27/09/2017 09:19 GMT+7

Tạo thói quen cà thẻ trả tiền: Nên bắt đầu từ cơ quan nhà nước

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Nhiều ý kiến khẳng định chính các cơ quan nhà nước cần tăng chấp nhận chi trả cho dịch vụ công bằng thẻ thay thế cho tiền mặt như hiện nay.

Tạo thói quen cà thẻ trả tiền: Nên bắt đầu từ cơ quan nhà nước - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng tung ra các chương trình khuyến mãi để tăng thanh toán điện tử để giảm chi phí giao dịch tại quầy nhưng theo các chuyên gia, cơ quan nhà nước cũng cần vào cuộc - Ảnh: H. THUẬN

Theo các chuyên gia, nhiều người không muốn thanh toán qua ngân hàng (NH) vì dễ lộ nguồn gốc tiền hoặc phải đóng thuế... Nên cần có quy định mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Văn Được (tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín):

Cần giảm phí chuyển khoản

Để khuyến khích người dân thanh toán qua NH cần nghiên cứu giảm tối đa mức phí, chẳng hạn phí chuyển khoản liên NH hiện nay phổ biến khoảng 11.000 đồng/giao dịch là khá cao, nhất là khi nhân lên với nhiều giao dịch thì không phải là nhỏ với người dân, doanh nghiệp (DN). Do vậy nếu sắp tới sẽ hạ mức buộc phải thanh toán qua NH với DN từ mức 20 triệu đồng hiện nay xuống 10 triệu đồng thì cũng cần giảm mức phí chuyển khoản để bớt gánh nặng chi phí cho DN.

Bà Lê Thị Bích Phượng (giám đốc khối dịch vụ NH và tài chính cá nhân, Techcombank):

Tăng chấp nhận thẻ ở khu vực công

NH Nhà nước đã có nhiều chủ trương và biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán thẻ và thanh toán điện tử. Thời gian tới cần tiếp tục các chủ trương mạnh mẽ trong việc khuyến khích các cơ quan quản lý, các DN cung cấp nhiều dịch vụ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Muốn vậy, trước mắt cần tháo gỡ các khó khăn về các quy định xác nhận, định dạng khách hàng trong việc mở và đăng ký dịch vụ NH đều phải gặp mặt trực tiếp. Trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay, các NH có thể quản lý, nhận diện khách hàng của mình bằng nhiều phương thức khác nhau. Nếu những quy định phải gặp mặt trực tiếp khi đăng ký sử dụng dịch vụ NH kể cả những dịch vụ đơn giản như tài khoản, dịch vụ thanh toán giá trị nhỏ... chắc chắn sẽ là rào cản cho nhiều người dân.

Thanh toán, chi tiêu là nhu cầu của bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi, địa bàn hay phân khúc nào. Chúng tôi cũng như một số NH đã đầu tư để từng bước thiết lập hệ thống cổng thanh toán điện tử. Nhưng bên cạnh đó còn cần tiếp tục có nhiều sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và NH Nhà nước trong việc mở rộng cánh cửa để dịch vụ chấp nhận thẻ đến được các lĩnh vực công, bởi tại đây chỉ có một tỉ lệ còn thấp được chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong khi giao dịch của người dân ở đây rất lớn.

Để hạn chế giao dịch tiền mặt, có các thách thức về hạ tầng chưa đồng bộ, quy mô kinh doanh của đơn vị, phí NH... cần được rà soát, điều chỉnh để cân bằng được lợi ích và vì mục tiêu chung thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Lê Dân (chuyên gia về công nghệ NH): Cần mạnh tay

Thực tế, cơ sở hạ tầng của NH đã phát triển rất tốt cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng ta có thể triển khai ở rất nhiều điểm chứ không chỉ ở siêu thị, trung tâm thương mại, ví dụ ở các cây xăng dầu trong TP cũng rất thuận tiện khi đặt máy để quẹt thẻ ghi nợ.

Giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bản thân một mình ngành NH không làm được mà các ngành tài chính, thuế... phải chung tay. Như quy định yêu cầu các cơ sở bán hàng, trước mắt là siêu thị, trung tâm thương mại... phải có máy tính tiền, máy quẹt thẻ để thanh toán qua NH.

Ngoài ra, việc thanh toán hàng hóa, hợp đồng, dịch vụ... NH Nhà nước cũng cần mạnh tay, hạ mức giao dịch buộc phải thanh toán qua NH, quy định cả với người dân chứ không chỉ với DN, với lộ trình phù hợp.

Một chuyên gia ngành tài chính:

Nhà nước đi trước, làng nước theo sau

Chính phủ đã chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng thực tế tại rất nhiều cơ quan nhà nước, việc tiếp nhận tiền trả cho các dịch vụ hầu hết nhận bằng tiền mặt. Thậm chí tại một số nơi, muốn dùng thẻ nộp phí, nộp phạt, chi trả các dịch vụ công, thậm chí cho các cơ quan ở các cửa khẩu... không phải dễ dàng. Họ đòi tiền mặt và phải có biên lai giấy. Nên cùng với lộ trình giảm dùng tiền mặt của các cơ quan dùng vốn ngân sách, cần có lộ trình cho các cơ quan nhà nước hiện đại hóa việc thu tiền các dịch vụ công, tiến tới các cơ quan này, rồi công chức không dùng tiền mặt.

Thống kê của NH Nhà nước cho thấy chỉ hơn 10% thực hiện thanh toán không qua NH. Nhưng thực tế, con số hơn 80% qua NH kia là từ DN, các giao dịch lớn. Còn hơn 10% là gần như toàn bộ sinh hoạt hằng ngày của người dân. Tất nhiên chúng ta có tiến bộ nhưng không thể hài lòng. Qua các vụ đại án như OceanBank, người ta vẫn có thể đưa cho nhau số tiền rất lớn làm... quà. Không thúc đẩy thanh toán qua NH sẽ khó giảm tham nhũng bền vững.

"Xin lỗi, không dùng tiền mặt"

Báo cáo về thanh toán điện tử tại Trung Quốc năm 2017 do Hãng công nghệ Tencent kết hợp với Đại học Renmin và Công ty nghiên cứu Ipsos cho thấy 40% người Trung Quốc hiện mang theo ít hơn 100 nhân dân tệ trong người (tương đương khoảng 300.000 đồng). Đó là kết quả khá tương đồng với thống kê năm 2016, tổng giá trị giao dịch thông qua thanh toán di động ở Trung Quốc đạt mức 5.500 tỉ USD, theo số liệu của Công ty iResearch.

Chính phủ Trung Quốc đóng góp quan trọng về mặt chính sách trong sự bùng nổ thanh toán điện tử/di động này. Tháng 8-2017, NH Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã yêu cầu tất cả công ty thuộc bên thứ ba cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử phải hoạt động thông qua một DN thanh toán bù trừ tập trung, với PboC là cổ đông lớn nhất. Đây được xem như giải pháp nhằm quản lý chặt các giao dịch có bên thứ ba, ngăn chặn nguy cơ lừa đảo, hiểm họa an ninh mạng.

Tại Singapore - quốc gia đi đầu trong việc hạn chế tiền mặt - có hàng trăm nhà bán lẻ hưởng ứng chính sách "Xin lỗi, không dùng tiền mặt".

Ở Hàn Quốc, NH trung ương đã lên kế hoạch không dùng tiền mặt sớm nhất vào năm 2020, đồng thời thành lập một đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Hàn Quốc từ năm 2010 đã quyết định công nhận tiền ảo dùng trong video game và cho phép đổi thành tiền mặt.

NHẬT ĐĂNG

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên