30/01/2018 11:27 GMT+7

Sức khỏe người cao tuổi trong mùa xuân

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)

Mùa xuân khí hậu thường khô hanh, người cao tuổi nên uống nhiều nước, tránh để cơ thể bị thiếu nước, ăn nhiều hoa quả để bổ sung đủ lượng vitamin.

Sức khỏe người cao tuổi trong mùa xuân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: shutterstock.com

Mùa xuân là mùa khí hậu thay đổi thất thường, cách bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi trong mùa xuân là phải bảo đảm việc trao đổi chất của cơ thể một cách bình thường, cụ thể là từ việc ăn uống, nghỉ ngơi… Để bảo vệ sức khỏe trong dịp này, các bậc cao tuổi cần lưu ý:

Khi mới bước vào mùa xuân thời tiết lúc ấm, lúc lạnh, thay đổi thất thường, người cao tuổi không nên giảm bớt quần áo quá sớm và quá nhanh, nếu không rất dễ bị cảm lạnh, những người cao tuổi, sức khỏe không được tốt lại càng phải chú ý, bởi vì, người cao tuổi khí huyết và xương cốt yếu sợ nhất là bị gió lạnh, mà nhất là lưng bị lạnh, nếu cảm thấy lạnh lưng thì không nên cố chịu đựng, mà phải lập tức mặc thêm áo, bởi vì, lưng bị lạnh có thể sẽ ảnh hưởng đến phổi, ngoài dẫn đến bị cảm, ho... ra, thậm chí khiến các căn bệnh cũ (nếu có) lại tái phát.

Mùa xuân khí hậu thường khô hanh, người cao tuổi nên uống nhiều nước, tránh để cơ thể bị thiếu nước, ăn nhiều hoa quả để bổ sung đủ lượng vitamin. Mùa xuân sự trao đổi chất tăng nhanh, nên ăn thức ăn nóng, không nên ăn những thức ăn quá chua chát, nên ăn thanh đạm, hợp khẩu vị, không nên ăn những thức ăn nhiều mỡ và lạnh, mà nhất là không nên ăn những thứ nóng, như sâm, nhung, rượu mạnh… 

Nên ăn nhiều những thức ăn giàu chất protit, chất khoáng và vitamin, mà nhất là vitamin B, như: thịt nạc, những thức ăn làm bằng đậu, trứng, cà rốt, súp lơ, rau cải trắng, rau chân vịt, cần tây… nhưng cần nhớ dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn no vừa phải, nên ăn giảm khối lượng thức ăn, chỉ nên ăn no bụng từ 70-80%. Một bữa ăn quá no như một stress tiêu hóa có thể gây ra những hậu quả xấu.

Mùa xuân cây cối xanh tươi, trong môi trường tự nhiên này, nên thường xuyên mở cửa cho thông gió, bảo đảm không khí trong phòng được thông thoáng. Mùa xuân nên ngủ muộn dậy sớm, ra ngoài trời hoạt động cho giãn xương cốt, để cho cả một ngày tinh thần càng thêm thoải mái. 

Căn cứ theo đặc điểm của mùa xuân, lúc nóng lúc lạnh, nên quần áo không nên mặc ít quá, mà phải căn cứ theo thời tiết, nếu không đủ ấm rất dễ ảnh hưởng đến phổi, dẫn đến các chứng bệnh đường hô hấp.

Ngoài ra, ở ngoài trời, tốt nhất nên nhìn những nơi cây cối xanh tươi và những vật màu xanh để luôn ở trong một trạng thái tinh thần thoải mái. Tuy nhiên, theo y học mùa xuân cũng khiến người cao tuổi dễ nóng nảy nên người cao tuổi phải điều chỉnh tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái, không nên nóng nẩy. 

Tinh thần thoải mái có lợi cho việc dưỡng gan, nóng nẩy cũng dễ dẫn đến rối loạn chức năng trao đổi chất của hệ thống thần kinh, sức đề kháng giảm, dễ gây các chứng bệnh tâm thần, bệnh gan, bệnh tim mạch... 

Nếu như trong mùa xuân giữ gìn gan khí được tốt, không những trong mùa xuân không mắc bệnh hoặc ít mắc bệnh, mà cũng rất có lợi cho việc phòng chống bệnh và bảo vệ sức khỏe trong mùa hè.

Trong mùa xuân những người cao tuổi nên thường xuyên ra ngoài rèn luyện sức khỏe, có thể tăng cường hiệu xuất làm việc của bộ não, phòng chống sơ cứng động mạch. Thế nhưng buổi sáng không nên đi tập luyện quá sớm, để tránh do sáng sớm nhiệt độ thấp, còn nhiều sương dễ bị cảm, hen xuyễn hoặc viêm phế quản mạn tính... tốt nhất đợi đến khi có ánh nắng mặt trời mới đi tập. 

Ngoài ra, phải ăn sáng rồi mới đi tập luyện, bởi vì, người cao tuổi buổi sáng máu lưu thông chậm, nhiệt độ cơ thể thấp, trước khi rèn luyện nên ăn bát canh nóng. Đồng thời, không nên tập những động tác mạnh, vì người cao tuổi sáng ngủ dậy cơ bắp không được chặt, gân khớp xương còn cứng, nên trước khi tập phải khởi động gân khớp xương, để tránh họat động đột ngột xảy ra bất trắc.

Duy trì nền nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi. Như lời khuyên của người xưa, không vì quá vui bạn bè hay chiều lòng con cháu mà quá chén. Tốt nhất, chỉ nên dùng rượu để khai vị, ngay cả rượu vang đỏ cho dù đã được xác nhận là loại rượu có tác dụng tốt cho tuần hoàn máu, huyết áp, chống ôxy hóa; trung hòa được các gốc tự do và chống ung thư thì với người khỏe, các nhà khoa học Pháp cũng khuyên chỉ nên uống một ly mỗi bữa, và cũng đừng quên ăn mỗi khi uống (không uống rượu suông). 

Thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân; không nên đi xa, không đi chơi khuya, nhất là những ngày rét đậm, rét hại cần tránh ra ngoài trời, đặc biệt là không ra ngoài trời khi vừa uống rượu, bia... để đề phòng cảm lạnh. Nếu như bị cảm phải kịp thời đi khám bệnh, uống thuốc càng sớm càng tốt. Bước vào mùa xuân, người cao tuổi đặc biệt phải đề phòng tai biến mạch máu não.

Ngoài ra, người cao tuổi không nên làm việc gì quá sức; tránh để cơ thể nhiễm lạnh, không bất chợt ra nơi lộng gió, nhất là khi người đang ra nhiều mồ hôi. Cẩn thận khi phải ra vào những nơi có máy điều hòa nhiệt độ để không bị nóng lạnh đột ngột. Những hôm lạnh ẩm, gió nhiều, nên hạn chế tối đa việc đi ra ngoài. 

Cần sống trong bầu không khí trong lành ít khói, bụi... Tóm lại, một chế độ ăn uống điều độ, vận động cơ thể thích hợp và một cuộc sống thoải mái có thể giúp các bậc cao tuổi sống lâu, sống khỏe mạnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên