05/09/2021 10:01 GMT+7

Siêu thị tăng gấp đôi lượng hàng nhưng giao không được

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Khu phố, khu dân cư mua hàng chung theo combo giá rẻ để được giao tận nhà đang được nhiều người lựa chọn. Tuy vậy, việc thiếu nhân sự giao hàng đang khiến nhiều đơn vị cung ứng gặp khó.

Siêu thị tăng gấp đôi lượng hàng nhưng giao không được - Ảnh 1.

Chuỗi hệ thống Co.op Food đưa xe buýt đi giao hàng mua chung tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) - Ảnh: T.T.

Siêu thị tăng bán hàng online theo món riêng lẻ, người dân được lựa chọn sản phẩm, chính quyền tìm mua combo đóng gói sẵn và chỉ hỗ trợ khâu giao hàng… đã được áp dụng nhiều hơn nhằm "chia lửa" với khâu mua chung theo combo đang quá tải. 

Vệc thiếu nhân sự giao hàng đang khiến nhiều đơn vị cung ứng gặp khó.

Dân đặt mua, chính quyền hỗ trợ giao hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-9, bà Nguyễn Thị Ngọc Thương - quản lý kênh thu mua Bách Hóa Xanh - cho biết đơn vị đã giảm từ 9 combo mua chung xuống còn 4 combo tươi sống, thay vào đó sẽ tăng mạnh lượng hàng bán riêng lẻ lên 128 mặt hàng để người dân dễ lựa chọn.

Với phương thức này, nếu được chính quyền hỗ trợ giao hàng, mỗi cửa hàng quy mô lớn có thể giao khoảng 400 đơn đặt mua lẻ/ngày. 

"Siêu thị dễ lựa sản phẩm do khách không được chọn thương hiệu, người dân mua đúng mặt hàng mình cần, chính quyền bớt quá tải do chỉ hỗ trợ giao hàng, còn lại dân tự thanh toán và mua online", bà Thương khẳng định.

Trong khi đó, Vinmart/Vinmart+ cho biết việc kết hợp với Grab thí điểm giao 190 mặt hàng thiết yếu được bán lẻ trên kênh online đã đạt hiệu quả tốt, lượng khách mua qua kênh online đã tăng nhiều. 

"Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác giao hàng mở rộng thêm kênh bán lẻ này để "chia lửa" bớt kênh mua chung theo combo qua chính quyền", đại diện đơn vị này khẳng định.

Tuy vậy, nhiều đơn vị cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu giao hàng bởi nhân lực siêu thị không đủ đi giao, các đối tác giao hàng lại bị quá tải, nhiều nơi không giao được. 

"Việc mua qua combo đang bị quá tải, siêu thị và chính quyền cần làm việc với nhau để tăng cường bán lẻ qua kênh online. Người dân tự đặt mua và thanh toán với siêu thị, chính quyền chỉ cần hỗ trợ giao hàng", đại diện một siêu thị nhận định.

Trong khi đó, đại diện phường 12 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết để hạn chế tình trạng đơn hàng chậm giao cho dân, địa phương đã chủ động tìm thêm nguồn cung bên ngoài, điển hình như đặt mua combo có sẵn từ Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT. 

"Combo có thịt, cá, rau củ và đơn hàng được giao tận nơi, địa phương không cần nhân lực đi soạn đơn như ở siêu thị nên tiết kiệm được nhân lực để hỗ trợ các việc khác", vị này nói.

Không thiếu hàng nhưng giao không được

Nhiều hệ thống siêu thị cho biết đã gia tăng gấp đôi lượng hàng nhập về các kho so với bình thường và sẵn sàng tăng thêm khi thị trường cần. Giá bán tất cả đều ổn định như giá bán lẻ. Tuy nhiên, cái cần hiện nay vẫn là giao hàng, bởi lượng hàng được giao qua shipper của đối tác chỉ 5 - 10% trong tổng đơn hàng.

Hều hết các siêu thị khẳng định nhu cầu mua online đang tăng từng ngày nhưng do nhân lực không đủ, việc giao hàng gặp khó nên chỉ đáp ứng được khoảng 1/6 nhu cầu. Do đó, trang bán hàng online chỉ mở chập chờn để nhận đơn hàng vừa đủ.

Ông Trương Chí Thiện - giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) - cho biết nguồn cung trứng gà và vịt được đơn vị này tập trung cho TP.HCM vẫn ở mức cao với 700.000 - 800.000 quả/ngày, giá bán đến tay khách hàng ổn định từ 28.000 - 33.000 đồng/chục tùy loại nên nguồn hàng khá dồi dào.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM) - cho biết nguồn cung tại đơn vị khá dồi dào, nhưng không thể giao hàng do lực lượng shipper mỏng không đáp ứng được nhu cầu của người mua hàng. 

"Nên tăng cường lực lượng shipper để giúp hoạt động giao hàng tốt hơn. Nếu không, lực lượng đi mua hộ của các địa phương bị quá tải trong khi dân lại thiếu thực phẩm", ông An nói.

Dùng xe buýt đi bán hàng mua chung

Ngày 4-9, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) cho biết chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food vừa đưa vào vận hành hàng loạt xe buýt "Chuyến xe mua chung - Bình ổn giá" để giao hàng cho các đầu mối mua chung, nhằm giảm tải đáng kể cho việc đi chợ giúp dân đang quá tải hiện nay.

Bà Võ Thị Ngọc Hường, chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Co.op Food, cho biết cơ quan chức năng chỉ cần cử đầu mối tổng hợp thông tin và chuyển đơn hàng cho Co.op Food, không cần vừa "tung" lực lượng trực tiếp đi siêu thị mua từng đơn hàng cho người dân, vừa phải tổ chức vận chuyển và tổ chức đưa hàng hóa đến từng hộ dân như hiện nay.

Sau khi nhận được đơn hàng, hệ thống này sẽ soạn và hẹn giao hàng tận nơi, các lực lượng chức năng chỉ cần tổ chức phân phối đến các hộ dân trong khu vực.

Mô hình "xe mua chung" sẽ ưu tiên cho các khu vực có siêu thị, cửa hàng thực phẩm tạm đóng cửa do F0 hoặc chưa có hệ thống phân phối hàng thực phẩm.

"Mô hình này sử dụng hiệu quả tại các chung cư, khu dân cư có quy mô vừa… Thời gian xử lý đơn hàng mua chung tại hệ thống trung bình khoảng 2 ngày", bà Hường thông tin thêm.

T.V.N.

'Đi chợ hộ' đang quá tải

TTO - Nên tạo điều kiện cho người dân mua sắm online, 'đi chợ hộ' qua app, thậm chí xem xét nới lỏng hoạt động mua sắm đối với một số khu vực an toàn, giảm sự phụ thuộc cung ứng thực phẩm từ lực lượng đi chợ hộ của chính quyền.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên