10/01/2022 20:57 GMT+7

Sử dụng 2 đoạn phim không xin phép, Phong Phú Sắc Việt thua kiện 10 triệu đồng

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Mới đây, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hoàng Lê Vi (ngụ quận Bình Thạnh) và bị đơn là Công ty CP Phong Phú Sắc Việt (POPS, trụ sở tại quận 10).

Sử dụng 2 đoạn phim không xin phép, Phong Phú Sắc Việt thua kiện 10 triệu đồng - Ảnh 1.

Tác phẩm "Flycame Tây Ninh quê tôi" của ông Lê Vi đăng trên YouTube - Ảnh: T.M.

Theo nội dung vụ án, ngày 18-2-2017, ông Vi phát hiện phim ca nhạc Người con Tây Ninh được xuất bản bởi Công ty Phong Phú Sắc Việt sử dụng trái phép hai đoạn phim của ông trong tác phẩm Flycam Tây Ninh quê tôi.

Ngày 27-2-2017, ông Vi gửi văn bản thông báo Công ty Phong Phú Sắc Việt yêu cầu giải quyết vụ việc. Sau đó giữa hai bên có trao đổi email qua lại nhưng không giải quyết được vấn đề.

Ông Vi cho rằng việc Công ty Phong Phú Sắc Việt sử dụng một số hình ảnh trong tác phẩm Flycam Tây Ninh quê tôi của ông trong phim ca nhạc Người con Tây Ninh là vi phạm quyền tác giả nên khởi kiện, đề nghị tòa án buộc Công ty Phong Phú Sắc Việt xin lỗi, thông báo công khai về hành vi vi phạm của mình và xóa bỏ tất cả những tác phẩm vi phạm quyền tác giả tại các kênh kinh doanh phân phối của công ty và đối tác, bồi thường thiệt hại do quyền tác giả bị xâm phạm là 100 triệu đồng.

Tại phiên tòa, Công ty Phong Phú Sắc Việt cho rằng công ty này không phải là chủ sở hữu, cũng như không phải là đơn vị sản xuất, xuất bản phim ca nhạc Người con Tây Ninh, mà chủ sở hữu cũng như chịu trách nhiệm về ghi hình, thu âm những sản phẩm cũng như tác quyền của sản phẩm là ông Ngụy Sển. 

Công ty chỉ là đơn vị được ông Ngụy Sển chuyển giao quyền phân phối trực tuyến theo hợp đồng hợp tác. Do đó công ty không có hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả cũng như không có nghĩa vụ nào đối với ông Lê Vi.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Vi, buộc Công ty Phong Phú Sắc Việt thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư là 10 triệu đồng. Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận yêu cầu buộc Công ty Phong Phú Sắc Việt xin lỗi công khai trên báo Tuổi Trẻ 3 kỳ liên tiếp và không chấp nhận yêu cầu buộc Công ty Phong Phú Sắc Việt phải bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần 25 triệu đồng.

Sau đó, Công ty Phong Phú Sắc Việt kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm hủy bỏ phần nội dung buộc bị đơn thanh toán 10 triệu đồng tiền chi phí thuê luật sư của nguyên đơn.

HĐXX phúc thẩm cho rằng Công ty Phong Phú Sắc Việt đã sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong tác phẩm Flycam Tây Ninh quê tôi của ông Lê Vi mà không được sự cho phép của ông là vi phạm bản quyền theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2008 nên tòa sơ thẩm buộc bị đơn bồi thường 10 triệu đồng chi phí luật sư là có căn cứ. Từ đó HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

Bản quyền ca khúc: Bức xúc do nhầm lẫn? Bản quyền ca khúc: Bức xúc do nhầm lẫn?

TTO - Nhạc sĩ Giáng Son đang bức xúc chuyện mình bị "đánh bản quyền" với ca khúc Giấc mơ trưa mà rõ ràng chị là tác giả. Dư luận nghe qua đều rất bức xúc thay nữ nhạc sĩ. Song, các luật sư cho rằng Giáng Son đang hiểu nhầm.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên