01/11/2023 06:42 GMT+7

Rối với việc đăng ký học phần ở Trường đại học Văn Hiến

Mới đây, Tuổi Trẻ nhận được phản ánh của một nhóm sinh viên năm thứ tư ngành Đông phương học, chuyên ngành Nhật Bản học thuộc Trường đại học Văn Hiến, niên khóa đào tạo 2019-2023, cho biết đăng ký học phần nhưng không được học.

Cơ sở của Trường ĐH Văn Hiến tại đường Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cơ sở của Trường ĐH Văn Hiến tại đường Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Nhóm sinh viên này cho biết đã nhiều lần bị hủy các học phần đăng ký trong những học kỳ gần đây, ngoài ra cho rằng nhà trường cũng mở rất ít học phần cho các bạn.

Cả học kỳ chỉ học... 1 học phần

Một sinh viên trong nhóm cho biết gần đây là vào ngày 4-8-2023, lúc Trường ĐH Văn Hiến mở đợt đăng ký học phần mới cho học kỳ 1 năm học 2023-2024. 

Trong mục đăng ký học phần trên cổng portal sinh viên, nhiều bạn chỉ thấy duy nhất 1 học phần cho đăng ký là "Tiếng Nhật viết 2". Những sinh viên này lập tức gom danh sách người học để làm đề xuất mở thêm học phần cho học kỳ này vì chỉ học 1 học phần trong học kỳ là quá ít. Điều kiện là mỗi học phần phải "gom" đủ ít nhất 30 người học.

Ngày 10-8-2023, đại diện nhóm sinh viên đến phòng đào tạo gửi danh sách, và trưa cùng ngày, 6 học phần mà nhóm đề xuất đã được mở, tổng cộng các bạn đăng ký được 7 học phần. 

Nhưng đến trưa ngày 5-9-2023, 3 học phần trong số đó lại bị hủy, loại khỏi portal sinh viên. Các môn bị hủy gồm: "Tiếng Nhật viết 2", "Phiên dịch Nhật Việt - Việt Nhật", "Tiếng Nhật đọc 7". Nguyên nhân là vì có một vài bạn rút giờ chót, khiến chỉ còn 25-26 bạn đăng ký, không đủ để mở lớp.

Một sinh viên khác trong nhóm bức xúc việc trường hủy học phần đăng ký của các bạn không phải lần đầu. Điển hình vào học kỳ 1 năm 2022-2023, học phần "Tiếng Nhật đọc 5" của các bạn bị hủy cũng vì không đủ tối thiểu 30 sinh viên. 

Cả học kỳ này, các bạn chỉ học đúng 1 môn là "Tiếng Nhật nghe nói 5". Tương tự ở học kỳ 3 năm học 2021-2022, các bạn bị hủy môn "Văn hóa Nhật Bản", và chỉ được học 2 môn "Văn học Nhật Bản" và "Văn hiến Việt Nam".

"Chúng tôi mong muốn được mở lớp trong những học kỳ tiếp theo là các học phần Tiếng Nhật viết 2, Tiếng Nhật viết 3, Biên dịch Việt Nhật - Nhật Việt, Phiên dịch Việt Nhật - Nhật Việt, Tiếng Nhật đọc 7, Biên dịch Việt Nhật - Nhật Việt nâng cao, Phiên dịch Việt Nhật - Nhật Việt nâng cao, Tiếng Nhật tổng hợp nâng cao, Thực tập tốt nghiệp Nhật Bản học. 

Đáng lẽ tháng 7-2023, chúng tôi đã có thể tốt nghiệp nếu nhà trường không hủy các môn và mở nhiều lớp hơn, nhưng bây giờ phải sang ít nhất đến giữa năm 2024" - một sinh viên cho biết.

Nếu không đủ người phải đóng thêm tiền

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Thị Hồng Yến - phó trưởng khoa Đông phương học, Trường ĐH Văn Hiến - thông tin việc mở các lớp học phần của trường có thể chia làm hai dạng: một là nhà trường chủ động mở, hai là sinh viên chủ động đề xuất.

Trong một học kỳ, những học phần được nhà trường chủ động mở luôn nằm trong tiến độ đào tạo. Trong trường hợp này, nếu không đủ 30 sinh viên, trường có thể vẫn sẽ duy trì giảng dạy hoặc ghép với một lớp khác cũng đang học học phần này.

Còn các lớp học phần do sinh viên đề xuất mở thường không nằm trong tiến độ đào tạo, là các môn đã giảng dạy rồi hoặc chưa đến. Khi đó, các bạn sẽ phải đề xuất mở lớp và cần đảm bảo tối thiểu 30 sinh viên. 

"Danh sách ban đầu các em đề xuất thường đủ 30 sinh viên, nhưng đến khi học phần được mở cho đăng ký, một số bạn lại rút vì có thể không thích giảng viên được phân công, hoặc học phần được mở ở cơ sở xa... Điều này dẫn đến khi đăng ký học phần thực tế, số sinh viên lại giảm xuống dưới 30 em một lớp" - bà Yến giải thích.

Cũng theo bà Yến, trong trường hợp này, các bạn sẽ được hỏi ý kiến: nếu vẫn muốn mở lớp thì các bạn sẽ đóng học phí cho học phần này bằng với số tiền của 30 sinh viên. 

Chẳng hạn, nếu đang có 24 hay 25 bạn, mức đóng chia bình quân mỗi sinh viên thêm khoảng 400.000 - 500.000 đồng so với thông thường. Tuy nhiên, bà cho rằng nhiều em không sẵn sàng đóng thêm khoản này, một phần vì nghĩ có thể chờ đến học kỳ tiếp theo. Số muốn học "gấp" thường chỉ khoảng 5-10 em.

Trả lời câu hỏi phải chăng số lượng học phần mở mỗi học kỳ đang khá ít ỏi nên sinh viên mới phải tự đề xuất đăng ký thêm, ThS Nguyễn Thị Hồng Yến cho rằng số lượng các học phần luôn được khoa và phòng đào tạo tính toán kỹ lưỡng. Các học phần phải đảm bảo đúng tiến độ cho sinh viên. Thông thường, những bạn gặp rắc rối nhiều hơn với việc đăng ký học phần thường là học vượt.

Nhiều kênh hỗ trợ người học

Ngay mỗi đầu năm học, Trường ĐH Văn Hiến đều có những kênh online và offline nhằm giúp sinh viên hiểu đúng về đăng ký học phần, cũng như có chiến lược và kỹ thuật khi đăng ký.

Bên cạnh đó, sinh viên hoàn toàn có thể đăng ký xin mở lớp học phần không có trong kế hoạch. Trung tâm hỗ trợ người học sẽ tiếp nhận các phản hồi, hỗ trợ các bạn đề xuất mở các học phần này, nhưng quyết định cuối cùng sẽ nằm ở các khoa và phòng đào tạo.

Chưa nắm kỹ thuật đăng ký học phần

Ông Nguyễn Tấn Trung - giám đốc Trung tâm hỗ trợ người học, Trường ĐH Văn Hiến - cho rằng khi học theo tín chỉ ở bậc đại học, ban đầu một số sinh viên vì chưa nắm bắt được quy trình và kỹ thuật khi đăng ký học phần, dẫn tới một số khó khăn cho chính các bạn.

Chẳng hạn ở năm nhất, các bạn chọn đăng ký học nhiều những môn thích nhưng lại bỏ một số môn thấy chán. Cũng có bạn ngại chạy nhiều cơ sở nên bỏ bớt một số học phần được tổ chức ở cơ sở xa.

Có bạn thích lựa những học phần theo bạn bè. Đến những năm cuối, nhất là khi cần tốt nghiệp, các bạn nhận thấy mình còn thiếu nhiều môn ở các năm đầu nên quay lại đăng ký. Tuy nhiên lúc này rất dễ bị trùng lịch hoặc có rủi ro học phần không mở trong học kỳ mà các bạn mong muốn.

Ám ảnh... đăng ký môn họcÁm ảnh... đăng ký môn học

TTO - Đang đăng ký thì sập mạng, mạng chạy lại thì 'hết chỗ', hoặc đăng ký xong vẫn bị hủy vì sĩ số ít... Việc đăng ký môn học trở thành nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên