10/10/2020 06:33 GMT+7

Sống chung với sự nhảm nhí khắp nơi như sống chung với ô nhiễm?

THIÊN ĐIỂU thực hiện
THIÊN ĐIỂU thực hiện

TTO - TS Mai Anh Tuấn - một nhà nghiên cứu trẻ có nhiều quan sát sâu sắc về xã hội - nhận định chúng ta đang sống chung với sự nhảm nhí khắp nơi, tựa như sống chung với ô nhiễm không khí, một sự nguy hại nhãn tiền trên diện rộng.

Sống chung với sự nhảm nhí khắp nơi như sống chung với ô nhiễm? - Ảnh 1.

Loạt tin bài trên Tuổi Trẻ Online về các clip nhảm nhí, phản cảm gần đây

Một bối cảnh truyền thông, mạng xã hội mà xuất hiện quá nhiều sản phẩm nhảm nhí thì chứng tỏ các sản phẩm có chất lượng, hàm lượng văn hóa cao chưa phát huy hết sức mạnh của mình. Vế thứ hai của vấn đề nan giải này, theo tôi, mới thực sự cần nhìn nhận thấu đáo hơn.
TS MAI ANH TUẤN

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với TS Mai Anh Tuấn nhân việc Thủ tướng vừa có văn bản chỉ đạo các bộ ngành liên quan cần xử lý nghiêm những trường hợp đăng tải video nhảm nhí đang tác động xấu tới giới trẻ.

* Có vẻ như hiện tượng hài nhảm trên không gian mạng đang khá nhức nhối trong xã hội hiện nay, thưa anh?

- Dĩ nhiên không gian mạng là nơi thấy rõ nhất thực trạng "chợ vỡ" của các sản phẩm video nhảm nhí, vô bổ.

Nhưng tôi e rằng sự nhảm nhí đang lây lan sang cả nhiều chương trình truyền hình, nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật kiểu tạp kỹ, nhiều sự kiện mang danh văn hóa, nhiều hoạt động "chém gió" mượn tiếng chia sẻ tri thức.

Nhảm nhí lên ngôi ngay trong trường học khi rất nhiều học sinh sùng bái Khá "bảnh", chễm chệ trong nhiều gia đình khi cả nhà cùng xem giang hồ mạng đóng phim, còn những giang hồ trong phim thì lớn tiếng dạy đời, dạy người.

Tôi nghĩ chúng ta đang sống chung với sự nhảm nhí khắp nơi, tựa như sống chung với ô nhiễm không khí.

* Theo anh, khi giải trí nhảm nhí trở thành xu hướng lớn trong văn hóa đại chúng như hiện nay, nó gây hại ra sao cho sự phát triển của xã hội?

- Mức độ nhảm nhí, vô nghĩa nhưng lại hút người xem của các video này đang cho thấy tính chất tréo ngoe của văn hóa đại chúng trong thời đại bùng nổ phương tiện truyền thông số.

Trước hết, chúng rất vừa khẩu vị của một bộ phận khán giả chỉ cắm cúi vào những trò bông phèng, tào lao đội lốt "độc, lạ" mà ít khi có năng lực, nhu cầu giật mình tìm kiếm những giá trị giải trí khác.

Đành rằng xem gì là quyền cá nhân, song một khi dễ bị kích thích bởi những sản phẩm quá xoàng xĩnh thì chúng ta ngờ rằng thị hiếu tiêu dùng đó đang chịu sự điều khiển bởi một nhận thức sai lệch, ấu trĩ.

Về bản chất, giải trí không phải là tầm thường hay cùn mòn hóa sức nghĩ, sức cảm mà là sự tái tạo các năng lượng tích cực cho trí tuệ, tâm hồn. Vì thế, nếu tiếp tục mất kiểm soát mà "cắm đầu" vào các video, thậm chí là các show truyền hình nhảm nhí, tự khán giả đã loại bỏ quyền được tiếp cận sản phẩm văn hóa có chất lượng hơn.

Trong khi đó, chủ nhân của các video, các kênh YouTube nhảm nhí lại biết cách giữ xung quanh mình một lượng lớn "thiêu thân" không thèm phân biệt hay dở. Lợi nhuận và cả danh tiếng từ việc làm các video giải trí đã khiến nhiều người quay cuồng trong chiêu trò chiếm lĩnh thị phần khán giả, bất chấp điều tiếng.

Cho dù các kênh YouTube này, theo đà tiến của truyền thông hiện đại, sẽ sớm nở tối tàn nhưng giai đoạn mà chúng mọc lên như nấm sau mưa vẫn đang kéo dài tại Việt Nam, nơi người dùng mạng xã hội tăng lên từng ngày.

Thực tế cho thấy tâm lý, tính cách chuộng cái mới hết sức hời hợt, cuống cuồng và thiếu phản tỉnh chưa bao giờ biến mất trong cấu trúc văn hóa Việt.

Một bối cảnh truyền thông, mạng xã hội mà xuất hiện quá nhiều sản phẩm nhảm nhí thì chứng tỏ các sản phẩm có chất lượng, hàm lượng văn hóa cao chưa phát huy hết sức mạnh của mình. Vế thứ hai của vấn đề nan giải này, theo tôi, mới thực sự cần nhìn nhận thấu đáo hơn.

* Ngoài những giải pháp trừng phạt mạnh mẽ từ cơ quan quản lý, theo anh cần giải quyết cái gốc của hiện tượng tràn lan video có nội dung nhảm nhí trên mạng xã hội như thế nào?

- Tuy có vẻ sách vở nhưng tôi nghĩ rằng khai dân trí vẫn là một công việc cần kíp, lâu dài và vì thế sẽ có hiệu quả nhất định. Hiểu biết và có năng lực thẩm mỹ riêng, xét đến cùng, có thể làm tấm barie tạm thời để ngăn sự xâm nhập của các sản phẩm giải trí nhảm nhí.

Gia đình, trường học và các không gian văn hóa trong xã hội sẽ đóng vai "tiền tuyến lớn" xây dựng, trang bị cho con em một nền tảng kiến thức sáng suốt để phân biệt, thẩm thấu được điều hay lẽ đúng trong mỗi sản phẩm giải trí và rộng ra là trong đời sống văn hóa biến đổi không ngừng như hiện nay.

Phan Thanh Giản (CEO dịch vụ truyền hình ClipTV):

Tạo cho người dùng khả năng "miễn nhiễm" với các nội dung độc hại

Các mạng xã hội vận hành dựa trên lợi nhuận nên hệ thống công nghệ được thiết kế để "đề xuất" cho người dùng xem càng nhiều nội dung càng tốt, bất chấp nội dung đó là gì.

Một thống kê cho thấy tin tức sai sự thật, giật gân... thường thu hút lượt xem gấp đến 6 lần so với thông tin thật. Dựa trên hành vi này, các trang mạng xã hội luôn tìm mọi cách gợi ý và phát tán nhiều hơn các video có khả năng "câu view" tốt.

Cũng chính vì điều đó, đông đảo cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn cách kiếm tiền thông qua các dạng video nêu trên.

Do đó, quan điểm cá nhân tôi cho rằng biện pháp ngăn chặn triệt để thực ra là rất khó. Việc có thể làm là giáo dục và tuyên truyền cho người dùng để từng bước nâng cao nhận thức của họ, tạo cho họ khả năng "miễn nhiễm" với các nội dung độc hại trên mạng.

Theo tôi, cơ quan quản lý có thể đề xuất, góp ý và xử phạt đối với các mạng xã hội nếu không kiểm duyệt nội dung độc hại. Chúng ta phải làm quyết liệt và mạnh mẽ vấn đề này.

Trần Viết Quân (giám đốc Công ty ứng dụng di động Xanh):

Cần chế tài mạnh tay

Để hạn chế những thông tin nhảm nhí, giật gân, chúng ta cần làm đồng bộ các giải pháp từ nền tảng phát hành, nhà sản xuất nội dung và từ cơ quan quản lý.

Cơ quan quản lý cần có các cơ chế cảnh báo theo thời gian thực đối với những nền tảng như Facebook, YouTube hoặc cơ chế quét tự động hoặc quét và lọc lại.

Chúng ta cũng nên có website để người dùng có thể dễ dàng báo cáo các đường dẫn đến những video nhảm nhí, số lượng người báo cáo/đường dẫn. Từ đó có cơ sở làm việc với các nền tảng xuyên biên giới.

Ngoài ra, các cơ chế cảnh báo đến những người sản xuất nội dung cũng cần linh động hơn thay vì chờ đợi từ cơ quan báo chí hay cộng đồng mạng phản ánh. Nếu có các chế tài xử lý mạnh tay, tôi nghĩ số lượng đội, nhóm xây dựng nội dung phản cảm sẽ giảm xuống.

ĐỨC THIỆN ghi

Kênh YouTube chơi khăm của Hưng Vlog biến mất sau hai án phạt Kênh YouTube chơi khăm của Hưng Vlog biến mất sau hai án phạt

TTO - Hưng Troll, kênh phụ chuyên đăng video chơi chăm (troll) của Hưng Vlog, biến mất trên YouTube sau hai lần bị phạt vì video nhảm nhí.

THIÊN ĐIỂU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên