04/01/2018 19:43 GMT+7

Sống thoải mái nhưng lại thích làm phim bạo lực, trầm cảm?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - 'Giới trẻ bây giờ có đời sống sung túc hơn, tại sao họ lại làm phim u ám thế?' Đã có không ít lời phàn nàn như vậy.

Tại sao thế hệ trẻ ngày nay sung sướng hơn mà phim lại u ám đến vậy. Nhiều người trẻ còn có xu hướng khai thác các yếu tố tình dục, tâm thần, nhân vật thì cô đơn, trầm cảm, dễ tự sát. Màu u tối này thường xuất hiện trong khu vực phim độc lập, những trung tâm đào tạo điện ảnh, nơi các bạn trẻ được thử nghiệm với đủ thể loại phim.

Người viết

Cuối tháng 11-2017, trong hội thảo tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, một nhà làm phim chia sẻ chị không hiểu tại sao có những thanh niên sinh trưởng trong gia đình rất hạnh phúc nhưng làm phim như thể vừa trải qua một cú sốc lớn về tinh thần.

Nhiều đạo diễn gạo cội khác cũng đặt câu hỏi, thế hệ của họ sinh ra trong chiến tranh, dù cuộc sống gian khổ thế nào, phim của họ vẫn tràn đầy nhiệt huyết, lý tưởng, ít nhiều giữ được màu tươi sáng.

Sống thoải mái nhưng lại thích làm phim bạo lực, trầm cảm? - Ảnh 2.

Phim "Cuộc gọi" phản ánh đời sống vật vờ, vô nghĩa của một cậu trai mê game - Ảnh: ĐPCC

Người trẻ thích làm phim về bạo lực, tâm thần

Trong năm 2015, không chỉ điện ảnh, truyền hình rộ phong trào làm phim có yếu tố bạo lực và xã hội đen, mà xu hướng này lan ra cả các trung tâm đào tạo điện ảnh.

Sau xong khi xem buổi chiếu phim cuối kỳ môn sản xuất phim, ngành Quản trị Công nghệ truyền thông (Đại học Hoa Sen, thành phố Hồ Chí Minh), nhà báo Lê Hồng Lâm đã rất bất ngờ vì trong số 10 bộ phim ngắn, có phân nửa phim có yếu tố bạo lực, nhân vật có vấn đề về tâm thần, có xu hướng hành hạ, tra tấn người khác…

Sống thoải mái nhưng lại thích làm phim bạo lực, trầm cảm? - Ảnh 3.

"Cảm xúc" một thử nghiệm của sinh viên với phim có yếu tố tâm thần, bạo lực. Phim tham dự Liên hoan phim Ong vàng 2015 - Ảnh: ĐPCC

Lê Hồng Lâm cho biết những năm sau thầy cô hướng các bạn sinh viên theo những đề tài gần gũi với cuộc sống, với lứa tuổi sinh viên thì lại xuất hiện nhiều phim "ngôn tình" hơn, "Không hiểu sao cứ các bạn trẻ cứ đi từ thái cực này đến thái cực khác như vậy".

Cũng trong năm 2015, một nhóm bạn trẻ đã làm phim về vụ thảm sát ở Bình Dương. Ngoài việc dựng lại vụ án, nhóm còn đặt tên cho nhân vật bằng tên thật của các nạn nhân. Nhóm này sau đó đã bị công an triệu tập.

Chúng tôi đã từng trao đổi với nhà làm phim độc lập Nguyễn Hoàng Điệp về vấn đề này. Hoàng Điệp cho biết khi làm giám khảo ở một số liên hoan phim khu vực, chị nhận thấy có khoảng 70% phim đề cập đến yếu tố tâm thần, đa nhân cách, giết người...

Ông Hoàng Phương (Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh, Hà Nội) cũng cho biết, có thời gian 70-80% học viên của trung tâm nộp kịch bản có yếu tố kinh dị, bạo lực, máu me…

Những bộ phim u ám

Không chỉ theo đuổi phim có yếu tố bạo lực, tâm thần nhiều người trẻ còn chuộng theo đuổi phong cách phim tác giả bằng một lối làm phim độc lập.

Những bộ phim độc lập nổi bật: Bi, đừng sợ!, Cha con và… (Phan Đăng Di); Chơi vơi (Bùi Thạc Chuyên); Đập cánh giữa không trung (Nguyễn Hoàng Điệp); Đó hay đây?, Homostratus (Síu Phạm)

Sau này có các nhà làm phim trẻ nối gót với các bộ phim ngắn mang màu sắc tương tự Đóng vào mở ra (Quốc Trung), Một thành phố khác (Phạm Ngọc Lân), Mùi (Lê Bảo), Thành phố những tấm gương (Trương Minh Quý)…

Phim độc lập manh nha ở Việt Nam đầu những năm 2000 và mười năm sau mới xác lập vị trí tại Việt Nam. 

Các nhà làm phim độc lập thường theo đuổi dòng phim tác giả - dòng phim mang tính cá nhân rất cao. Đạo diễn làm phim để thể hiện những suy tư về đời sống thay vì phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả.

Phần lớn những bộ phim tác giả ở Việt Nam mô tả cuộc sống bế tắc của con người Việt Nam đương đại, chật vật tồn tại trong những đô thị phát triển dang dở.

Những trung tâm như Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh hay Doclab là nơi sản sinh ra những bộ phim như vậy.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh mới đây có những phim như Cá dọn bể (Chu Ánh Nguyệt), Muộn (Hồ Thanh Thảo) thấm đẫm tâm trạng sầu muộn

Với Doclab, một trung tâm phim tài liệu thử nghiệm, thì phim còn giàu tính cá nhân và đậm tính suy tưởng hơn.

"Nhiều sinh viên đưa ra những kịch bản vô cùng kì dị. Nhân vật của họ thường cô đơn, trầm cảm, có xu hướng tự sát... Tôi cũng thấy lạ vì sinh viên bây giờ sáng 10 giờ mới dậy, đi học bằng xe SH, xài Iphone 8, không hiểu họ ức chế vì điều gì?

Ở lứa tuổi này tại sao các bạn lại nhìn đời u ám đến thế? Cuộc sống u ám thật, nhưng có đến mức như các bạn cảm nhận hay không, hay các bạn đang u ám thay cho người khác?

Đạo diễn Nguyễn Khải Hưng

Sống thoải mái nhưng lại thích làm phim bạo lực, trầm cảm? - Ảnh 6.

Phim "Cá dọn bể" thể hiện tâm trạng buồn bã của một cô gái trẻ. Toàn bộ phim là cảnh cô gái đi lại vật vờ, lau dọn nhà tắm - Ảnh: ĐPCC

Liên hoan phim tài liệu thử nghiệm 2014 của Doclab đã cho thấy nhiều phim thể hiện suy tư sâu sắc của nhà làm phim trẻ. Tuy nhiên, khi xem tổng thể cả liên hoan, dễ nhận thấy không khí trầm buồn, u ám bao trùm.

Trailer Liên hoan tài liệu thử nghiệm 2014

Phần lớn các tác giả chìm đắm vào cảm xúc buồn bã cá nhân (Hôm qua, hôm nay, ngày mai - Quỳnh Anh), về những hồi ức đau buồn (Hồ sơ 1953 - Nguyễn Thủy Tiên), những trăn trở về đời sống gia đình trong đô thị hiện đại (Phim số 1 - Tạ Minh Đức).

"Xu hướng u ám" còn lan cả vào các trung tâm đào tạo chính quy. 

Gần đây, chúng tôi được xem 15 phim ngắn tốt nghiệp của lớp quay phim trường Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Đa phần các bạn trẻ chọn phản ánh vấn nạn thời đại: mất kết nối do con người quá lệ thuộc vào smart phone.

Rất ít phim thể hiện cảm xúc trong sáng của sinh viên (nếu có lại là phim kém), quá ít phim có chất hài hước, chủ yếu là màu phim u ám, thể hiện cái nhìn đầy bi quan về xã hội.

Sau đó trường có tổ chức cuộc thi Tài năng Sinh viên vào tháng 12-2017 và chọn ra bảy phim tốt nhất. Xem bảy bộ phim, dễ nhận thấy tất cả đều mang tâm trạng u ám.

Sống thoải mái nhưng lại thích làm phim bạo lực, trầm cảm? - Ảnh 8.

Trong đó phim đoạt giải Nhất "Ting" (Trương Trọng Tấn) có nhân vật chính vì quá ám ảnh với tiếng ting ting của điện thoại di động đã tự kết liễu đời mình. Đây là bộ phim được làm tốt nhất trong cuộc thi Tài năng sinh viên - Ảnh: ĐPCC

Sống thoải mái nhưng lại thích làm phim bạo lực, trầm cảm? - Ảnh 9.

Phim đoạt giải Nhì "Vùng đệm (Đào Thu Uyên) mang đậm màu sắc phim độc lập phản ánh cuộc sống vật vờ, buồn chán của những người công nhân trong các công trường lớn ở thành phố.- Ảnh: ĐPCC

Sống thoải mái nhưng lại thích làm phim bạo lực, trầm cảm? - Ảnh 10.

Phim đoạt giải Ba "Kết nối" (Cao Việt Hoài Sơn) thể hiện tâm trạng buồn bã, u uất của một cô gái trẻ thất vọng vì chuyện gia đình - Ảnh: ĐPCC

Tất nhiên mỗi khuynh hướng sáng tác của các nhà làm phim độc lập theo đuổi khuynh hướng tác giả cần được tôn trọng. Mỗi nhà làm phim đều có quyền biểu đạt cảm quan của họ về đời sống. 

Một bộ phim u ám vẫn có thể là một bộ phim hay. Tuy nhiên, khi nhiều người trẻ cùng biểu đạt chung cảm thức u ám về đời sống qua phim ảnh, thì có lẽ cần thiết phải tìm hiểu vì sao.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm phim chuyên nghiệp đặt câu hỏi về cách làm phim của giới trẻ.

Vậy, người trẻ làm phim u ám do họ bị hiện thực xã hội tác động? Hay họ chạy đuổi theo "mốt" phim u tối để thể hiện bản thân? Hay đó đơn thuần là "mánh lới" để họ thu hút các quỹ văn hóa nước ngoài?

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên