19/08/2011 08:35 GMT+7

Thái Lan sửa đổi hiến pháp

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Đảng Puea Thai cầm quyền vừa tuyên bố sẽ đẩy nhanh kế hoạch sửa đổi hiến pháp trong vòng ba tháng tới, sau đó nếu cần thiết sẽ dành thêm hai tháng chuẩn bị cho trưng cầu ý dân.

fR1v6i3L.jpgPhóng to
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tiếp thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb ngày 15-8 trong chuyến công du của ông tới Thái Lan, Singapore, Indonesia và Việt Nam từ ngày 12 đến 25-8 - Ảnh: AFP

Cho dù đây không phải là diễn tiến bất ngờ, nhưng việc Puea Thai tuyên bố “cải cách hiến pháp là vấn đề khẩn cấp” trước cả khi chính phủ báo cáo về chính sách điều hành để quốc hội thông qua (dự kiến ngày 24-8) mới là điều đang khiến dư luận sửng sốt.

Theo báo Bangkok Post, chủ tịch hạ viện Somsak Kiatsuranon cho biết Puea Thai sẽ tham vấn các phe phái trong liên minh cầm quyền về tiến trình sửa đổi hiến pháp năm 2007, vì một số nội dung điều lệ trong đó là “phi dân chủ”. Việc sửa đổi sẽ do một ủy ban gồm nhiều thành phần công chúng để bảo đảm người dân sẽ có tiếng nói liên quan tới nội dung sửa đổi.

“Vấn đề Thaksin”

Những người chỉ trích cho rằng việc sửa đổi hiến pháp là nhằm tìm cách ân xá và đưa thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ năm 2006 về nước, thậm chí là để trả lại tài sản đã tịch thu cho ông. Theo phe đối lập, mục tiêu của việc sửa đổi hiến pháp còn là loại bỏ điều 309 mà nội dung là bảo vệ những người đứng sau vụ đảo chính năm 2006. Tuy nhiên, ông Somsak đã bác bỏ thông tin này. Ông Thaksin Shinawatra hiện đang có án tù 2 năm vì tội tham nhũng và đang tị nạn ở Dubai.

Nghị sĩ Pirapan Palusuk, thành viên của nhóm tư vấn luật pháp của Puea Thai, cho biết trong vòng ba tháng tới đảng này sẽ trưng cầu ý dân để hỏi xem người dân muốn giữ hiến pháp hiện tại hay hiến pháp năm 1997 vốn đã bị vô hiệu sau cuộc đảo chính năm 2006. Nếu kết quả trưng cầu ý dân cho thấy đa số người dân muốn hiến pháp năm 1997 thì chính phủ sẽ có những điều chỉnh dựa trên bản hiến pháp này.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra khẳng định bà không hi vọng tiến trình sửa đổi hiến pháp năm 2007 sẽ hoàn thiện trong vòng một năm và nhấn mạnh tiến trình này phải dựa theo nguyên tắc có sự tham gia của người dân. Bà cho rằng những người chỉ trích bà nên chờ cho đến khi có các nội dung sửa đổi chi tiết hãy lên tiếng phản bác.

Dư luận Thái Lan bắt đầu nghi ngờ về tuyên bố trước đây của bà Yingluck là sẽ không để ông Thaksin Shinawatra thao túng chính phủ của bà khi cá nhân bà đang có những động thái tìm cách đưa anh trai mình về nước sớm. Giới chuyên gia khu vực cũng như quốc tế lâu nay hiểu rõ việc đưa ông Thaksin về nước sớm là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, thậm chí là mối đe dọa cho sự đoàn kết quốc gia ở một đất nước đã liên tiếp trải qua những cuộc khủng hoảng chính trị từ 10 năm qua.

Gián tiếp đưa ra “vấn đề Thaksin” qua việc sửa đổi hiến pháp không khỏi có nguy cơ tạo nên bất ổn mới cho Thái Lan, nhất là vào thời điểm chính phủ mới của bà Yingluck đang đứng trước những thách thức, mà thách thức lớn nhất là hàn gắn một xã hội đang bị chia rẽ sâu sắc - một nhiệm vụ đầy cam go mà bốn chính phủ được lập nên sau cuộc đảo chính năm 2006 chưa thực hiện thành công.

Những thách thức cho bà Yingluck

Theo báo Bangkok Post, đến nay bà Yingluck vẫn chưa chứng tỏ được uy quyền lãnh đạo của mình. Thách thức thật sự sẽ đến với bà khi bắt tay thực hiện những lời hứa với cử tri, vì lợi ích của công chúng và quốc gia chứ không vì lợi ích của bất kỳ thế lực nào. Báo The Nation cho biết chính phủ của bà Yingluck khẳng định ưu tiên tập trung nỗ lực nhằm tăng thu nhập cho người dân và giảm các chi phí sinh hoạt, thay vì tập trung thúc đẩy xuất khẩu để phát triển kinh tế như trước đây.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng thương mại Kittirat Na Ranong cho biết ưu tiên của chính phủ là nâng lương tối thiểu lên 300 baht/ngày (10 USD), lương khởi điểm cho người tốt nghiệp đại học là 15.000 baht/tháng, cắt giảm thuế công ty, giảm giá nhiên liệu, tăng giá nông sản và chống sử dụng ma túy. Hiện tỉ lệ nợ công của Thái Lan tương đương 41,08% GDP vào cuối tháng 5-2011 và có thể tăng lên mức 60% trong những năm tới.

Giới chuyên gia cho rằng nếu áp dụng ngay các chính sách mới thì sức cạnh tranh hàng hóa Thái Lan trên thị trường xuất khẩu sẽ giảm. Ví dụ, chính sách mua thóc gạo với giá bảo lãnh có thể tạo ra tình trạng độc quyền, dẫn tới tình trạng bóp méo giá cả trên thị trường. Chính phủ trở thành khách hàng và nhà buôn gạo lớn nhất, do đó gạo Thái Lan có thể khó cạnh tranh trong tương lai.

Thủ lĩnh đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva đã lên tiếng yêu cầu chính phủ của bà Yingluck phải có những quyết sách vì lợi ích quốc gia, chứ không phải vì cá nhân nào cả. Cựu thủ tướng Abhisit cảnh báo những nhân tố bất ổn thách thức sự cầm quyền của bà Yingluck vẫn còn đó, và một trong những câu hỏi là liệu chính phủ của bà sẽ tồn tại bao lâu.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên