30/08/2017 18:07 GMT+7

Tác giả Trần Tố Nga: Tôi cũng bị ung thư rồi!

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Đường trần - ngọn lửa không bao giờ tắt là những câu chuyện rời, nhưng kết thành một chuỗi sự kiện có đủ mùi vị khốc liệt, nhân ái, cả những hàm oan cay nghiệt và đặc biệt là phận người trong vòng xoáy chiến tranh...

​Các bạn đọc sách này nếu thấy hiện lên những người đã hy sinh, nếu muốn đi tiếp con đường mà thế hệ tôi đã đi, thì tôi rất bằng lòng. -
 Bà Trần Tố Nga 

Trần Tố Nga là một cái tên quen thuộc, trong 75 năm cuộc đời bà tính đến nay, điểm chung là sự dấn thân cho lý tưởng vì quê hương đất nước và vì con người trên hết thảy.

Tôi cũng bị ung thư rồi

Bà Trần Tố Nga chính là người đứng đơn kiện 37 công ty hóa chất đã sản xuất chất da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam mà bà dùng cụm từ “diệt hàng loạt gia tộc” để mô tả mức độ tác hại mà chất độc này gây ra trong xã hội người Việt thời hậu chiến.

Điều này có được từ một duyên may, bởi bà Trần Tố Nga hội đủ các điều kiện để khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ theo luật của nước Pháp trên đất Pháp: bản thân bà là nạn nhân da cam và bà có quốc tịch Pháp.

“Tháng 5-2014, đơn kiện của tôi được Tòa đại hình Evry chấp nhận và do đó 19 trong số 26 công ty hóa chất Mỹ bị kiện đã phải trình tòa - điều họ không chịu làm trong các vụ trước đó”. Đây là một tín hiệu tốt, tất nhiên chỉ là bước khởi đầu.

“Từ tháng 4- 2016 đến 2017, Tòa án đã mở tám phiên, và sắp tới trong tháng 9 này sẽ mở phiên thứ chín. Trong số 17 triệu chứng theo như Mỹ đòi hỏi, mình đã có 4-5 rồi, và tôi cũng đã bị ung thư rồi. Mình sẽ thắng thôi” bà Nga nói trong niềm tin sắt đá.

Niềm tin sắt đá bộc lộ qua giọng nói vẫn như rực lửa, điều này khiến người nghe giật mình khi bà đề cập “tôi cũng bị ung thư rồi” nhẹ như không.

Đạo diễn Việt Linh (trái) tự nhận rằng bà rất bất ngờ khi thấy quyển tự truyện của chị Trần Tố Nga
Đạo diễn Việt Linh (trái) tự nhận rằng bà rất bất ngờ khi thấy quyển tự truyện của chị Trần Tố Nga "có cấu trúc cuốn hút và hay đến vậy" - Ảnh: L.Điền
Có mặt tại buổi giao lưu, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó chủ tịch nước, kêu gọi mọi người nên mua ủng hộ quyển sách, như một hành động ủng hộ hành trình công lý của bà Trần Tố Nga - một công việc đang cần rất nhiều chi phí.

Gạch nối cảm thông giữa hai thế hệ

Chia sẻ về sự gian nan “mang tính thế hệ”, bà Nga cho rằng sự gian nan của thế hệ bà có lý do quan trọng là kẻ thù đang ở trước mặt, nên cứ đi tới, và tin là khi có hòa bình thì sẽ có tự do, cơm no áo ấm sẽ tới.

“Đường trần của các bạn hôm nay còn gian nan hơn chúng tôi, vì vừa phải nhận ra cái gì là đẹp thật sự, là đúng thực sự. Và cuộc đấu tranh để chọn hướng đi đúng còn gian nan hơn cuộc đấu tranh của chúng tôi hồi đó...”

Hàng tràng vỗ tay rộn lên chia sẻ với nhận định có ý nghĩa cảm thông giữa các thế hệ đang cùng chung trong một buổi chuyện trò.

Ông Nguyễn Thế Hùng - người tài trợ chi phí in sách - thì không giấu được xúc động khi nhớ lại những ngày bà Nga ngồi trong căn nhà ở ngoại ô Paris viết quyển tự truyện ngay khi vừa hay tin mình lâm bạo bệnh.

“Tôi là người giục chị Nga nhiều nhất về quyển sách, đến khi chi viết xong, tôi đọc mà có lúc giữa đêm ngồi khóc một mình, đó là những đoạn đường đời khốc liệt quá, như đoạn chị vượt Trường Sơn, gặp bom bi, đồng đội cùng đoàn trúng bom chết ngay trước mặt...”.

Và ông Hùng chốt lại, quyển sách này như một chứng cứ lịch sử, của một thế hệ chứ không riêng hoàn cảnh Trần Tố Nga, “nó cho thấy giá trị cách mạng mãi còn trong lý tưởng của người dân nước Việt”.

Và Nhà xuất bản Trẻ cũng đã ấn hành quyển tự truyện này với thời gian kỷ lục: hoàn thành trong chưa đầy hai tuần.

Buổi ra mắt sách cũng là sự kiện khép lại chuyến về nước của tác giả Trần Tố Nga, bà sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện về chất da cam, với hy vọng phán quyết của tọa án Đại hình Pháp sẽ trở thành án lệ, được các nạn nhân da cam ở nhiều quốc gia dẫn dụ để bảo vệ quyền lợi cho họ.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên