05/06/2023 17:06 GMT+7

Tai nạn thảm khốc ở Ấn Độ: Do hạ tầng giao thông yếu kém

Hệ thống hạ tầng nghèo nàn với phương tiện giao thông cũ kỹ là một trong những nguyên nhân chính khiến Ấn Độ liên tục ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Tai nạn thảm khốc ở Ấn Độ: Do hạ tầng giao thông yếu kém - Ảnh 1.

Tối 4-6, các công nhân đường sắt đang thực hiện công tác khắc phục sau vụ tai nạn thảm khốc tại bang Odisha, Ấn Độ hôm 2-6 - Ảnh: NEW YORK TIMES

Đường sắt Ấn Độ là một trong những hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới, với tổng chiều dài các đường ray lên đến hơn 100.000km, phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 13 triệu người mỗi ngày.

Để đáp ứng nhu cầu giao thông khổng lồ nêu trên, Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực cải tiến hệ thống đường ray và tàu hỏa. Ông Ashwini Vaishnaw, bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ, cho biết trong năm 2022 đã có khoảng 5.200km đường ray được thay mới. 

Tuy nhiên, dường như điều đó vẫn chưa đủ để ngăn tai nạn thảm khốc.

Nguyên nhân cho nỗi ám ảnh của Ấn Độ

Theo ông Vivek Sahai - cựu giám đốc Trung tâm Dịch vụ đường sắt Ấn Độ (IRTS), các vụ tai nạn đường sắt xảy ra vì rất nhiều lý do như đường ray không được bảo trì tốt, các toa tàu bị lỗi hoặc có thể lỗi nằm ở chính sự bất cẩn của người lái tàu.

Đài BBC dẫn báo cáo an toàn đường sắt của Chính phủ Ấn Độ năm 2019 - 2020 cho thấy trật bánh là nguyên nhân chính, chiếm 70% nguyên nhân các vụ tai nạn đường sắt. Con số này cũng tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, các vụ cháy và va chạm tàu hỏa lần lượt chiếm 14% và 8% tổng số nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt tại nước này.

Được biết, đường ray xe lửa tại Ấn Độ sử dụng kim loại. Điều này khiến các đường ray nở ra vào mùa hè khi thời tiết nóng, và co lại khi thời tiết lạnh hơn vào mùa đông.

Điều này đòi hỏi việc bảo dưỡng thường xuyên cho hệ thống đường ray, theo dõi và điều chỉnh các bộ phận bị lỏng, tra dầu cũng như kiểm tra các toa tàu. Cơ quan đường sắt Ấn Độ cũng khuyến nghị nên kiểm tra cấu trúc của các đường ray ít nhất ba tháng một lần.

Cơ quan chức năng bày tỏ sự lo lắng khi các vụ tai nạn đường sắt không ngừng tăng lên. Họ cũng yêu cầu những nhân viên quản lý cấp cao phải luôn giữ tinh thần tỉnh táo trong thời gian làm việc, nhất là các tuyến đường sắt khu vực bờ đông và trung tâm miền đông nam nước này.

Chi tiêu đường sắt tăng nhưng an toàn giảm

Tai nạn thảm khốc ở Ấn Độ: Do hạ tầng giao thông yếu kém - Ảnh 2.

Thân nhân tìm kiếm thi thể của các nạn nhân trong vụ tai nạn đường sắt ở bang Odisha, miền đông Ấn Độ hôm 2-6 - Ảnh: NEW YORK TIMES

Theo tờ New York Times, trong vài năm qua, Ấn Độ đã tăng cường cải thiện cơ sở hạ tầng đường sắt truyền thống cũ kỹ của mình.

Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ đã chi gần 30 tỉ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt truyền thống cũ kỹ trong năm qua, tăng 15% so với năm trước.

Tuy nhiên, số tiền chi trả cho công tác bảo trì đường ray cơ bản cũng như các hoạt động khác đã giảm. Điều này cũng khiến những bước tiến lớn mà đường sắt Ấn Độ từng đạt được trong công cuộc cải thiện an toàn đường sắt ở hai thập kỷ qua bị tan vỡ.

Theo một báo cáo năm 2022 của Văn phòng Kiểm toán Ấn Độ, số tiền được phân bổ cho việc cải tiến hệ thống đường sắt tại nước này ít hơn hẳn so với số lượng công trình cần phải thực hiện.

Không chỉ tai nạn đường sắt

Không chỉ đường sắt, Ấn Độ cũng là nơi ghi nhận rất nhiều vụ tai nạn xe buýt thảm khốc.

Hồi năm 2018, Ấn Độ từng ghi nhận một chiếc xe buýt lao ra khỏi con đường và rơi xuống vực làm 57 người chết và 31 người bị thương ở bang Telangana, miền nam Ấn Độ.

Nguyên nhân của vụ tai nạn trên là do tài xế không nhìn thấy biển báo giảm tốc và không kịp điều chỉnh tốc độ khiến chiếc xe chật kín 87 người xấu số lao xuống vực.

Theo nhận định của tờ Times of India, vụ tai nạn năm 2018 cũng được gọi là vụ tai nạn xe buýt thảm khốc nhất Ấn Độ.

Ngày 2-6 vừa qua, vụ tai nạn đường sắt thảm khốc nhất Ấn Độ trong hai thập kỷ qua khiến gần 300 người chết và hơn 850 người bị thương đã khiến cả thế giới phải sửng sốt.

Hệ thống ngăn các đoàn tàu va chạm bị hỏng khiến con tàu Coromandel (chở 1.257 hành khách) di chuyển từ Kolkata đến Chennai đi vào một đường ray phụ.

Sau đó đoàn tàu này tiếp tục đâm vào một tàu chở hàng, trật bánh, tiếp tục va chạm và hất văng hai toa cuối của tàu chở khách thứ ba có tên Yesvantpur-Howrah (chở 1.039 người).

Hãng tin Reuters dẫn lời bộ trưởng Bộ Đường sắt Ấn Độ cho biết gia đình của những người thiệt mạng sẽ nhận được 1 triệu rupee (khoảng 12.000 USD) mỗi gia đình.

Mỗi người bị thương nặng nhận 200.000 rupee (2.400 USD) và các nạn nhân bị thương nhẹ mỗi người 50.000 rupee (605 USD).

Đã xác định nguyên nhân vụ tai nạn đường sắt ở Ấn ĐộĐã xác định nguyên nhân vụ tai nạn đường sắt ở Ấn Độ

Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ đã công bố nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đường sắt thảm khốc khiến gần 300 người chết và hơn 850 người bị thương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên