24/08/2019 09:42 GMT+7

Sửa đổi Luật điện ảnh, cứu… cá nằm trên thớt

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Trong câu chuyện phát hành phim hiện nay, tình thế của các nhà làm phim Việt không khác gì cá nằm trên thớt khi những chính sách luật pháp rất bất lợi cho họ.

Sửa đổi Luật điện ảnh, cứu… cá nằm trên thớt - Ảnh 1.

Khán giả mua vé xem phim tại rạp của Lotte chiều 23-8. Đa số cụm rạp tại VN thuộc về công ty của Hàn Quốc - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại hội nghị - hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc được Bộ VH-TT&DL tổ chức sáng 23-8 ở Hà Nội, nhiều ý kiến của hiệp hội điện ảnh, các nhà sản xuất, hãng phim cùng ta thán những quy định về rạp chiếu, nhập siêu phim ngoại...

Túi người đầy, túi mình rỗng!

Năm 2000, doanh thu ngành điện ảnh Việt Nam đạt khoảng 2 triệu USD, đến năm 2015 con số tăng lên hơn 100 triệu USD và năm 2018 doanh thu đạt gần 150 triệu USD.

Hiện nay, 64% tổng số cụm rạp và 65,2% số phòng chiếu trên tổng số cụm rạp và phòng chiếu tại Việt Nam thuộc về hai Công ty TNHH CJ CGV và Lotte Cinema của Hàn Quốc (tính đến tháng 7-2019).

Gần 75% phim chiếu ngoài rạp hiện nay là phim ngoại nhập, Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 25% phim trong tổng số. Tuy nhiên, con số các bộ phim thành công và hòa vốn của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1/3, còn lại là lỗ vốn.

Nên con số 150 triệu USD chỉ nói lên tiềm năng của thị trường Việt Nam với nước ngoài, còn ở trong nước ai cũng hiểu lãi ròng đã rơi hết vào túi nhà người ta, túi nhà mình thì rỗng.

Điều trớ trêu nhất là trong tình cảnh cạnh tranh khốc liệt như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam lại bị chính Luật điện ảnh trói chân, trói tay. Đơn cử như quy định phải có rạp chiếu mới được nhập phim trong Luật điện ảnh chỉ có lợi cho công ty nước ngoài. Sau khi xây dựng rạp, nhà đầu tư toàn quyền nhập phim ngoại về kiếm lãi.

"Rạp của tôi, luật chơi của tôi", nên các công ty nước ngoài quy định luôn tỉ lệ ăn chia có lợi cho họ. Năm 2016, nhà sản xuất Tấm Cám đã phải khóc ròng vì muốn vào được hệ thống rạp chính, họ phải chấp nhận tỉ lệ ăn chia thấp hơn.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - phó tổng giám đốc Công ty TNHH BHD - cho biết nếu mua thiết bị từ nước ngoài thì nhà sản xuất nội địa vẫn phải nộp thuế, còn công ty nước ngoài thì không. Doanh nghiệp nội địa rất khó vay vốn ngân hàng vì theo luật Việt Nam, những tài sản vô hình, tức tài sản văn hóa của các công ty điện ảnh, bị coi vô giá trị.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành điện ảnh

Những bất cập đã tồn tại quá lâu, nhưng kể từ năm Luật điện ảnh ra đời (2006) và một lần sửa đổi (2009) không có sự thay đổi nào đáng kể. Điện ảnh miền Bắc đã "chết lâm sàng", gần như không công ty tư nhân nào tồn tại được ở khu vực này. Điện ảnh tư nhân miền Nam phát triển mạnh, nhưng đang phải "tự bơi" và gồng mình chống chọi với các công ty nước ngoài.

Đó là chưa kể, như ý kiến của NSND Đặng Xuân Hải - chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, khi ký Hiệp định WTO, Việt Nam đã bỏ qua cơ hội để xây dựng hàng rào kỹ thuật ngăn chặn nhập siêu phim ngoại như nhiều quốc gia đã làm được. Đó là lý do không thể cản được phim ngoại tràn vào Việt Nam.

Đại diện của BHD cho rằng nếu chỉ để kinh tế thị trường tự do điều chỉnh về lĩnh vực văn hóa điện ảnh như hiện tại thì đơn vị nào có tiền sẽ điều khiển công nghiệp điện ảnh.

Nguy cơ điện ảnh Việt Nam bị "nô dịch" trong vài năm nữa sẽ rất cao. Điều đó đồng nghĩa với việc văn hóa dân tộc không có cơ hội cất tiếng, và những nhà làm phim nội địa phải cúi đầu trước những đại gia nước ngoài.

Hiện Luật điện ảnh (sửa đổi) đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Ngành điện ảnh dự kiến trình Chính phủ xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi) vào tháng 10-2019, với hi vọng luật sẽ được thông qua vào năm 2021.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng thời điểm 2021 mới thông qua Luật điện ảnh (sửa đổi) là khá muộn và chỉ sợ khi luật được thông qua lại lạc hậu so với thời cuộc!

Điện ảnh không chỉ đơn giản là phương tiện giải trí mà còn là văn hóa, là một dạng “quyền lực mềm”, nên những quốc gia trong khu vực như Malaysia, Philippines, Thái Lan đều duy trì 70-80% rạp là do doanh nghiệp nội địa quản lý, còn ở Việt Nam hiện 65% rạp chiếu do nước ngoài quản lý.

10 năm Luật điện ảnh: Việt Nam cần rạp chiếu phim 10 năm Luật điện ảnh: Việt Nam cần rạp chiếu phim 'người lớn'?

TTO - Luật điện ảnh (gồm 8 chương, 55 điều) sau 10 năm thi hành vẫn còn nhiều vấn đề “nóng hổi” như kiểm duyệt phim, phân loại phim theo độ tuổi, tỉ lệ ăn chia... được đưa ra mổ xẻ.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên