21/09/2018 11:24 GMT+7

Sách giáo khoa: lãng phí ra sao?

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Mỗi năm, Nhà xuất bản Giáo Dục - đơn vị độc quyền xuất bản sách giáo khoa - có doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng từ việc in sách mới. Và gần 70% số sách giáo khoa in mới chỉ dùng một năm thì phải bỏ đi.

Sách giáo khoa: lãng phí ra sao? - Ảnh 1.

Sách giáo khoa được bày bán tại một nhà sách ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tình trạng lãng phí kéo dài này một lần nữa đã được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19-9. 

Thậm chí có đại biểu còn đặt vấn đề về lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách giáo khoa, việc độc quyền xuất bản sách giáo khoa và đề nghị tổ chức thanh tra ngay nội dung này.

Buộc người dân phải mua mới

Khi câu chuyện cần chia tay với cơ chế độc quyền xuất bản sách giáo khoa làm nóng dư luận trong những tuần qua, nhiều phụ huynh đã chia sẻ những hình ảnh, thông tin về các cuốn sách cũ sau khi dùng một lần bị viết, vẽ và đặc biệt là được học sinh làm bài tập trực tiếp vào đó.

Trao đổi về tình trạng này, ông Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa mới, cũng là một tác giả viết sách giáo khoa lâu năm - giải thích: Trong sách có những bài học yêu cầu học sinh điền vào ô trống. 

Ví dụ như yêu cầu học sinh chọn cách sử dụng "x" hay "s" trong một trường hợp cụ thể... Với dạng bài này, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh làm vào vở ghi chép.

"Trong sách giáo viên cũng yêu cầu giáo viên phải hướng dẫn học sinh làm lại bài vào vở ô li, nhưng có lẽ nhiều người đã không thực hiện. Ngoài ra, nhà xuất bản nên có dòng chữ ghi nội dung nhắc nhở học sinh không nên viết, làm bài tập thẳng vào sách" - ông Thuyết nói.

Tuy vậy, do sách giáo khoa mới, đặc biệt là sách tiểu học có nhiều bài tương tự như điền vào ô trống nên học sinh và cả giáo viên, phụ huynh đều mặc nhiên cho rằng học sinh phải làm bài vào sách.

Bên cạnh đó, ngay khi thay sách năm 2001-2002, nhà xuất bản biên soạn kèm theo một loạt vở bài tập in. Hầu hết mỗi môn học đều có một vở bài tập in. Những vở bài tập in này được hướng dẫn để thay vở ô li do học sinh tự viết nhằm giảm bớt thời gian phải ghi chép của học sinh.

Tuy không nằm trong danh mục sách bị bắt buộc, hầu hết các trường, nhất là vùng đô thị đều hướng dẫn học sinh mua vở bài tập in. Những học sinh đăng ký mua sách giáo khoa mới theo hệ thống trường thì đều có kèm theo các vở bài tập in như là sách trong bộ sách chính thức.

Và điều quan trọng hơn, thói quen "viết vào sách" cũng được hình thành từ xu thế "vở bài tập in" này. Thói quen "phải mua sách mới, không dùng được sách cũ" ngày càng trở nên phổ biến cũng vì suy nghĩ sai lầm từ cách biên soạn sách giáo khoa không cho phép sách tái sử dụng.

Những năm 2011-2012, nhiều bất cập trong sách khiến dư luận bức xúc như có những nội dung hàn lâm, không cần thiết, lạc hậu... 

Để giảm tải, hằng năm Bộ GD-ĐT đều thực hiện việc rà soát, một số bài học trong nội dung bắt buộc được đưa ra phần "đọc thêm" và chỉnh sửa vào sách mới...

Việc mua mới để cập nhật bản sách mới nhất có chỉnh sửa cũng là tâm lý của nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh.

Sách giáo khoa: lãng phí ra sao? - Ảnh 2.

Lịch sử thay đổi sách giáo khoa - Đồ họa: T.ĐẠT

Khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo môn học trên cổng thông tin của bộ vào ngày 19-1-2018, các nhà xuất bản đã rất nhạy bén và bắt đầu tổ chức viết sách. Đến khi bộ trưởng ký ban hành chương trình chính thức, các tác giả sẽ đối chiếu và tiếp tục sửa theo chương trình chuẩn. Những việc này phải làm gối lên nhau chứ không thể chờ xong chương trình mới bắt đầu làm.

Ông Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới)

Lỗi tại "hoa hồng"

Việc được trích phần "hoa hồng" - chiết khấu theo giá sách là món hấp dẫn khiến rất nhiều trường đều tổ chức cho học sinh đăng ký mua sách vào cuối hoặc đầu các năm học. 

Và vì ngại tự đi mua, việc sợ "một mình một đường" dễ bị thầy cô trù dập nên hầu hết phụ huynh đã đăng ký mua sách theo trường.

Có những trường còn mặc nhiên đưa "mục sách giáo khoa" vào các khoản thu đầu năm để phụ huynh phải đóng góp. Và thường một bộ sách không chỉ có những đầu sách bắt buộc mà đều kèm theo vở bài tập in, một số sách tham khảo, tập bài văn mẫu, sách nâng cao các môn chính...

Theo danh mục do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cung cấp, số lượng sách giáo khoa cho lớp 1, 2, 3 là 6 cuốn; lớp 4, 5 là 9 cuốn. 

Ở cấp THCS, học sinh lớp 6, 7 dùng 12 cuốn; lớp 8, 9 dùng 13 cuốn. Đối với cấp THPT, chương trình chuẩn có 14 cuốn SGK, chương trình nâng cao 10 cuốn. Nhưng ở nhiều trường, bộ sách đến tay học sinh đều dôi ra 3-5 cuốn so với quy định.

"Các trường yêu cầu phụ huynh đăng ký mua sách thì mới có con số báo cho nhà xuất bản lên kế hoạch in ấn. Nếu phụ huynh không đăng ký, nhà xuất bản sẽ giảm lượng in và dẫn đến thiếu sách như đầu năm học 2018-2019 vừa qua. Vì thế việc các trường đứng ra tổ chức cho học sinh đăng ký cũng là việc tốt" - một chuyên gia giáo dục, đồng thời là tác giả sách giáo khoa, biện minh cho xu thế phát hành sách giáo khoa qua hệ thống trường học. Nhưng đây thực sự chỉ là sự bao biện.

Gần 70% sách giáo khoa chỉ được dùng một lần, nhiều loại vở bài tập in, sách tham khảo được "độn" vào các bộ sách phát hành theo hệ thống trường học là con đường được tạo ra từ nhiều nguyên nhân: từ tiêu cực trong chia chác "hoa hồng", từ sơ hở trong quản lý giáo dục, trong hoạt động chuyên môn, trong phương thức biên soạn sách...

Và còn có một nguyên nhân quan trọng nữa là việc duy trì cơ chế độc quyền sản xuất sách giáo khoa quá lâu.

Chỉ tính từ năm 1981, khi bắt đầu có bộ sách giáo khoa thống nhất trên cả nước thì việc biên soạn, xuất bản sách này đã được giao cho Nhà xuất bản Giáo Dục. 

Và mặc dù cho đến nay, khi cả nước có tới 4 nhà xuất bản được cấp phép có chức năng biên soạn, phát hành sách giáo khoa, nhưng các bộ sách sử dụng trong nhà trường vẫn chỉ của Nhà xuất bản Giáo Dục.

Sách giáo khoa: lãng phí ra sao? - Ảnh 4.

Sách giáo khoa được bày bán ở nhà sách tại TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan

Không thể lãng phí mãi!

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc dùng sách một lần là quá lãng phí. 

"Hiện nay mỗi lớp có mười mấy môn học đi kèm với đó là sách giáo khoa, sách bài tập, sách nâng cao... Nhà xuất bản bán ra lượng sách khổng lồ, nên việc in chung câu hỏi chứa phần giải đáp án trong SGK cho học sinh làm là rất lãng phí" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận xét.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Đỗ Thanh Bình - nguyên chủ nhiệm khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho biết dù từng tham gia viết sách giáo khoa và cũng đang được một nhà xuất bản mời làm chủ biên sách giáo khoa lịch sử cho chương trình phổ thông mới, nhưng ông luôn đau đáu về việc làm sao để sử dụng sách giáo khoa không lãng phí.

"Tôi để ý hằng năm, sách giáo khoa thường tái bản với lượng in lớn, trong đó có những môn học cũng không có chỉnh sửa gì so với các năm trước. Trong khi ở nhiều nước, sách giáo khoa của họ in bìa cứng rất đẹp, cho học sinh mượn hằng năm, dùng lại được nhiều lần. Riêng việc in sách bài tập để học sinh viết trực tiếp lên đó, tôi hoàn toàn không đồng tình vì vô cùng lãng phí..." - GS Bình nhận định.

Tình trạng độc quyền sách giáo khoa trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn không phù hợp với xu thế cạnh tranh. Tuy nhiên, ngay cả chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa được áp dụng tới đây thì cũng chưa rõ học sinh, nhà trường được chọn sách thế nào. 

Bởi lẽ, đôi khi việc chọn sách không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu, sự tính toán sao cho phù hợp của cơ sở giáo dục, mà còn bị phụ thuộc vào... chính sách tiếp thị của nhà xuất bản.

"Về lâu dài, chúng ta cũng nên xem xét cách một số nước áp dụng. Ví dụ sách giáo khoa in bìa cứng đẹp, nhà trường mua và cho học sinh mượn hằng năm với chi phí rẻ hơn mua sách mới. Sách được dùng lại sẽ tránh được lãng phí không cần thiết" - GS Bình nói.

Trong khi đó, nhấn mạnh về lượng sách giáo khoa khổng lồ phát hành mỗi năm, GS Nguyễn Mậu Bành, phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, ví von đơn vị được giao in ấn, phát hành những năm qua luôn "dùng ít nhất đến 70% lượng giấy của toàn bộ ngành xuất bản" và cho rằng trong một thời gian dài, khi áp dụng quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa mà sách lại không được tái sử dụng hằng năm thì thật sự lãng phí.

Theo ông, cần phải rành mạch nội dung sách giáo khoa và sách bài tập, không thể để nội dung làm bài tập chèn trong sách giáo khoa, dẫn đến tình trạng sách dùng một lần rồi... thôi. 

"Thông thường nội dung chương trình sách giáo khoa chiếm đến 9/10, phần bài tập xen vào 1/10, nhưng chỉ vì 1/10 nội dung này mà khiến học sinh viết lên sách, buộc không tái sử dụng được sách này nữa thì không thể chấp nhận được" - GS Bành nói.

Sách giáo khoa: lãng phí ra sao? - Ảnh 5.

Đồ họa: T.ĐẠT

Thư viện trường hết vai trò?

img_1290a 3(read-only)

Sách giáo khoa cũ được gom bán cho một tiệm ve chai ở Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Những cuốn sách cũ được sử dụng đến 5-7 lượt học sinh, cũ kỹ long gáy vẫn được đóng lại để học là câu chuyện thời xa xưa quen thuộc của thế hệ 7X, đầu 8X.

Đó là thời mỗi năm học mới, học sinh thay vì mua sách như bây giờ thì đến thư viện trường để mượn SGK cũ. Nhưng hơn 20 năm trở lại đây, vai trò này của thư viện trường đã gần như chấm dứt. Và cứ như thế, những cuốn sách cũ dùng một năm học là trở thành phế thải.

Nó là "khoảng trống" được tạo ra để đơn vị độc quyền xuất bản sách lên kế hoạch xuất bản mới.

Nhiều bộ sách giáo khoa: không đáng lo Nhiều bộ sách giáo khoa: không đáng lo

TTO - Ông Nguyễn Minh Thuyết đã dành hơn một giờ để trao đổi về những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới đang chờ phê duyệt, dự kiến ban hành vào tháng 10-2018. Nhưng câu hỏi của báo chí lại tập trung khá nhiều vào sách giáo khoa.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên