18/12/2023 11:16 GMT+7

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận có 3 vùng động lực và 3 hành lang kinh tế

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực và 3 hành lang kinh tế.

Theo quy hoạch tới năm 2023, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh này. Trong ảnh: đoàn khách du lịch TP.HCM lần đầu tiên được tham quan vườn nho ngón tay - Ảnh: DUY NGỌC

Theo quy hoạch tới năm 2023, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh này. Trong ảnh: đoàn khách du lịch TP.HCM lần đầu tiên được tham quan vườn nho ngón tay - Ảnh: DUY NGỌC

Ngày 18-12, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xác định các vùng động lực phát triển của Ninh Thuận

Theo quy hoạch, 4 vùng lãnh thổ của Ninh Thuận gồm: vùng trung tâm (TP Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận); phía Bắc (huyện Thuận Bắc, Ninh Hải); phía Tây (huyện Ninh Sơn, Bác Ái) và phía Nam (huyện Ninh Phước, Thuận Nam).

3 vùng động lực phát triển gồm: Vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm bao gồm TP này và các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với đô thị Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm.

Những đô thị vệ tinh phụ trợ có chức năng riêng biệt như: Lợi Hải - công nghiệp; Thanh Hải - du lịch; Phước Dân - thương mại dịch vụ, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước, là vùng phát triển công nghiệp - cảng biển - năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch.

Trong đó, đô thị Phước Nam là trung tâm vùng, các đô thị phụ trợ với chức năng riêng biệt như: Cà Ná - công nghiệp, cảng biển; Sơn Hải - du lịch - dịch vụ.

Vùng phát triển phía Tây bao gồm 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái, là vùng phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng, du lịch.

Trong đó, trung tâm vùng phát triển phía Tây là đô thị Tân Sơn, các đô thị phụ trợ với chức năng riêng biệt gồm: Lâm Sơn - thương mại dịch vụ và năng lượng; Phước Đại - thương mại dịch vụ, đào tạo và điều phối năng lượng.

3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang phát triển đa dạng bám dọc theo quốc lộ 1, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đây là hành lang có tiềm năng phát triển quan trọng và đa dạng nhất, kết nối hệ thống đô thị, công nghiệp, cảng biển của Ninh Thuận.

Hành lang phát triển sinh thái bám dọc theo trục Đông - Tây, quốc lộ 27, 27B và dọc sông Dinh, Vườn quốc gia Phước Bình; nhằm kết nối phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các cụm công nghiệp phụ trợ, năng lượng...

Hành lang phát triển ven biển bám dọc theo tuyến đường ven biển từ Bắc đến Nam và khu vực vùng bờ. Đây là khu vực có mật độ thấp, phát triển du lịch là chủ đạo gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Núi Chúa.

Các nhà bè đang hoạt động, phục vụ khách du lịch tại vịnh Vĩnh Hy - Ảnh: DUY NGỌC

Các nhà bè đang hoạt động, phục vụ khách du lịch tại vịnh Vĩnh Hy - Ảnh: DUY NGỌC

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030, Ninh Thuận phát triển trọng tâm khu vực phía Nam tạo tiền đề hình thành khu kinh tế ven biển; hệ thống cảng biển Ninh Thuận (khu bến Cà Ná và bến Ninh Chữ) là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực; đầu tư cảng hàng không Thành Sơn.

Tập trung phát triển các ngành quan trọng như năng lượng, năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo (ưu tiên với cảng biển và trung tâm logistics); nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản

Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng "bền vững - chất lượng cao - độc đáo" của Ninh Thuận.

Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia Ninh Chữ.

Phát triển tập trung vào dải ven biển, khu vực đặc thù như cồn cát, sản xuất muối… tạo sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, khác biệt.

Tạo dựng liên kết du lịch nội vùng và liên vùng, đặc biệt là giữa Nha Trang - Đà Lạt - Ninh Thuận. Trong đó, phát triển Ninh Thuận là một trong những điểm đến quan trọng trong vùng.

Theo quy hoạch, TP Phan Rang - Tháp Chàm ngoài là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế… của tỉnh Ninh Thuận, còn trở thành đô thị du lịch vùng Nam Trung Bộ.

Cụ thể, TP du lịch thứ 5 trong tiểu vùng du lịch phía Nam của Nam Trung Bộ (4 đô thị du lịch hiện hữu là Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết); là đô thị quan trọng trong tam giác phát triển du lịch Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang - Tháp Chàm; một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn, khác biệt của miền Trung, trong nước và thế giới.

Ninh Thuận muốn sớm đầu tư PPP sân bay Thành Sơn để khai thác dân dụngNinh Thuận muốn sớm đầu tư PPP sân bay Thành Sơn để khai thác dân dụng

UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Thủ tướng giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai đầu tư sân bay quân sự Thành Sơn theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nhằm sớm đưa sân bay Thành Sơn vào khai thác dân dụng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên