08/05/2024 13:04 GMT+7

Ròng rã chục năm 'khát' công trình cấp nước ngọt

Sống giữa đồng bằng sông nước, cứ đến mùa khô, bà con lại phải nhờ vào những "xe nước 0 đồng". Tình cảnh khát nước ngọt tái diễn hàng chục năm do sự chậm trễ của những công trình cấp nước ngọt.

Người dân vùng hạ Cần Giuộc, Cần Đước cạn kiệt nước ngọt khi mùa hạn kéo dài - Ảnh: SƠN LÂM

Người dân vùng hạ Cần Giuộc, Cần Đước cạn kiệt nước ngọt khi mùa hạn kéo dài - Ảnh: SƠN LÂM

Từ đầu tháng 4-2024, khoảng 5.000 hộ dân tại các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và Tân Trụ, Long An thiếu nước ngọt trầm trọng. 10 năm trước những nơi này đã được xác định là vùng rất khó khăn về nguồn nước ngọt. 

Nguồn nước ngọt ở đây được lấy một phần từ hệ thống sông Vàm Cỏ, nước ngầm và chủ yếu là nước mưa được trữ trong kênh rạch, ao, hồ... Mùa khô, nước nhiễm mặn, khan hiếm hơn và còn đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ nước thải của các khu công nghiệp phía trên thượng nguồn.

Các nhà máy nước tại các huyện này không đủ để cung cấp trong khi đó, các nhà máy nước tại các khu vực lân cận hoạt động hết công suất nhưng không đủ để "tiếp tế".

Hơn chục năm trước, dự án cống ngăn mặn sông Vàm Cỏ, ở vị trí phía dưới ngã ba hợp lưu của hai con sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán như là giải pháp lâu dài trong việc chống hạn, mặn. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa triển khai.

Phương án giải quyết việc thiếu nước ngọt cho vùng hạ lưu (Cần Giuộc, Cần Đước) đã từng được tính toán qua việc quy hoạch một hồ chứa nước ngọt ở xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc. Tiếc rằng quy hoạch hồ chứa này cũng đã phải bỏ do không có mặt bằng.

Long An đã có đề nghị Chính phủ xem xét để hỗ trợ hơn 164 tỉ đồng phòng chống hạn mặn 2023-2024, ngoài số tiền nạo vét các cửa lấy nước của các công trình đầu mối thủy lợi và hệ thống kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến trên toàn tỉnh, có nhiều hạng mục nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hơn 5.000 hộ dân nói trên. 

Cụ thể: cần khoảng hơn 13 tỉ đồng để chi cho việc trữ nước, vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân 5 xã vùng hạ huyện Cần Giuộc, kéo dài tuyến ống cấp nước cho 2 xã huyện Cần Đước, nâng cấp mở rộng 4 tuyến ống nước ở huyện Tân Trụ...

Kinh phí vẫn chưa có nên mùa hạn này bà con vẫn phải tiếp tục trông chờ vào các chuyến xe đưa nước ngọt 0 đồng do địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân các vùng khác tương trợ trong gần một tháng qua.

Một chuyến xe đưa nước từ trung tâm tỉnh Long An về các huyện Cần Giuộc, Cần Đước nếu chỉ tính chi phí xăng dầu, hao mòn xe, giá nước đã ở mức khoảng 100.000 đồng/m3. 10.000 khối nước từ "xe nước 0 đồng" giá trị đã lên tiền tỉ. Chưa kể nguồn nước từ các địa phương xa xôi khác, cũng như chưa tính tới một xe phải mất thêm hai công lao động đi kèm trong ngày.

Việc "lá lành đùm lá rách" luôn là hình ảnh nghĩa tình của cộng đồng. Nhưng nhìn ở góc khác đây là một nguồn lực xã hội to lớn đang bị tiêu tốn chỉ vì lý do chậm trễ đầu tư các công trình, phương án cấp nước ngọt đã tính toán từ lâu nhưng mãi chưa làm được. Sự khó khăn về nước của người dân vẫn bền vững tái diễn mỗi mùa hạn mặn.

Đây cũng là câu chuyện chung, không chỉ riêng ở Long An mà còn ở nhiều vùng duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt. 

Sau mùa hạn mặn khốc liệt này, hy vọng các công trình đưa nước sớm được đầu tư hiệu quả, để không phải cứ tiêu tốn nguồn lực xã hội, cộng đồng mỗi mùa khô hạn.

Người miền Tây tranh thủ trữ nước ngọtNgười miền Tây tranh thủ trữ nước ngọt

Độ mặn trên các nhánh sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên... đã giảm trong những ngày qua, là cơ hội cho người dân các tỉnh giáp biển Bến Tre, Tiền Giang tranh thủ trữ nước ngọt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên