03/02/2024 11:56 GMT+7

Tất bật giao hàng ngày Tết

HÀ QUÂN
và 1 tác giả khác

Giáp Tết, ai cũng muốn đơn hàng online đến thật nhanh, nhưng phải mục sở thị mới hiểu nỗi niềm người giao hàng.

Ông Đoàn Văn Hùng cẩn thận kiểm tra từng đơn hàng và tính lộ trình trong đầu trước khi đi giao cho khách - Ảnh: HÀ QUÂN

Ông Đoàn Văn Hùng cẩn thận kiểm tra từng đơn hàng và tính lộ trình trong đầu trước khi đi giao cho khách - Ảnh: HÀ QUÂN

Chuyển phát ngày Tết sẽ gấp hơn ngày thường, người gửi nên kiểm tra thông tin cẩn thận, nhất là số điện thoại. Nhân viên bưu điện cũng không được quên việc nhắc nhở người gửi kiểm tra thông tin. Và khi có tình huống xảy ra, các bên phải thật bình tĩnh giải quyết, không để cảm xúc lấn át.
Chị ĐỖ THỊ HOÀN

Sáng nay như mọi ngày, ông Đoàn Văn Hùng đến Bưu điện Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) để nhận đơn giao hàng.

Thấy hàng về là thấy Tết

Chưa tới 8h, xe tải vàng bưu điện đã dỡ hàng vào kho. "Vì hàng nhiều, khách nào cũng cần nhanh nên chúng tôi làm sớm hơn chút"- ông Hùng (55 tuổi) vừa nói vừa khệ nệ bê hàng.

Gắn bó với nghề 33 năm, từ khi còn là bưu tá kiêm cán bộ văn hóa xã, ông đã quen việc kiểm hàng, "vẽ" trong đầu đường đi vì thuộc từng thôn xóm như lòng bàn tay.

"Tết nhiều gói hàng to lắm, chủ yếu quà Tết, từ quần áo, đồ điện tử cho tới gốc cây, tủ lạnh... Cứ khi nào thấy người ta gửi cả bao gạo Điện Biên hay thùng thịt trâu khô tặng người thân là mình biết sắp Tết", ông Hùng vui vẻ kể.

Bưu cục rộng chừng 40m2, hàng nhiều, ai cũng cật lực quét mã đơn, tranh thủ bọc băng dính cho hàng không bị méo.

"Ngày Tết mệt hơn vì đơn nhiều, mưa to thì phải mặc cả áo mưa cho mình, cho hàng. Có khi chuyển hàng đến, mưa gió vậy nhưng người ta không lấy, lại mất công quay ra. Hay có shop gửi quần áo không đúng size hoặc màu, trùng đơn, mình lại phải giải thích, nhưng có khách hiểu, khách không hiểu, thành ra mình bị mắng oan.

Thế là mình phải nhờ shop tư vấn, giảm giá áo từ 399.000 đồng xuống tròn 300.000 đồng để khách hạ hỏa. Đấy là mùa đông, mùa hè thì nắng gắt, khách nghỉ trưa sớm hoặc ngồi trong phòng điều hòa, gọi thì bảo đi vắng, thế là phải năn nỉ mãi họ mới ra lấy đơn", ông Hùng bộc bạch.

Kể thêm về nghề, ông tâm sự: "Nhưng mình bỏ qua hết, tự động viên nhẫn nhịn vì làm dịch vụ. Cũng vì người nhận hàng toàn bà con lối xóm, ai cũng nhẵn mặt. Có người nhìn đã biết số điện thoại ông Hùng rồi nên trời cho sức khỏe, cố ngày nào thì mình vẫn làm, để còn mua quà cho cháu chứ, Tết rồi".

Vơi dần những lá thư tay

Một chị nhân viên bưu điện đùa vui: "Bác Hùng không kể bác còn chuyển thùng hàng to hơn người bác, nhìn bác đixe mà cứ như xe tự động chạy trên đường".

Chợt nhớ kỷ niệm ấy, ông Hùng nói hôm ấy mình chuyển cái cây gốc hoa giấy cho khách. Vì là vùng núi, đường cứ mưa là trơn trượt, vào đến nhà thì bùn nâu đặc quánh bám đầy xe và hai ống quần, nhưng ông vẫn tìm cách mang hàng vào tận nhà cho khách.

Theo ông Hùng, thích thú nhất trong đời vận chuyển là thời chuyển phát thư. Khi ấy cứ đầu năm là anh em bộ đội lại gửi thư về gia đình, có ngày cả trăm lá thư, có người còn viết cả vài trang giấy để người yêu ở nhà đỡ mong.

"Giờ ít người viết thư, nhưng mình chưa hết việc vì các trường vẫn gửi giấy báo nhập học. Năm nào cũng thế, điện thoại "cháy máy" vì bà con nhờ để ý, có giấy là mang hộ họ ngay", người bưu tá kể thêm.

Anh Lê Ngọc Thảo chuẩn bị giao hàng khi Tết đến gần - Ảnh: HÀ QUÂN

Anh Lê Ngọc Thảo chuẩn bị giao hàng khi Tết đến gần - Ảnh: HÀ QUÂN

Mang Tết đến mọi nhà

Sáng sớm, trong rét lạnh của miền Bắc, tại một bưu cục quận Cầu Giấy (Hà Nội), nhân viên giao hàng Lê Ngọc Thảo (37 tuổi) cẩn thận điểm danh, sắp xếp các đơn hàng cần giao rồi bày tỏ: "Số đơn quà Tết, hoa Tết, đồ trang trí nhà cửa rất nhiều mà khách nào cũng muốn giao nhanh. Chưa kể một số kiện hàng dễ vỡ, giá trị cao nên trước khi đi mình phải kiểm tra kỹ xem đã đóng gói cẩn thận chưa để tránh hỏng hóc, móp méo, rơi vỡ".

Càng gần Tết, anh Thảo lại thêm nhiều đơn hàng đặc biệt, có khi chỉ là bao gạo nếp gói bánh chưng hay đặc sản vùng miền làm mâm cỗ truyền thống. Nhưng vì khách báo bận, có ngày anh không ngại rét mướt, tối muộn vẫn mang cả bao gạo to đến giao cho khách.

"Mình nhìn thấy chị khách mừng rỡ khi nhận quà, bảo muốn gói bánh chưng thật to tặng mọi người, mình thấy vui lây nên cũng bớt mệt", anh Thảo cười kể.

Anh vẫn nhớ đơn hàng áo sơ mi giao cho một khách bị khiếm thị. "Khách nhờ kiểm tra chất lượng hàng vì bản thân không nhìn thấy. Tôi xúc động, cẩn thận kiểm tra tất cả những chi tiết bạn ấy cần. Khách rất vui, sờ đi sờ lại chất vải và hỏi lại chiếc áo màu xanh có phù hợp với mình không", anh Thảo xúc động tâm sự.

Qua nhiều kỷ niệm khó quên, anh Thảo thấy yêu thích hơn công việc chuyển phát, "vì mỗi ngày giao hàng là một hành trình khám phá Hà Nội".

Cũng giao hàng lâu năm, chị Cấn Thị Tuyến (trú Hà Nội) bày tỏ nghề chuyển hàng lắm kỷ niệm. Chị nói chắc ít người hủy lịch hẹn đi chợ Tết với con gái "rượu" để giao hàng cho khách.

"Lúc đó đã quá giờ làm lâu rồi, mình lại có hẹn đưa cháu đi mua đồ nhưng có chị khách hứa tặng quà cho con, chuẩn bị về quê cách Hà Nội rất xa nhưng chưa nhận được hàng. Mình hiểu tâm lý con một thì hiểu tâm lý người làm mẹ mười khi hứa tặng quà cho con trẻ.

Thế là mình cố chạy hơn 5 cây số để đem món đồ chơi cho khách. May mắn, khi về nhà, con gái không giận mẹ vì hủy "kèo" đi chợ Tết. Ngược lại, cháu còn chia sẻ vì bạn kia sẽ vui khi có món quà Tết bất ngờ", chị Tuyến bộc bạch.

Giao hàng bị khách nặng lời

Trong 25 năm làm nghề, chị Đỗ Thị Hoàn, nhân viên bưu điện tại Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) chưa gặp tình huống xử lý nào nhiều nước mắt giống như đơn hàng hỏa tốc gửi vào TP.HCM vừa qua. Giọng chị vẫn nghẹn ngào khi nhắc tới sự việc, dù đã được giải quyết êm thấm và phía người gửi hàng đã liên hệ xin lỗi.

Chị Hoàn nhớ lại ngày Tết hàng hóa thường nhiều, khẩn trương hơn. Tuy vậy, có một nguyên tắc chị luôn nhắc khách là kiểm tra lại thông tin chính xác. Người gửi hàng hôm đó là một phụ nữ gửi hộp quà Tết vào TP.HCM hình thức hỏa tốc.

Gửi hỏa tốc thường chỉ 1,5 - 2 ngày, nhưng gói hàng này rất lâu vẫn bặt vô âm tín. Chị Hoàn gọi điện đến các đầu mối để kiểm tra thiếu sót của đơn hàng. Với kinh nghiệm, chị đoán sai số điện thoại. Trong khi đó, người gửi hàng gọi điện giục giã với những lời khó nghe. Chị Hoàn nhớ trong bữa cơm tối với gia đình, chị phải ra ngoài sân để giấu đi những giọt nước mắt trước chồng và con.

Chị lần theo hành trình đơn hàng, được biết đã về bưu cục khác quận của người nhận và lỗi là do sai số điện thoại ghi trên thùng hàng. Lúc này đã qua 5 ngày kể từ ngày gửi. Chị điện cho người gửi, báo địa chỉ bưu cục gói hàng và nhắn người nhận hãy bắt xe ôm tới lấy sẽ nhanh hơn, chị sẽ thanh toán tiền xe ôm.

Cuối cùng khách cũng nhận được món hàng Tết mong đợi, người nhận không để chị phải trả tiền xe ôm, người gửi cũng gọi điện xin lỗi, nhưng chị Hoàn khó mà quên được kỷ niệm đặc biệt này.

Khi được hỏi tại sao chị gắn bó lâu với nghề chuyển phát nhanh như vậy, chị Cấn Thị Tuyến chỉ tủm tỉm nói "nghề chọn mình, mình cảm thấy thoải mái khi đi làm". Mỗi ngày chị phải đi về 20km từ ngoại thành đến bưu cục tại quận Nam Từ Liêm.

"Khi giao hàng, tôi được đi lại trên phố, được gặp nhiều người khách khác nhau. Có khách quen thân, tin tưởng gọi điện hỏi han, trò chuyện như người nhà", chị Tuyến tâm sự.

Chỉ có điều thời tiết thất thường, mưa phùn giá rét của miền Bắc khiến quãng đường giao hàng tưởng như dài hơn. "Nhưng may được ông trời cho sức khỏe để đi làm, có thêm thu nhập nuôi con nên mình tự nhủ cố một chút, chịu mưa chịu nắng", chị vừa tâm sự vừa kéo khăn lên che nửa khuôn mặt rồi khệ nệ ôm các kiện hàng ra xe.

Shipper Shipper 'bơi' trong đơn hàng Tết

Đơn hàng Tết tăng mạnh, các doanh nghiệp chuyển phát đang phải chạy đua đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Lượng shipper cũng làm việc không ngơi nghỉ khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên