24/02/2023 11:58 GMT+7

Tầng tên lửa Liên Xô rơi trở lại Nga sau 42 năm

Tầng tên lửa Vostok-2M Blok E từ thời Liên Xô đã rơi trở lại Trái đất sau 42 năm lang thang trên quỹ đạo. Điều hy hữu là mảnh rác vũ trụ này vô tình hạ cánh xuống đất nước Nga - quê hương của nó.

Tầng tên lửa Liên Xô rơi trở lại Nga sau 42 năm - Ảnh 1.

Tên lửa Vostok - Ảnh: RUSSIAN SPACE WEB

Tầng tên lửa Vostok-2M Blok E bị Liên Xô "bỏ rơi" nặng hơn 1.360kg, "đã thực hiện một cuộc quay trở lại không kiểm soát trên quần đảo Novaya Zemlya của Nga vào lúc 10h16 UTC ngày 20-2 (tức lúc 17h16 giờ Việt Nam), sau 42,7 năm trên quỹ đạo" - ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn và trưởng nhóm hệ thống dữ liệu khoa học của Trung tâm tia X Chandra (Mỹ), cho biết.

Quần đảo Novaya Zemlya từng là một vùng quân sự nhạy cảm trong thời kỳ chiến tranh lạnh và là một trong hai địa điểm thử nghiệm hạt nhân lớn do Liên Xô quản lý.

Theo ông McDowell, mảnh vỡ không gian này là một mảnh tên lửa ban đầu được phóng từ Khu liên hợp tên lửa Plesetsk, Nga, vào ngày 4-6-1980. Tên lửa đẩy này đã đưa một vệ tinh tình báo tín hiệu Ikar lên không gian, theo báo Newsweek.

May mắn thay, quần đảo Novaya Zemlya ở cực bắc Nga, khu vực mà tầng tên lửa này hạ cánh, chỉ có dân số 3.576 người, theo điều tra dân số năm 2021. 

Với mật độ dân số rất nhỏ là 0,1 người/2,6 km2, vì vậy khó có khả năng xảy ra tầng tên lửa này rơi xuống một khu vực đông dân cư.

Ông Mark Rigby, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Vật lý thiên văn tại Đại học Nam Queensland ở Úc, nhận định với báo Newsweek rằng sự quay trở lại của tên lửa đẩy Vostok-2M Blok E đã được dự đoán và theo dõi trong suốt thời gian nó có dấu hiệu quay trở lại Trái đất, tuy nhiên thời gian và địa điểm nó rơi xuống phải đến phút chót mới biết chính xác.

Rác vũ trụ - vấn đề ngày càng lớn

Với hoạt động gia tăng của các quốc gia trên quỹ đạo Trái đất trong thế kỷ qua, ngày càng có nhiều mảnh vụn trôi nổi trong không gian.

Kể từ ngày 22-12-2022, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ước tính có khoảng 36.500 mảnh vụn không gian có đường kính lớn hơn 10cm trên quỹ đạo Trái đất, khoảng 1 triệu mảnh vụn có kích thước từ 1 - 10cm, và 130 triệu mảnh vụn nhỏ hơn 1cm.

Mặt khác, còn có hơn 15.000 vệ tinh đã được đặt trên quỹ đạo Trái đất.

Số lượng vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, chủ yếu là do SpaceX và các vệ tinh liên lạc Starlink của nó trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp - hiện đã lên tới gần 4.000.

Mảnh rác vũ trụ rơi xuống Trái đất có thể trở thành một vấn đề ngày càng lớn trong vài thập kỷ tới.

"Hầu hết các mảnh vụn xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái đất đều cháy lên một cách vô hại. Mối quan tâm thực sự là với các mảnh lớn như thân tên lửa đã qua sử dụng hoặc thậm chí tàu vũ trụ lớn - một số bộ phận của chúng có thể tồn tại khi tái nhập Trái đất", bà Wendy N. Whitman Cobb, giáo sư nghiên cứu chiến lược và an ninh tại Đại học Hàng không, nói với báo Newsweek.

Tên lửa Nga phóng từ sớm nhưng lưới điện Ukraine vẫn ổnTên lửa Nga phóng từ sớm nhưng lưới điện Ukraine vẫn ổn

Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga phóng 32 tên lửa trong những giờ đầu của ngày 16-2 và một nửa trong số này bị bắn hạ.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên