10/07/2023 11:59 GMT+7

Ra công văn làm khó doanh nghiệp, xử lý ra sao?

Công văn 1798 của Tổng cục Thuế khiến hàng loạt doanh nghiệp xôn xao, bức xúc khi yêu cầu họ mua hàng của bên bán là các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn phải giải trình.

Người dân và doanh nghiệp quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân và doanh nghiệp quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều doanh nghiệp cho rằng những quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp không nên ở dạng công văn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Minh Thảo - trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng cần thu hồi công văn trên vì "đây là trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế, chứ không thể đẩy áp lực nặng nề lên doanh nghiệp mua hàng được".

Không thể đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp

* Hiện nhiều cơ quan đưa thêm những yêu cầu, phần việc rất khó và rủi ro cho doanh nghiệp bằng công văn chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật. Tại sao bà cho rằng công văn 1798 là bất hợp lý?

- Vì trước khi hóa đơn điện tử được xuất ra thì doanh nghiệp bán hàng phải gửi hóa đơn lên hệ thống của Tổng cục Thuế để được cấp mã rồi mới xuất cho bên mua. Nên hóa đơn được xuất ra là hợp lệ, khó có thể bắt doanh nghiệp mua hàng phải giải trình rồi loại bỏ hóa đơn này ra khỏi chi phí được.

Hàng đã mua cách đây một năm, giờ doanh nghiệp mua hàng phải giải trình là điều không phù hợp. Doanh nghiệp mua hàng có thể cung cấp, phối hợp với cơ quan thuế để hỗ trợ công tác hậu kiểm của ngành thuế chứ không thể coi doanh nghiệp có sai phạm vì mua hàng của doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Trong khi đó, tại thời điểm mua hàng, giao dịch là bình thường, có mua có bán, có nhận hàng, có thanh toán tiền và xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế thì không thể đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp mua hàng được.

Còn đến nay, nếu phát hiện doanh nghiệp bán hàng đã gian lận, bán hóa đơn cho doanh nghiệp mua hàng lậu để trốn thuế thì trách nhiệm ở đây là của cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp bán hàng.

Cơ quan thuế địa phương là các chi cục thuế phải giám sát được doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thật không? Doanh thu có tương ứng với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp?...

Nên tôi xin nhấn mạnh, trách nhiệm quản lý thuế ở đây là của cơ quan thuế chứ không thể đẩy cho doanh nghiệp mua hàng được.

* Theo bà, cách quản lý thuế như công văn 1798 có khiến doanh nghiệp lo lắng?

- Công văn này không những gây phiền hà cho doanh nghiệp mua hàng khi bắt họ phải giải trình mà còn khiến doanh nghiệp cảm thấy bất an, rủi ro, không thể yên tâm làm ăn kinh doanh. Hơn nữa, công văn này đang đi ngược lại những chỉ đạo của Chính phủ về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thực tế, doanh nghiệp thực hiện theo văn bản pháp quy là luật, nghị định và thông tư. Nhưng khi có công văn của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng phải thực hiện. Trong một số trường hợp, công văn khác biệt cả với các văn bản pháp quy.

Điều này tạo ra sự tùy ý trong việc hướng dẫn thực thi pháp luật, gây ra hệ lụy rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý cần chấm dứt việc ban hành các công văn hướng dẫn mà sai khác với thông tư, nghị định và luật.

Công văn 1798 của Tổng cục Thuế về mặt nguyên tắc là chỉ đạo của Tổng cục Thuế với cục thuế địa phương, không liên quan gì đến doanh nghiệp cả. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cục thuế lại yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.

Các cơ quan nhà nước hay ban hành công văn hướng dẫn doanh nghiệp thường xảy ra ở ba lĩnh vực gồm thuế, bảo hiểm và hải quan. Các công văn này không phải trải qua bất cứ thủ tục như lấy ý kiến doanh nghiệp hay các cơ quan liên quan nào mà hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan của các cơ quan này. Do đó, đôi khi có sự khác biệt trong cách hiểu giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nên vô hình trung doanh nghiệp thường chịu rủi ro.

Chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, nên phải tạo thuận lợi chứ không được gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp - Ảnh: Q.ĐỊNH

Chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, nên phải tạo thuận lợi chứ không được gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp - Ảnh: Q.ĐỊNH

Ngành thuế bị phản ánh còn nhiều khó khăn, bất cập

* Nhiều doanh nghiệp cho hay rất sợ công văn của ngành thuế, nhiều khi quy định còn "nặng" hơn cả thông tư. Nên ứng xử ra sao với công văn này cũng như thủ tục hành chính thuế nói chung?

- Theo tôi, Tổng cục Thuế cần thu hồi công văn này. Cũng phải nói thêm thuế là một trong số ít những lĩnh vực mà doanh nghiệp phàn nàn dù đã có cải thiện so với trước đây.

Chúng tôi đang tổng hợp kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng và địa phương về khó khăn đối với doanh nghiệp. Theo phản ánh, thủ tục hành chính thuế là một trong những nhóm nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và bất cập nhất. Nhiều thủ tục thuế có cách hiểu khác nhau, cách áp dụng khác nhau.

* Nhưng có ý kiến cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp mua hàng phải giải trình cũng là để ngăn chặn những doanh nghiệp sai phạm, thưa bà?

- Đúng là trên thực tế có những doanh nghiệp được lập ra để bán hóa đơn cho những đơn vị khác nhằm hợp thức hóa hàng trôi nổi, hàng buôn lậu và trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Thời gian qua, cơ quan thuế và cơ quan công an đã phối hợp phát hiện và xử lý không ít doanh nghiệp này.

Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Do đó, cơ quan thuế phải có biện pháp quản lý để phát hiện từ xa, từ sớm, kịp thời ngăn chặn những doanh nghiệp sai phạm, lập ra để gian lận, trốn thuế. Qua đó, ngành thuế cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính chứ không phải quản lý khiến doanh nghiệp thấy bất an, rủi ro.

* Bà Nguyễn Minh Thảo:

Có doanh nghiệp nói phát khóc khi thực hiện thủ tục thuế

Điều đáng nói khi có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thuế, cơ quan thuế thường chọn cách an toàn cho họ, còn bất lợi cho doanh nghiệp. Phần rủi ro thường đẩy cho người nộp thuế. Tôi đang nhận rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, có những doanh nghiệp nói họ phát khóc vì thực hiện thủ tục thuế.

* Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Cơ quan thuế đang né trách nhiệm?

Những gì liên quan tới quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phải quy định trong luật, các vấn đề này không thể quy định trong các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, đặc biệt là công văn.

Chuyện cơ quan thuế ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp mua hàng phải giải trình về hóa đơn mua bán khi doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn, mất tích, có thể thấy họ đang né trách nhiệm.

Thời gian qua các doanh nghiệp kêu cứu về vấn đề này rất nhiều vì họ bị treo quyết toán thuế, thậm chí bị cơ quan thuế xử phạt và chế tài bằng nhiều hình thức như không được hoàn thuế VAT.

Cần nhìn vào bản chất vấn đề xem liên quan đến ai, trách nhiệm thuộc về ai. Trường hợp giao dịch mua bán thực hiện giữa hai chủ thể, pháp nhân có thật, việc phát hành hóa đơn là thật, hợp lệ thì giao dịch mua bán hoàn toàn hợp pháp.

Sau mua bán, doanh nghiệp bán hàng có thể bỏ trốn, mất tích, thậm chí có thể bị điều tra, khởi tố thì không liên quan tới giao dịch đã phát sinh. Khi đó, điều tra, xác minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp mua hàng đã trả tiền sòng phẳng rồi, đã nhận được hóa đơn phát hành hợp lệ thì không phải chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra sau đó.

Với công văn của mình, không còn là chuyện đẩy khó cho doanh nghiệp nữa mà cơ quan thuế đang quy kết cho doanh nghiệp mua hàng trách nhiệm sai. Cơ quan thuế, theo tôi, không có thẩm quyền làm việc này. Doanh nghiệp này không thể chịu trách nhiệm về việc làm của doanh nghiệp khác.

Việc cơ quan thuế bắt doanh nghiệp mua hàng giải trình là đang lẩn trốn trách nhiệm, không bắt được kẻ trộm thì lại đi bắt bất cứ ai trên đường. Không thể thế được.

Doanh nghiệp mua hàng có thể khiếu nại hành chính tới cơ quan thuế về hành vi làm sai. Trường hợp cơ quan thuế vẫn không giải quyết thỏa đáng, doanh nghiệp mua hàng có thể khởi kiện ra tòa.

BẢO NGỌC

* Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG (phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):

Xem lại việc ra công văn gây khó cho doanh nghiệp

Nếu Tổng cục Thuế cứ ban hành các công văn không phải hướng dẫn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà lại đưa ra các vấn đề, thủ tục khiến doanh nghiệp xôn xao, thậm chí gây khó, thì cần xem xét lại.

Công văn là văn bản không phải quy phạm pháp luật nhưng lại chứa đựng quy phạm pháp luật, rõ ràng không đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các doanh nghiệp cần có phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền. Thêm vào đó, chính sách thuế là vấn đề lớn, liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội nên các doanh nghiệp có thể kiến nghị lên các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chúng tôi tập hợp, kiến nghị xử lý. Tình hình khó khăn, chúng ta đang tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp mà lại có những hành vi gây khó dễ là không phù hợp với yêu cầu, chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng.

THÀNH CHUNG

Thời gian qua, có tình trạng một số cơ quan đã ban hành các văn bản điều chỉnh trong lĩnh vực quản lý của mình như văn bản quy phạm pháp luật gây xôn xao, thậm chí khiến nhiều doanh nghiệp và người dân "khốn khổ".

* TS Hồ Quang Huy (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp):

Từng xử lý văn bản của Tổng cục Thuế

Việc ban hành công văn, về nguyên tắc, Tổng cục Thuế có quyền ban hành nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật về thẩm quyền, nội dung và không được chứa quy phạm pháp luật.

Khi ban hành công văn, Tổng cục Thuế không có trách nhiệm phải gửi xin ý kiến trước hoặc gửi để Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) kiểm tra tính pháp lý của văn bản.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước bộ trưởng Bộ Tài chính về nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành và tổ chức thực hiện công văn.

Theo quy định pháp luật thì Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có thẩm quyền kiểm tra các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật do thủ trưởng đơn vị trực thuộc bộ (trong trường hợp này là tổng cục trưởng Tổng cục Thuế) ban hành khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Do vậy, nếu doanh nghiệp và người dân thấy công văn nào của Tổng cục Thuế ban hành có chứa quy phạm pháp luật, có dấu hiệu trái pháp luật thì có quyền gửi kiến nghị đến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để được xem xét, kiểm tra.

Thời gian qua, cục đã tiếp nhận, kiểm tra, kết luận xử lý nhiều văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật trái pháp luật, trong đó đã từng xử lý văn bản của Tổng cục Thuế.

DANH TRỌNG

* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Không để công văn to hơn cả nghị định, thông tư

Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng công văn còn to hơn cả nghị định, thông tư và họ còn sợ công văn hơn luật. Đây là điều các cơ quan chức năng cần rà soát, xem xét kỹ càng để chấn chỉnh, xử lý.

Mới đây nhất, việc cơ quan thuế địa phương yêu cầu doanh nghiệp giải trình về những hóa đơn đã giao dịch với những doanh nghiệp thuộc diện có rủi ro về thuế (chứ không chỉ với 524 doanh nghiệp theo danh sách kèm công văn 1798 của Tổng cục Thuế) đã khiến không ít doanh nghiệp lúng túng, bức xúc. Bởi họ phải mất công, mất sức, mất thời gian để đi giải trình với cơ quan thuế hàng loạt nội dung như cung cấp bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào; hợp đồng kinh tế, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, chứng từ thanh toán... Chưa kể còn đối diện với nguy cơ bị xử phạt oan.

Ở đây phải xác định không thể chấp nhận việc các doanh nghiệp có hành vi tiếp tay cho việc mua bán hóa đơn trái phép hoặc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn nhằm khấu trừ thuế. Song việc giao dịch trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau là chuyện bình thường. Mỗi doanh nghiệp đều biết mình phải làm gì cho đúng quy định của pháp luật và chưa chắc đã biết doanh nghiệp mình giao dịch có vi phạm pháp luật.

Nên khi phát hiện doanh nghiệp có gian dối lại buộc cả những doanh nghiệp chân chính giải trình là chưa thuyết phục. Họ phải mất thời gian, công sức. Cơ quan thuế cần xác định cho rõ trách nhiệm trong vấn đề đó thuộc về ai chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính bắt buộc bởi điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Nhà nước rất cầu thị doanh nghiệp chân chính.

Tôi cho rằng với trách nhiệm là cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cần vào cuộc rà soát lại xem việc cơ quan thuế ban hành các văn bản như vậy có đúng không, có ảnh hưởng tới doanh nghiệp hay không. Trường hợp thấy có vấn đề thì cần chấn chỉnh cho phù hợp. Trong tình hình khó khăn hiện nay, cần tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp thay vì đưa ra các yêu cầu, đẩy khó khăn, bức xúc, tốn kém thêm chi phí cho doanh nghiệp.

THÀNH CHUNG

Thuật ngữ "giao dịch đáng ngờ" có làm khó người dân, doanh nghiệp?Thuật ngữ 'giao dịch đáng ngờ' có làm khó người dân, doanh nghiệp?

TTO - Chiều 24-10, thảo luận tổ về dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), một số đại biểu bày tỏ lo ngại thuật ngữ "giao dịch đáng ngờ" trong các quy định sẽ gây khó cho doanh nghiệp và người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên