30/06/2013 04:52 GMT+7

S-Fone chạy làng, tôi phải làm sao?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TT - Đây là chuyện của bạn đọc Vũ Thị Hiến (trú quận Gò Vấp, TP.HCM). Bà Hiến đang rối bời vì không biết giải quyết vụ việc của mình như thế nào.

FWY1N539.jpgPhóng to
Người nhà bà Hiến bên trụ thu phát sóng đã bị tháo gỡ - Ảnh: Đức Thiện

Trung tâm điện thoại di động S-Telecom thuê vị trí nhà bà Hiến để lắp đặt trạm thu phát sóng nhưng đến thời điểm này tiền thuê vẫn chưa trả, còn trạm phát sóng hư hỏng, trong khi S-Telecom thì “mất tích”.

Vi phạm hợp đồng

Bà Hiến kể: “S-Telecom ký hợp đồng thuê nhà tôi tại đường Lê Văn Khương (phường Thới An, quận 12) để lắp đặt trạm thu phát sóng di động vào tháng 4-2006. Hợp đồng có thời hạn năm năm (tức đến tháng 3-2011). Trong đó có thêm điều khoản nếu hai bên không có ý kiến bằng văn bản thì hợp đồng sẽ tự gia hạn thêm 12 tháng (tức đến tháng 3-2012)”.

Theo hợp đồng, số tiền cho thuê mỗi tháng là 5 triệu đồng, bên cho thuê chịu tiền thuế và lấy hóa đơn. Bên thuê thanh toán bằng hình thức chuyển khoản sáu tháng một lần (30 triệu đồng) vào tháng đầu tiên của mỗi kỳ thanh toán.

Tuy nhiên từ tháng 4-2012 đến nay, bà Hiến vẫn chưa nhận được số tiền thanh toán cho kỳ thuê từ tháng 10-2010 đến tháng 3-2011, dù bà đã đóng thuế và nộp đơn cho S-Telecom.

Sau đó hợp đồng tiếp tục được gia hạn thêm 12 tháng theo điều khoản hai bên đã ký kết (từ tháng 4-2011 đến hết tháng 3-2012). Tổng cộng S-Telecom chưa trả cho bà Hiến 90 triệu đồng.

Theo lời bà Hiến, ngày 29-3-2011 bà làm đơn khiếu nại gửi đến ban giám đốc S-Telecom, rồi trực tiếp liên lạc xin gặp giám đốc hoặc phó giám đốc để giải quyết sự việc nhưng đều nhận được câu trả lời là “đang đi công tác”.

Sự việc tưởng như rơi vào im lặng thì đến tháng 3-2012, một trận bão làm bốn sợi dây chằng trụ thu phát sóng bị đứt, đe dọa trực tiếp ngôi nhà của bà Hiến và khu vực xung quanh.

Thấy nguy hiểm, bà Hiến liền làm đơn khiếu nại gửi đến UBND phường Thới An. UBND phường có mời bà Hiến và ông Hồ Hồng Sơn - lúc đó là giám đốc S-Telecom (giờ đã nghỉ việc) - đến làm việc nhưng ông Sơn vắng mặt.

Theo ý kiến của phường, ngày 2-5-2012, bà Hiến gửi fax nhanh cho ông Sơn đề nghị gặp để giải quyết hợp đồng và xử lý trụ thu phát sóng.

Trong bản fax bà Hiến yêu cầu ông Sơn nếu không liên hệ giải quyết sau 15 ngày, gia đình bà Hiến sẽ mời tổ trưởng tổ dân phố đến chứng kiến việc tháo gỡ trụ tháp xuống. Ngày 4-6-2012, bà Hiến cho tháo gỡ trụ phát sóng và “hiện vẫn để trên sàn nhà”. Ngoài trụ thu phát sóng, bà Hiến còn cho biết hiện sàn nhà trong phòng máy điều khiển trụ thu phát sóng cũng đang bị thấm nước xuống tầng dưới...

Tháng 10-2012, bà Hiến lập hồ sơ gửi đến Tòa án nhân dân (TAND) quận 12 nhưng được trả lời là “công ty có yếu tố nước ngoài nên phải đem lên TAND thành phố”.

Bà Hiến mang đến TAND thành phố thì được chỉ về quận 1 vì S-Telecom thuộc địa bàn quận. Nhưng khi gửi đến TAND quận 1, bà Hiến lại bị chỉ về quận 12 với lý do cây tháp nằm ở quận 12. “Chạy lòng vòng mãi mà không biết phải kiện cáo ở đâu” - bà Hiến than thở.

Tính đến thời điểm này, hợp đồng giữa bà Hiến và S-Telecom đã trễ hạn ba năm hai tháng nhưng chưa được thanh toán. Bà Hiến gửi fax rất nhiều lần nhưng S-Telecom đều không liên lạc hoặc cử người đến gặp giải quyết hợp đồng. “Tôi muốn mở cửa phòng máy và bỏ hết máy móc nhưng lại sợ vi phạm pháp luật. Giờ tôi không biết phải làm thế nào với đống máy móc đang ăn vạ tại nhà tôi” - bà Hiến nói.

Có thể khởi kiện ra TAND quận 1

Đề nghị bà Hiến chuyển hồ sơ đến SPT

Ngày 25-6, ông Hoàng Sỹ Hóa, tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) - chủ sở hữu Trung tâm điện thoại di động S-Telecom, đề nghị bà Hiến chuyển toàn bộ hồ sơ, đơn khiếu nại, bằng chứng của bà Hiến đến Công ty SPT (chứ không phải Trung tâm S-Telecom như trước đây). “Chúng tôi sẽ cho người giải quyết gấp” - ông Hóa hứa.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, bà Hiến cần căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa các bên để có những biện pháp phù hợp.

Về nguyên tắc, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005 thì bà Hiến sẽ có các quyền: yêu cầu bên thuê trả tiền thuê và sửa chữa trạm phát sóng di động theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng nếu có vi phạm các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng.

Bà Hiến phải chứng minh hành vi vi phạm hợp đồng của bên thuê (chậm thanh toán tiền thuê, không sửa chữa trạm thu phát sóng khi bị hư hỏng) gây thiệt hại đối với bà (ví dụ căn nhà nơi đặt trạm phát sóng bị nứt, tường thấm nước...).

Đối với phần nhà bị hư hỏng do phòng máy gây ra, bà Hiến có quyền thực hiện việc sửa chữa, phục hồi nguyên trạng và yêu cầu S-Telecom phải thanh toán lại chi phí sửa chữa.

Về trường hợp gia đình bà Hiến tháo gỡ trạm thu phát sóng của bên thuê khi trạm thu phát sóng này có nguy cơ bị gãy đổ, có khả năng gây thiệt hại cho gia đình và những người xung quanh, theo luật sư Hậu, đây là việc làm đúng pháp luật bởi có sự hướng dẫn của UBND phường, có fax văn bản thông báo cho bên thuê và lúc tháo gỡ có sự chứng kiến của tổ dân phố. Như vậy, bà Hiến đã thể hiện thiện chí nhưng bên thuê cố tình chây ỳ, không thực hiện việc sửa chữa, không có bất kỳ văn bản nào phúc đáp.

Về cơ quan giải quyết tranh chấp, đây là hợp đồng thuê mặt bằng đặt trạm thu phát sóng di động (một loại hợp đồng dân sự), luật sư Hậu cho rằng nên căn cứ theo Bộ luật tố tụng dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì TAND quận 1, TP.HCM (tòa án nơi bị đơn S-Telecom cư trú) là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. Nếu tòa này ra văn bản trả lại đơn khởi kiện thì bà Hiến có thể thực hiện thủ tục khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên