05/10/2023 15:15 GMT+7

Tại sao nhiều phụ nữ Trung Quốc tìm kiếm tình duyên ở trời Tây?

Bất chấp sự phát triển vượt bậc về kinh tế và văn hóa của đất nước, nhiều phụ nữ Trung Quốc - đặc biệt là những người khá giả về tài chính - vẫn hướng sang phương Tây để tìm tình duyên.

Ở Trung Quốc, phụ nữ độc thân ở độ tuổi 27 bị coi là 'gái ế' - Ảnh: THE CONVERSATION

Ở Trung Quốc, phụ nữ độc thân ở độ tuổi 27 bị coi là 'gái ế' - Ảnh: THE CONVERSATION

Các dịch vụ chuyên về hẹn hò quốc tế đang giúp đơn giản hóa việc trao đổi email và kết hôn giữa phụ nữ Trung Quốc, Nga, Ukraine, Colombia và đàn ông ở các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Canada hoặc Úc.

Theo tờ The Conversation, "hẹn hò" là một hoạt động thương mại có doanh số 2 tỉ USD trên phạm vi toàn cầu.

Hết tuổi thanh xuân, đồng nghĩa "ra rìa" trong hôn nhân?

Bất chấp sự mất cân bằng giới tính nam - nữ đáng kinh ngạc ở Trung Quốc, nơi đàn ông độc thân nhiều hơn phụ nữ tới hơn 30 triệu, phụ nữ trung niên đã ly hôn vẫn phải đối mặt với những khó khăn đáng kể.

Trên các phương tiện truyền thông phương Tây, mô típ “cô dâu đặt hàng qua thư” vẫn còn tồn tại. Đó là những phụ nữ Trung Quốc trẻ kết hôn với những người đàn ông phương Tây lớn tuổi để thoát nghèo.

Nhưng đã xuất hiện mô típ trái ngược: Phần lớn phụ nữ Trung Quốc đăng ký tại các dịch vụ hẹn hò quốc tế hiện nay đều ở độ tuổi trung niên và đã ly hôn.

Họ cho rằng sự phân biệt tuổi tác ở Trung Quốc là lý do số 1 để phụ nữ Trung Quốc tìm kiếm đàn ông phương Tây, chứ không phải do hoàn cảnh kinh tế.

Ruby, cựu nữ doanh nhân Trung Quốc ở độ tuổi ngoài 40 - sau khi nhận được thỏa thuận ly hôn hào phóng từ người chồng Trung Quốc giàu có - tâm sự: “Ở Trung Quốc, đàn ông giàu thường muốn có gái trẻ 20 tuổi bên cạnh để khoe. Áp lực này ngày càng gay gắt ở Trung Quốc, khi phụ nữ chỉ mới 27 tuổi bị coi là “gái ế”.

Kể với tờ The Conversation, cô Ruby nói người chồng cũ giàu có - từng ngoại tình nhiều lần - đã châm biếm với cô rằng “đàn ông giống như những ấm trà, mỗi ấm trà phải sánh với nhiều tách trà”.

Càng phức tạp hơn, phụ nữ có con từ các cuộc hôn nhân trước - đặc biệt là những người có con trai - luôn phải đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường hôn nhân địa phương.

Các chuẩn mực xã hội Trung Quốc đặt ra yêu cầu nam thanh niên phải sở hữu nhà hoặc tài sản trước khi kết hôn. Điều này có nghĩa là cha mẹ hỗ trợ tài chính cho con trai họ. Lẽ đương nhiên không ai muốn gánh trách nhiệm tài chính này khi cưới một người vợ đã có con trai riêng.

Mẹ đơn thân và giấc mơ cho con trai riêng du học

Những phụ nữ trung niên không có bằng đại học cũng hết sức chật vật tìm việc làm trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc, nơi ưu tiên tuyển dụng phụ nữ trẻ, đẹp. 

Trong khi đó, những phụ nữ "ít hấp dẫn" thường phải làm những công việc như: chẳng hạn nghề bảo mẫu giúp các bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh hoặc bán hàng rong với mức lương dưới 5 USD/ngày. Không được tiếp cận bảo hiểm y tế, trợ cấp hưu trí hoặc các chương trình an sinh xã hội khác, nhiều phụ nữ trong số này đã tuyệt vọng rời khỏi Trung Quốc.

Cuối cùng, nhiều bà mẹ đơn thân đang gặp khó khăn thích kết hôn với đàn ông phương Tây để con cái họ có thể đi du học.

Cô Daisy, người kết hôn với một thợ cơ khí người Pháp, dần dần đánh giá cao sự tử tế ở chồng mình, mặc dù ban đầu cô không thấy chồng có chút gì thu hút, mà còn thấy anh ta có vẻ "ngu ngốc và vụng về".

Ngoài ra, cô Daisy đánh giá cao cơ hội làm bồi bàn và kiếm được 1.500 USD mỗi tháng, giúp cô có thể gửi một số tiền về nhà cho con gái ở Trung Quốc.

Trong khi một số cô dâu cảm thấy hài lòng với cuộc hôn nhân mới của mình thì những người khác sống trong sự cam tâm chịu đựng.

Ví dụ, cô Joanne biết rõ mình có mối quan hệ "độc hại" với một người đàn ông Mỹ thích kiểm soát, tuy nhiên cô vẫn phải ở với ông chồng này. Đó chẳng qua là tuổi cô cũng lớn, khả năng tiếng Anh hạn chế, trong khi cô cần hỗ trợ tài chính cho con trai đang là sinh viên đại học ở Mỹ.

Tình trạng bất bình đẳng về giới tính, tuổi tác và giai cấp hiện vẫn là sóng ngầm ở Trung Quốc thời hiện đại, khiến nhiều phụ nữ phải tìm bạn tình ở phương xa.

Cha mẹ Trung Quốc ‘giải ế’ cho con cái ở chợ hôn nhânCha mẹ Trung Quốc ‘giải ế’ cho con cái ở chợ hôn nhân

TTO - "Chợ hôn nhân" giờ đã trở thành một nơi phổ biến giúp người trẻ Trung Quốc tìm kiếm được tình yêu nghiêm túc. Mà thường là chính các bậc phụ huynh đi "khoe hàng" giúp con cái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên