19/11/2005 19:35 GMT+7

Sự lừa dối lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam

X.H - K.H
X.H - K.H

TTCN - “Sự kiện vịnh Bắc bộ” tháng 8-1964 lại được đưa trở lại trên báo chí quốc tế qua các bài viết đăng trên báo The New York Times (3-11-2005), báo The International Herald Tribune (Pháp), báo Daily Mail (Anh)...

7dfZXHLn.jpgPhóng to
Trận đụng độ vịnh Bắc bộ
TTCN - “Sự kiện vịnh Bắc bộ” tháng 8-1964 lại được đưa trở lại trên báo chí quốc tế qua các bài viết đăng trên báo The New York Times (3-11-2005), báo The International Herald Tribune (Pháp), báo DailyMail (Anh)...

Các báo này đã trích lời nhiều nhà sử học cho biết Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã ngụy tạo bằng chứng để tạo ấn tượng rằng Bắc VN đã tấn công tàu USS Maddox lần hai ngày 4-8-1964. Việc làm này là “cố ý lọc và tạo ra một tài liệu sai” để “đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến đẫm máu kéo dài tới 10 năm”. Qua việc chính phủ Johnson dùng sự việc này làm bằng chứng thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết về vịnh Bắc bộ ngày 7-8-1964, cho phép Tổng thống Johnson mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.

Sự lừa dối quốc hội và dư luận Mỹ đã được vén màn như thế nào? “Một sự che đậy khác về VN” như tựa của The New York Times là gì?

Sự dối trá được che đậy

"Trong công việc mới của mình, hằng ngày tôi phải đọc các bản dịch mật mã, nghiên cứu các bức điện, các báo cáo, tham gia các buổi thảo luận ở Lầu Năm Góc và thấy rằng mọi điều người ta nói với công chúng và quốc hội đều là những lời nói dối".

Năm 2001, nhà sử học Mỹ Robert J. Hanyok thuộc Tàng thư về an ninh quốc gia của Đại học George Washington sau nhiều tháng lục tìm trong kho lưu trữ của chính NSA, đã phát hiện ra những “sự thật chết người” bị giấu nhẹm suốt 37 năm qua về sự kiện vịnh Bắc bộ.

Hanyok đã công bố các phát biểu của mình trong bài viết có tựa đề “Người dũng cảm trong bóng tối” (Spartans in darkness), đăng trong tạp chí nội bộ năm 2001, rằng những hoạt động thông tin liên lạc của Bắc VN mà NSA nghe trộm được qua các trạm đặt ở Phú Bài, Huế và San Miguel, Philippines đã bị các nhân viên NSA bóp méo, ngụy tạo khiến Chính phủ Mỹ hiểu rằng hai tàu khu trục Mỹ bị Bắc VN tấn công hôm 4-8-1964 và đã ra lệnh trả đũa ngay lập tức vào ngày hôm sau 5-8-1964.

Khi phát hiện ra dịch sai, các nhân viên đó đã không sửa (hay là cố tình không sửa theo lệnh cấp trên!?) mà lại giấu đi, ngụy tạo một tài liệu khác trình cấp trên về những bằng chứng của một cuộc tiến công không có thật.

Từ năm 2002, ông Hanyok và một số sử gia khác đã yêu cầu chính quyền công bố rộng rãi vấn đề này nhưng không được chấp nhận vì thời điểm nổ ra cuộc chiến Iraq đã gần kề, nếu công bố sai lầm của Mỹ thời chiến tranh VN sẽ khiến nhiều người so sánh và phản đối cuộc chiến ở Iraq.

Cuối tháng 10-2005 vừa qua, một sử gia độc lập tên Marthew M. Aid đã cung cấp cho tờ The New York Times những phát hiện của Hanyok, sau khi trao đổi với các quan chức đương nhiệm cũng như đã về hưu của NSA và CIA, với lý do “tài liệu này có liên quan đến những cuộc tranh luận mà chúng ta, với tư cách người Mỹ, thường có về cuộc chiến Iraq và việc cải cách tình báo. Giữ kín tài liệu này chỉ vì chúng làm ngành an ninh mất mặt là sai lầm”.

Sự dối trá bị lật tẩy

Năm 2002, Daniel Ellsberg - người đã công bố tài liệu mật Lầu Năm Góc - đã xuất bản cuốn sách nhan đề: “Những điều bí mật. Hồi tưởng về Việt Nam và tài liệu mật Lầu Năm Góc” (Secrets. A memoir of Vietnam anh the Pentagon papers)”. Ellsberg đã dành cả chương 1 của phần 1 nói về sự kiện vịnh Bắc bộ (The Tonkin gulf: August 1964), trong đó bằng những chứng cứ thu thập được, vạch trần sự dối trá của chính quyền về chiến tranh VN nói chung, về sự kiện vịnh Bắc bộ nói riêng.

Là người trực tiếp tham gia vụ việc, D. Ellsberg nhận xét: “Vào nửa đêm ngày 4 hoặc trong vòng 1-2 ngày sau đó, tôi nhận ra rằng mỗi lời biện hộ (trong họp báo của Johnson và McNamara - NV) đều sai sự thật”.

D. Ellsberg đã đưa ra các luận cứ để vạch rõ sự vô lý trong việc biện hộ cuộc tấn công trả đũa của Mỹ, theo chính những cáo buộc mà chính quyền Mỹ đưa ra đối với Bắc VN, rằng hải quân Bắc VN đã vô cớ tấn công hải quân Mỹ trong hải phận quốc tế. D. Ellsberg viết:

“Trong thông báo đầu tiên của tổng thống và trong những phát biểu chính thức sau đó đều ám chỉ rằng cuộc tấn công ngày 4-8 vào các tàu của chúng ta là lý do của các cuộc không kích trả đũa. Không có sự phản đối chính thức nào từ phía quốc hội, công chúng cả trong tư duy của những viên chỉ huy hải quân từng trải và các nhà phân tích tình báo vào thời điểm chúng ta trả đũa, nhưng sớm hay muộn thì sự nghi ngờ vẫn đeo bám chặt lấy mỗi mẩu bằng chứng cho rằng đã có cuộc tấn công xảy ra ngày 4-8.

Tuần thám thường ngày trong hải phận quốc tế? Hai tàu khu trục đang làm nhiệm vụ tình báo mang mật danh “Chiến dịch tuần thám Desoto” đã thâm nhập bên trong, nơi mà Bắc VN coi là hải phận của họ. Chúng tôi khẳng định rằng Bắc VN đã tuyên bố hải phận của họ giống như các quốc gia cộng sản khác, 12 dặm tính từ bờ biển và từ các hòn đảo của họ.

Mỹ đã không thừa nhận một cách chính thức ranh giới mở rộng này, nhưng dù sao các tàu hải quân Mỹ cũng đã được chỉ thị rõ ràng là phải giữ khoảng cách ít nhất 15 dặm tính từ các hòn đảo hoặc đất liền của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước sự kiện ngày 2-8, tàu Maddox đã thường xuyên chỉ ở khoảng cách 8 dặm tính từ đất liền của Bắc VN và 4 dặm tính từ các hòn đảo của họ (trong khi đó, Herrick báo cáo về Lầu Năm Góc ngày 2-8 là tàu Maddox khi bị tấn công đang ở cách bờ biển Bắc VN 28 dặm và ngày 4-8 là 60 dặm - NV).

Mục đích của hành động này chứng tỏ chúng ta không chỉ nhằm bác bỏ những tuyên bố về ranh giới của Bắc VN, mà còn cố ý khiêu khích để họ sử dụng các rađa phòng thủ bờ biển để các tàu của chúng ta có thể đánh dấu được các khu vực phòng thủ của họ và chuẩn bị cho các cuộc tấn công trên không, trên biển.

Bởi thế, hoàn toàn đúng khi nói cuộc tấn công ngày 2-8 xảy ra ở khoảng cách 28 dặm ngoài khơi, nhưng do có lời cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra khi tàu Maddox chỉ cách bờ biển Bắc VN có 10 dặm nên đã khiến thuyền trưởng phải thay đổi hải trình và quay đầu chạy ra biển, để lại phía sau là các tàu phóng ngư lôi đang bám đuổi theo.

Vô cớ? Hà Nội tuyên bố rằng các lực lượng bù nhìn của Mỹ đã nã pháo vào hai hòn đảo của họ, hòn Mê và hòn Niêu, vào đêm 30 và 31-7. Trong các tuyên bố công khai, Bộ Ngoại giao (Mỹ) đã phủ nhận thông tin về một cuộc pháo kích như thế cũng như McNamara đã phủ nhận trong các cuộc họp báo ngày 4 và 5-8.

Trong cuộc gặp bí mật với các ủy ban của quốc hội hai ngày sau đó, ngoại trưởng Dean Rusk và McNamara đã thừa nhận có các cuộc tấn công nói trên, nhưng vẫn cho rằng chuyện đó thật sự không thể coi là những khiêu khích của Mỹ mà chỉ là ý định khơi mào các cuộc phản công của Bắc VN vì đó hoàn toàn là các hoạt động của “người Nam VN”, do hải quân Nam VN tiến hành nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của miền Bắc.

Nước Mỹ đã ủng hộ chính quyền Nam VN và chỉ có sự hiểu biết chung chung về chính quyền này và hành động của họ, Rusk tuyên bố rằng có rất ít thông tin về vấn đề này ở Washington. Chúng không có mối liên hệ nào tới các đội tàu khu trục tuần tra của chúng ta, không có sự phối hợp nào và thực tế chỉ huy các tàu khu trục đều không biết gì về các hoạt động đó.

Điều đó chỉ rõ rằng trong bất cứ trường hợp nào cũng đều không có cuộc bắn phá nào như vậy đã diễn ra, liên quan đến hoàn cảnh của cuộc tấn công thứ hai hoặc cuộc pháo kích từ ngày 31-7. Nghị quyết mà quốc hội được đề nghị phải thông qua trong một thời gian nhanh nhất có thể được và dường như không có sự phản bác lại, chẳng khác gì là một cử chỉ ủng hộ cho hành động của tổng thống, để chứng tỏ sự đoàn kết, nhất trí cho Hà Nội thấy và nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai vào các lực lượng của chúng ta. Các lập luận này đều không đúng”.

D. Ellsberg viết tiếp: “Trong công việc mới của mình, hằng ngày tôi phải đọc các bản dịch mật mã, nghiên cứu các bức điện, các báo cáo, tham gia các buổi thảo luận ở Lầu Năm Góc và thấy rằng mọi điều người ta nói với công chúng và quốc hội đều là những lời nói dối.

Trong nhiều ngày, tôi biết rằng chỉ huy của các tàu khu trục không chỉ biết về các cuộc pháo kích bí mật mà còn yêu cầu đội tuần thám rút về hoặc kết thúc sau đợt tấn công thứ nhất vào ngày 2-8 vì họ đang chờ đợi các cuộc tấn công trả đũa. Yêu cầu của ông ta bị từ chối. Hơn nữa, tôi còn biết không hề có hoạt động nào của quân đội Nam VN, kể cả các hoạt động chung.

Chúng hoàn toàn là các hoạt động của Mỹ với kế hoạch mang mật danh 34A. Các hoạt động chống thâm nhập của quân đội Nam VN mà McNamara mô tả chi tiết với quốc hội hoàn toàn khác với những gì ông ta biết. Hà Nội cho biết trong các cuộc bắn phá chống lại Bắc VN, Mỹ đã sử dụng các tàu tuần tra tốc độ nhanh như Nasty (CIA mua từ Na Uy), thuê các thủy thủ và kiểm soát mọi hoạt động của kế hoạch...

Mặc dù sử dụng nhân viên người nước ngoài để tỏ ra ít bị dính líu hơn nếu bị bắt, nhưng kế hoạch 34A thật sự là các hoạt động của Mỹ, cũng giống như cuộc tuần tra Desoto của các tàu khu trục thuộc hải quân Mỹ. Hơn nữa, người Bắc VN đã không lầm khi cho rằng hai dạng hoạt động của Mỹ đã được phối hợp ở các mức độ khác nhau.

Một mặt, những nhiệm vụ của Desoto trong một khu vực đặc biệt đã được xác định là nhằm đánh dấu các điểm bố trí rađa bờ biển của đối phương và ngăn chặn thông tin, mặt khác kế hoạch 34A sẽ căn cứ vào đó để tăng cường bắn phá làm tê liệt hệ thống phòng thủ bờ biển của Bắc VN.

Dường như Washington đã biết về việc này, dựa trên những mô tả chi tiết của các hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước, các quan chức cao cấp đã đọc và đã im lặng trước các kế hoạch đó. Tôi sớm biết được điều này vì vào cuối tháng đó tôi làm nhiệm vụ của người đưa tin tại Washington, chuyển các kế hoạch tối mật này tới các quan chức cao cấp để lấy chữ ký. Họ gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus Vance, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao L. Thompson và cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy ở Nhà Trắng.

Họ đều nằm trong số các thành viên của Ủy ban 303, đã giám sát và tán thành tất cả các hoạt động bí mật của tổng thống. Trong khi họ đọc các tài liệu, tôi ngồi trong văn phòng của họ cùng với một viên đại tá làm việc ở bộ phận tổ chức các hoạt động bí mật thuộc Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS), người đầu tiên đã đưa tôi các hồ sơ này.

Sự trái ngược giữa những điều mà các thượng nghị sĩ được nghe từ các thư ký trong buổi họp chung bí mật của Ủy ban đối ngoại và Ủy ban quân lực thượng viện, với những tài liệu mà tôi đã đọc, và những điều mà tôi mới được biết trong tuần đầu tiên khi làm nhân viên văn phòng ở Lầu Năm Góc, đang rất thú vị và hấp dẫn. Người ta đang thúc ép thượng nghị sĩ Frank Church phải thừa nhận:

“Chính phủ của chúng ta đã cung cấp các tàu thuyền này cho Nam VN” mà không hề biết chúng sẽ được sử dụng vào các cuộc tấn công Bắc VN. Ngoại trưởng Rush thì nói: “Theo nghĩa rộng hơn thì là như thế, nhưng căn cứ vào bất kỳ chi tiết đặc biệt nào có liên quan thì chúng ta đã không theo đuổi vụ việc này ngay từ Washington”. Trái ngược với sự phủ nhận này, tôi biết rất rõ rằng chi tiết cụ thể của các hoạt động này đều đã được các nhà chức trách cao nhất ở Washington, cả quân sự và dân sự biết đến và tán thành...”.

Trong hồi ký của mình, sau khi trình bày các hoạt động ngoại giao thông qua một nhân vật trung gian với người Canada tên Blair Seaborn), một thành viên của Ủy ban điều tra quốc tế (ICC), với Hà Nội 18-6-1964, tác giả Ellberg cho biết thông điệp mà Johnson gửi đi là: “Sự kiên nhẫn của quan chức và công chúng Mỹ đối với sự khiêu khích của Bắc VN đang dần suy giảm”. Và “nếu cuộc xung đột (ở miền Nam VN) vẫn tiếp tục gia tăng thì tất nhiên chính Bắc VN sẽ phải gánh chịu hậu quả to lớn”.

Vì thế, Ellberg đã cho biết: “Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân được chỉ định trực tiếp chuẩn bị các kế hoạch chi tiết cho các đợt tấn công Bắc VN. Cuối tháng năm, kế hoạch được hoàn thành với 94 mục tiêu. Các mục tiêu trả đũa được lựa chọn rất nhanh chóng từ danh sách 94 mục tiêu trên, vào ngày 5-8...”.

Như thế, ta có thể đi tới kết luận rằng phía Mỹ đã chuẩn bị cho việc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc từ trước “sự kiện 4-8” hàng tháng trời, thậm chí còn xác định ngày D-20 cho kế hoạch tấn công, nên các sử gia đã có lý khi khẳng định nếu không có sự kiện 4-8 thì Johnson vẫn tìm cách phát động tiến công miền Bắc.

oOo

Năm 1995, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara sau hàng chục năm yên lặng... đã cho xuất bản cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ, tấn thảm kịch và những bài học về VN”. Cũng trong năm đó, ông dẫn đầu một đoàn các tướng lĩnh, học giả Mỹ sang VN hội thảo về cuộc chiến tranh VN.

Một trong những câu hỏi lớn nhất ông Mc Namara muốn làm sáng tỏ, khi ông hỏi đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào ngày 4-8-1964, phía hải quân VN có bắn vào tàu chiến Mỹ ở vịnh Bắc bộ hay không! Nếu có bắn thì việc Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết về vịnh Bắc bộ ngày 7-8-1964 cho phép Tổng thống Johnon mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc là đúng, là có cơ sở. Còn nếu VN không bắn mà do phía Mỹ dựng lên thì đó là một thảm họa. Và thảm họa của nước Mỹ khi leo thang chiến tranh giờ đây đã được vén màn bí mật...

X.H - K.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên