết trường có sơ sở vật chất tốt với diện tích 100ha, tỉnh cam kết đầu tư cơ sở vật chất. Đội ngũ giảng viên không đông và có thể phát triển. Hơn nữa đây là vùng đất hiếu học nên đầu vào thí sinh sẽ tốt.

"Trường ĐH Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các trường khác của ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo chứ không phải trường thành viên đào tạo độc lập. Mô hình đào tạo theo kiểu một nửa thời gian đào tạo tại Hà Tĩnh, một nửa tại trường thành viên ở Hà Nội. 

Giai đoạn đầu chỉ tuyển sinh bốn khối ngành, đào tạo ba học kỳ, sau đó chuyển tiếp vào các cơ sở khác tại Hà Nội. Riêng nhóm ngành sư phạm đào tạo tại chỗ. ĐH Quốc gia Hà Nội xác định chỉ tiếp nhận một trường này vì phù hợp chiến lược hướng biển, không có ý định mở rộng nơi khác", vị này nói thêm.

Hàng chục cơ quan chủ quản

Thống kê cho thấy hiện nay có 25 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 23 địa phương quản lý trực tiếp 137 cơ sở giáo dục đại học công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị, quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ĐH phân mảnh khi số lượng cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các bộ, ngành có tỉ lệ cao. Cấu trúc hệ thống này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học .

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết bên cạnh vấn đề phát sinh về bộ máy tổ chức và biên chế thì sự quan tâm, cách thức quản lý của các cơ quan đối với các cơ sở giáo dục đại học cũng chưa có sự thống nhất, đồng bộ.

Việc phân bổ ngân sách nhà nước thông qua cơ quan quản lý trực tiếp cũng khó bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng dựa trên năng lực và kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Cẩn trọng với "bình dân hóa" tinh hoa

Sinh viên Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TP.HCM) học tập tại thư viện trường - Ảnh: AGU

Sinh viên Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TP.HCM) học tập tại thư viện trường - Ảnh: AGU

Đánh giá về xu hướng trường ĐH, CĐ địa phương tìm cách sáp nhập, trở thành phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH khác, ông Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn, sức cạnh tranh yếu, nguồn thu cũng như sự phát triển hạn chế, việc các trường tỉnh tìm cơ hội để tồn tại và phát triển là điều bình thường.

"ĐH Quốc gia là cơ sở giáo dục tinh hoa. Do đó không nên "bình dân hóa" các ĐH này bằng cách thu nhận các trường ĐH tỉnh. Việc kéo dài đường biên của các ĐH quốc gia đi quá xa có thể giẫm chân lên hệ thống trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hơn nữa, chất lượng và sự tồn vong của trường ĐH địa phương có thể kéo chất lượng tổng thể của ĐH Quốc gia xuống",ông Phương nói thêm.

Ở khía cạnh đơn vị tiếp nhận trường CĐ sư phạm các tỉnh để thành lập phân hiệu, đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng điều này phù hợp với chiến lược phát triển của trường. Đây là một trong những định hướng của chiến lược phát triển thành ĐH sư phạm trọng điểm của trường.

Đây cũng là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường CĐ sư phạm, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chất lượng cho các địa phương. Hiện hai tỉnh Long An và Gia Lai đã đồng ý chuyển trường CĐ sư phạm để Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thành lập phân hiệu tại các tỉnh này.

(còn tiếp)

Quy hoạch mạng lưới đại học: Nhiều trường lay lắt tồn tạiQuy hoạch mạng lưới đại học: Nhiều trường lay lắt tồn tại

Bộ GD-ĐT đánh giá hoạt động của hệ thống giáo dục đại học hiện nay còn nhiều bất cập. Đó là sự phân bố không đồng đều, đào tạo chồng chéo, nhiều trường đại học hoạt động kém hiệu quả... Vậy quy hoạch mạng lưới đại học nên ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên