05/10/2023 16:02 GMT+7

Sáng tạo các mô hình an sinh

Các đơn vị bảo hiểm xã hội ở nhiều địa phương đã xây dựng nhiều mô hình "tiết kiệm an sinh", giúp người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện liên tục để tuổi già an nhàn, có lương hưu và bảo hiểm y tế.

Hội viên phụ nữ tham gia “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” tại tỉnh Long An - Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Hội viên phụ nữ tham gia “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” tại tỉnh Long An - Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Trồng rau, nuôi heo đất tiết kiệm an sinh

Với mô hình "vườn rau an sinh", "tiết kiệm an sinh" của Bảo hiểm xã hội huyện Thạch Hà (Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh), năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện Thạch Hà tăng 3.597 người so với năm 2020, đưa tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện đạt 9,1%, gấp 3,6 lần mục tiêu đề ra.

Tỉ lệ này đưa Thạch Hà trở thành huyện có số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, với gần 7.000 người tham gia (chiếm 13% tổng số người tham gia toàn tỉnh).

Để triển khai mô hình, Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện thành lập câu lạc bộ, tập hợp những người làm vườn có thu nhập từ nguồn bán rau để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, các hội viên cũng vận động, khuyến khích người thân, bạn bè cùng tham gia, giúp số lượng hội viên của câu lạc bộ ngày càng tăng.

Tại huyện Châu Thành, Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An triển khai mô hình "Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình" được nhiều người dân tham gia, hưởng ứng.

Với mô hình này, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… đã thành lập các tổ tại các xã và tặng heo đất, phát động mỗi hội viên tiết kiệm tiền chợ ít nhất 10.000 đồng/ngày để tham gia bảo hiểm xã hội, 3.000 đồng/ngày để tham gia bảo hiểm y tế.

Đến tháng 5-2023, mô hình này đã được nhân rộng tại 13/13 xã, thị trấn với 1.352 thành viên, trong đó 548 thành viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 794 thành viên tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Tổng số tiền hội viên tiết kiệm được để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế là hơn 1 tỉ đồng.

Kết quả này đã đóng góp vào kết quả chung của huyện Châu Thành, tăng diện bao phủ của bảo hiểm y tế lên 96,5% dân số toàn huyện, trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.958 người, đạt 87,1% chỉ tiêu được giao năm 2023.

Nỗ lực nâng cao chất lượng an sinh

Bên cạnh các mô hình hay để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhiều cán bộ, nhân viên các đơn vị bảo hiểm xã hội ở địa phương là nhân tố thu hút, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cải tiến chất lượng các dịch vụ an sinh.

Tham gia Câu lạc bộ Vườn rau an sinh, các hội viên phụ nữ tại xã Tượng Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) ngày càng hiểu rõ hơn về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ đó yên tâm và tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Tham gia Câu lạc bộ Vườn rau an sinh, các hội viên phụ nữ tại xã Tượng Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) ngày càng hiểu rõ hơn về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ đó yên tâm và tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Chị Đinh Thúy Ngà (Bảo hiểm xã hội huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đã vận động 104/341 người tham gia tăng mới của toàn huyện (chiếm 30% tổng toàn huyện) trong năm 2021. Đến năm 2022, chị tiếp tục vận động được 126/475 người tham gia tăng mới (chiếm 26,5% tổng toàn huyện).

Để chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến gần và hấp dẫn hơn với người dân, chị Đỗ Thị Bích Hoa (phòng truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam) đã đề xuất kết hợp tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện trong các buổi biểu diễn sân khấu dân gian "Bài chòi", một loại hình nghệ thuật dân ca đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mỗi buổi biểu diễn đã thu hút 300 - 500 người xem, đặc biệt có buổi thu hút gần cả ngàn người. Đến nay, đã có hơn 8.000 người tiếp cận với thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội nhờ vào hình thức này, góp phần vào kết quả chung của toàn tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã phát triển gần 7.000 người tăng mới, giúp Bảo hiểm xã hội tỉnh này hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ở lĩnh vực chuyển đổi số, anh Nguyễn Quang Thuận (phòng công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình) đã có 2 sáng kiến cấp ngành giúp cho người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có thể đăng nhập ứng dụng VssID tại các cơ sở y tế và xuất trình thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên ứng dụng này, giúp việc đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được nhanh, gọn, tiện lợi.

Đến tháng 5-2023, tỉnh Quảng Bình đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip. Số lượt tra cứu thành công là 219.443 lượt, đứng thứ 4 toàn quốc về tỉ lệ tra cứu thành công.

Quảng Bình cũng trở thành tỉnh triển khai sớm mô hình "Đón tiếp người bệnh đăng ký vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc", tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, góp phần hạn chế, ngăn chặn việc trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Các mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mới từ năm 2022Các mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mới từ năm 2022

TTO - Ngày 3-1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mới của Nhà nước thay đổi từ năm 2022.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên