12/07/2018 12:00 GMT+7

Tăng phí ATM, chủ trương tận thu của các ngân hàng lớn?

D.T.C
D.T.C

TTO - Ngân hàng Nhà nước đã “tuýt còi” yêu cầu bốn ngân hàng lớn tạm thời chưa tăng phí rút tiền ATM nội mạng (phí ATM). Nhưng dư luận người dùng thẻ ATM vẫn bức xúc phản ứng điều bất hợp lý này.

Tăng phí ATM, chủ trương tận thu của các ngân hàng lớn? - Ảnh 1.

Người dân rút tiền ở cây ATM của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank, ngày 11-7-2018 - Ảnh: Hoàng Đông

Mức phí mới mà các NH trên đưa ra lần này là 1.650 đồng/giao dịch rút tiền nội mạng - tăng 550 đồng (đã có VAT).

Tăng đâu có nhiều - chỉ... 50% thôi!

Con số 550 đồng nghe chừng rất nhỏ nhưng so với phí rút tiền tương tự hiện hành là 1.100 đồng thì các NH đã tăng đến 50% phí ATM. Tăng 50% là mức tăng quá lớn khi điều kiện thu nhập người lao động chưa có gì sáng sủa và điều kiện nền kinh tế còn quá nhiều khó khăn.

Lý giải vấn đề tăng phí ATM lần này, theo ông Phùng Duy Khương - phó tổng giám đốc VietinBank: "Nếu tính đủ, chi phí mỗi giao dịch rút tiền lên đến 9.000 - 10.000 đồng/giao dịch, vì hàng loạt chi phí như thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, tiếp quỹ... mà nặng nhất là duy trì số tiền nạp tại các máy ATM".

Là người sử dụng thẻ ATM từ cách đây 15 năm, xin có ý kiến: Lấy căn cứ từ đâu khi nói chi phí mỗi giao dịch rút tiền lên đến 9.000 - 10.000 đồng/giao dịch?

Nếu cần kiểm chứng, cứ đi một vòng là thấy hầu hết các máy ATM đặt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp từ cách đây trên dưới mười năm, đã hết khấu hao từ lâu nhưng vẫn sử dụng được, mỗi năm lượng máy ATM mới lắp đặt không bao nhiêu.

Những nơi này cũng tập trung đặt máy ATM nhiều nhất để công nhân nhận lương hằng tháng. Các điểm đặt máy hầu hết được các công ty cho NH đặt miễn phí. Nơi đặt nhiều máy ATM thứ hai nằm ở trụ sở, phòng giao dịch các NH - những nơi này các NH cũng không thể nói là phải trả tiền thuê đặt máy. 

Còn lại những nơi NH phải thuê như trong các siêu thị, trung tâm mua sắm... nếu có phải trả tiền thuê mặt bằng cao cũng chiếm không nhiều.

Chi phí đường truyền, bảo trì, điện, tiếp quỹ... là những chi phí đương nhiên của một NH có lượng khách hàng mở tài khoản tiền gửi để giao dịch ATM quá lớn. Chưa nói là chi phí này còn rẻ hơn rất nhiều so với chi phí nếu như tất cả khách hàng không rút tiền bằng máy ATM mà chuyển sang hình thức rút tiền tại quầy giao dịch của NH.

Và cuối cùng, theo đại diện NH phát biểu ở trên, chi phí "nặng nhất là duy trì số tiền nạp tại các máy ATM". Người dân bây giờ mấy ai không biết chủ thẻ ATM rút tiền từ tiền của mình trong tài khoản chứ không phải tiền của NH. Số tiền các NH nạp vào các máy ATM hằng ngày chỉ là một phần nhỏ trong tổng số dư tiền gửi trên tất cả các tài khoản của chủ thẻ ATM để ở NH mà thôi.

Chèn ép chủ thẻ

Tôi cũng xin hỏi lãnh đạo các NH muốn tăng phí: chi lương cho người lao động thay cho các công ty, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị (gọi tắt là đơn vị) qua máy ATM - vậy sao không thu phí dịch vụ chi lương này từ các đơn vị mà chỉ nhắm vào chủ thẻ ATM?

Trước khi có máy ATM, các đơn vị phải bỏ ra một chi phí không nhỏ cho việc chi lương đến từng người lao động. Cụ thể là chi phí nhân sự các công đoạn: rút tiền từ NH về, kiểm đếm, đi đổi tiền lẻ và chia ra phát lương cho từng người. Nếu đơn vị có công nhân hơn 20.000 người thì bộ máy nhân sự tài vụ cho công đoạn lương có thể hàng chục người. 

Chi phí văn phòng phẩm cho việc chi lương trực tiếp cũng là một khoản tốn kém thực tế. Đặc biệt là năng suất lao động giảm khi người lao động được ngừng việc để đi nhận lương, có khi phải chờ đợi đến lượt mình.

Từ khi có máy ATM, các đơn vị tiết kiệm được không ít chi phí này nhưng không phải trả chi phí cho NH, hoặc trả nhưng với mức phí rất thấp do các NH cạnh tranh nhau bằng mọi cách để thu hút các đơn vị mở và chi lương qua thẻ ATM. 

Một công nhân mỗi tháng lương được mấy triệu đồng, mỗi lần rút vài trăm ngàn (vì còn để dành chi dùng đến kỳ lương sau) cũng phải chịu phí ngang bằng những người khá giả hơn (có thể rút 5-10 triệu đồng/lần), người nghèo vẫn thiệt thòi nhất.

Ưu ái cho các đơn vị nhưng lại chèn ép thu phí các chủ thẻ ATM, phải chăng là chủ trương tận thu của nhiều NH hiện nay khi mà người lao động không được quyền chọn lựa cho mình NH nào để mở thẻ, không được quyền lựa chọn cách nhận lương?!

Ngày 9-7, NH Nhà nước đã “tuýt còi” yêu cầu bốn NH: Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV tạm thời chưa tăng phí ATM, cần minh bạch hóa thông tin trước khi tăng phí rút tiền.

Bốn “ông lớn” chiếm 63% thị phần thẻ (với gần 49 triệu thẻ), chủ thẻ sẽ bị ảnh hưởng khi tăng phí rút tiền ATM nội mạng. Đây là lần thứ hai trong hai tháng qua, NH Nhà nước yêu cầu các NH tạm dừng việc tăng phí ATM.

'Tuýt còi' 4 ngân hàng tăng phí ATM

TTO - Bốn ngân hàng lớn là Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV chưa thể cùng tăng phí rút tiền ATM nội mạng lên 1.650 đồng/giao dịch vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã "tuýt còi" vào tối 9-7.

D.T.C
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên