08/02/2020 09:53 GMT+7

Tập trung chống lợi dụng dịch bệnh corona để găm hàng

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong trường hợp dịch bệnh corona kéo dài. Đặc biệt, xem xét giảm giá điện với một số ngành hàng, chuỗi cung ứng phục vụ xuất khẩu chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh.

Tập trung chống lợi dụng dịch bệnh corona để găm hàng - Ảnh 1.

Trung tâm kiểm dịch cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị phun thuốc khử trùng xe hàng Trung Quốc trước khi nhập vào Việt Nam, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa - Ảnh: N.A.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo như vậy tại cuộc họp vào chiều 7-2 nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra, tác động đến ngành công thương.

"Phải tính trước phương án trong và sau dịch bệnh, tiếp cận chuỗi cung ứng mới, tái cơ cấu kinh tế theo hướng mới, nhanh chóng khắc phục để hình thành lại chuỗi cung ứng và thị trường mới..." - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tăng cường kết nối cung cầu

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết qua một tuần kiểm tra, cơ quan này đã xử phạt 3.000 vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh mặt hàng khẩu trang, các thiết bị phòng chống dịch bệnh với các vi phạm như găm hàng, không niêm yết giá bán, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác.

Đặc biệt, ông Linh cảnh báo rằng nhiều đối tượng thu gom khẩu trang dùng một lần, thiết bị y tế kém chất lượng để làm mới và bán lại.

"Tình trạng khan hiếm hàng hóa có nguy cơ diễn ra ở nhiều mặt hàng như lương thực thực phẩm, xăng dầu, gas, thuốc chữa bệnh... Do đó, cần có đánh giá đầy đủ, theo sát diễn biến tình hình để có giải pháp đảm bảo ổn định cung cầu", ông Linh nói

Theo ông Lương Hoàng Hải, cục trưởng Cục Thương mại điện tử, dù đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử bán đúng giá, chủ động ngăn việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, song tình hình vẫn diễn ra phức tạp.

Các hành vi như nâng giá diễn ra phổ biến, có nơi vẫn giữ giá hàng hóa nhưng lại tăng rất cao giá vận chuyển hoặc găm hàng, giao thiếu sản phẩm...

"Chúng tôi đã kiểm tra, xử phạt 700 gian hàng, gỡ hàng trăm tài khoản của nhà bán hàng trên các trang thương mại điện tử...", ông Hải cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi các sở công thương, đơn vị phân phối tăng nguồn cung hàng hóa, tăng cường cung ứng hàng dự trữ nếu thị trường có dấu hiệu mất cân đối cung cầu.

"Chúng tôi đã tăng cường kết nối cung cầu. Khi có hiện tượng thiếu hụt hàng hóa, chúng tôi sẽ có giải pháp ứng phó" - ông Đông khẳng định.

Lo đứt nguồn cung nguyên liệu

Ông Phan Văn Chinh, cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, thừa nhận dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn tới việc lưu thông hàng hóa. Đến nay mới chỉ có cửa khẩu tại Lạng Sơn thông quan 21 xe xuất khẩu và nhập khẩu 29 xe linh kiện, điện tử máy móc.

Nhiều cửa khẩu khác có lượng hàng hóa tồn đọng khá lớn, trong đó riêng Lào Cai đang tồn 140 container...

Theo ông Chinh, khó khăn ở các cửa khẩu chủ yếu do chưa thống nhất được quy trình kiểm dịch, do phía Trung Quốc áp dụng chính sách hạn chế tập trung đông người, các chợ cửa khẩu chưa mở lại... nên có thông quan được, khả năng tiêu thụ hàng hóa cũng không được nhiều.

Cũng theo ông Chinh, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất trong nước, bởi các doanh nghiệp chỉ có thể chủ động nguồn nguyên liệu chế biến trong quý 1.

Nếu các nhà sản xuất bên Trung Quốc dừng hoạt động do dịch bệnh kéo dài, nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước chắc chắn sẽ thiếu hụt.

Theo ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp, các ngành chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh là dệt may, da giày, điện tử, ôtô... do chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.

Dù khẳng định Vũ Hán không phải là địa phương cung cấp nguyên liệu chính cho da giày và dệt may VN nhưng ông Cao Quốc Hưng, thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng cần đánh giá kỹ tình hình, có kế hoạch triển khai các kịch bản khác nhau, đánh giá tác động ảnh hưởng cung cầu bởi tiêu thụ hàng hóa cũng ảnh hưởng.

Tạo điều kiện thuận lợi, ổn định sản xuất

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần thiết thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tại Bộ Công thương.

Đặc biệt, phải có kế hoạch hành động phòng chống dịch, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ổn định sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực dịch vụ, thương mại.

TP.HCM xử nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá, bán khẩu trang kém chất lượng TP.HCM xử nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá, bán khẩu trang kém chất lượng

TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa có chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về giá, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang y tế.

..

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên