15/03/2022 14:11 GMT+7

Tân GS trẻ nhất 2021: Nghiên cứu khoa học để vén mở những bí mật

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Nghiên cứu khoa học gặp những khó khăn, những bài toán hóc búa nhưng giáo sư Phùng Văn Đồng tiếp tục theo đuổi để vén mở những bí ẩn…

Tân GS trẻ nhất 2021: Nghiên cứu khoa học để vén mở những bí mật - Ảnh 1.

Tân giáo sư Phùng Văn Đồng sinh năm 1981, ngành vật lý, Trường đại học Phenikaa, Hà Nội - Ảnh: FANPAGE NHÀ TRƯỜNG

Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 405 ứng viên đạt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021. Trong số đó, người trẻ nhất danh sách ứng viên giáo sư là nhà giáo Phùng Văn Đồng, sinh năm 1981, ngành vật lý, Trường đại học Phenikaa, Hà Nội.

Ngày 15-3, Tuổi Trẻ Online có trò chuyện với giáo sư Phùng Văn Đồng về những suy nghĩ, những dự định, kế hoạch nghiên cứu khoa học của anh trên cương vị mới. 

Còn trẻ, có nhiều thời gian, cơ hội nghiên cứu khoa học

* Cảm xúc của anh như thế nào khi là giáo sư trẻ tuổi nhất năm 2021?

Đây là vinh dự lớn của tôi, của gia đình và của nhà trường nơi tôi công tác. Khi còn trẻ, tức là tôi sẽ có nhiều thời gian và cơ hội để đóng góp vào nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Là trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý năng lượng cao và vũ trụ học của Trường đại học Phenikaa, tôi đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong nhóm, nhằm tạo ra những kết quả nghiên cứu đột phá và ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Là chủ trì chương trình đào tạo vật lý tài năng của trường, chúng tôi đang nỗ lực đào tạo ra những cử nhân vật lý giỏi nhằm chuyển tiếp nghiên cứu sinh, bổ sung nguồn nhân lực nghiên cứu tinh hoa cho đất nước. 

Anh đã có nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, có chỉ số ảnh hưởng khoa học (h-index) cao. Anh mong muốn, kỳ vọng gì khi theo đuổi các nghiên cứu của mình?

Vấn đề khối lượng neutrino và sự tồn tại phổ biến của vật chất tối là hai bài toán hóc búa, có liên quan với nhau và ảnh hưởng ý nghĩa đến sự hình thành và diễn tiến của vũ trụ. Các nghiên cứu của chúng tôi đang triển khai nhằm vén mở những bí ẩn đó. 

Trong quá trình nghiên cứu khoa học, đào tạo, có kỷ niệm, khó khăn nào làm anh nhớ mãi?

Khó khăn trong nghiên cứu tôi gặp phải là bị kẹt trước các bài toán ý nghĩa, chưa có lối thoát. Thời gian này, tôi tốn rất nhiều năng lượng để tìm lời giải, thường suy nghĩ đủ, tính toán đủ, và thảo luận đủ thì ánh sáng cuối đường hầm xuất hiện và bất ngờ, đem lại cảm giác khó tả. 

Tôi thường làm những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản, sao cho đồng nghiệp, nghiên cứu sinh và sinh viên có thể hiểu được. Tuy nhiên, cái khó nhất là có tính độc lập và phản biện vấn đề, dần dần lĩnh hội kiến thức, giải quyết bài toán. Thực tế có một số bạn không vượt qua được. Những bạn làm được điều đó sẽ tiến xa trên con đường nghiên cứu.    

Vén mở những hiểu biết về vũ trụ

Hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học và việc đào tạo nghiên cứu viên trẻ ở các trường đại học vẫn còn hạn chế. Anh suy nghĩ và đóng góp ý kiến về những vấn đề này như thế nào?

Tôi đã thấy lực lượng nghiên cứu trẻ đang khá phát triển, nhất là ngành vật lý, vật liệu, hóa sinh và môi trường, một phần được đào tạo trong nước và phần đông đã hoàn thành tiến sĩ từ nước ngoài về. Đây là lực lượng cần được trọng dụng, ưu tiên phát triển. Họ chính là những người thầy, sẽ đào tạo ra những thế hệ trẻ hơn, nghiên cứu tốt hơn cho đất nước. 

Ngoài ra, để có nguồn nhân lực nghiên cứu dồi dào và mạnh trong tương lai, nhằm sánh ngang với các nước phát triển, Nhà nước cần có chiến lược phát triển và đầu tư cụ thể, tham vấn các chuyên gia xuất sắc trong và ngoài nước. Cần hoạch định đa dạng các hướng nghiên cứu, bổ nhiệm giáo sư và chuyên gia vào đó, họ nhận nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo trực tiếp, cũng như giới thiệu, gửi học sinh trong nước ra nước ngoài đào tạo. 

Tận dụng sự đóng góp vào phát triển khoa học từ các trường tư, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng khoa học quốc tế đến Việt Nam làm việc và đào tạo là cần thiết. Đây là bài học có ích từ các nước như Trung Quốc và Singapore.        

* Cách vận hành nhóm nghiên cứu, dự định trong tương lai của anh với những công trình nghiên cứu khoa học?

Nghiên cứu viên Việt rất giỏi nhưng tính hợp tác trong nghiên cứu và trách nhiệm với đào tạo nguồn nhân lực chưa cao. Thực vậy, khi có trao đổi khoa học và hoạt động đào tạo mạnh mẽ, các bạn sẽ đi xa hơn nhiều với các ý tưởng nghiên cứu, dần dần giải quyết các bài toán lớn. Trong nhóm chúng tôi, các thành viên cần phát huy hai vai trò đó.

Chúng tôi đã làm và định hướng tương lai cũng vậy, nhằm giải quyết những vấn đề cốt lõi của vật lý năng lượng cao, như khối lượng neutrino, bất đối xứng vật chất phản vật chất, vật chất tối, và năng lượng tối. Những giả thuyết này một khi được vén mở, chúng sẽ đóng góp ý nghĩa vào sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ sau Bigbang, diễn tiến, trạng thái ngày nay và số phận của nó.  

Chất, không phải lượng, làm nên một giáo sư Chất, không phải lượng, làm nên một giáo sư

TTO - Bộ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS) đã trải qua nhiều thay đổi, nhưng về bản chất thì vẫn không thay đổi: lệ thuộc vào con số.

 

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên