10/02/2024 13:00 GMT+7

Thăm Morocco gặp mái ngói làng Việt

Tôi đi Morocco theo lời mời của cô đại sứ má lúm đồng tiền xinh đẹp Đặng Thu Hà, trước khi cô hết nhiệm kỳ bốn năm làm đại sứ.

Tác giả chụp cùng đại sứ Đặng Thu Hà tại cổng Việt Nam, làng Douar Sfari, trị trấn Ameur Seflia (tỉnh Kenitra, Morocco) đã được khánh thành tháng 11-2022 - Ảnh: CC

Tác giả chụp cùng đại sứ Đặng Thu Hà tại cổng Việt Nam, làng Douar Sfari, trị trấn Ameur Seflia (tỉnh Kenitra, Morocco) đã được khánh thành tháng 11-2022 - Ảnh: CC

Không dự kiến trước, nhưng bốn ngày ở Morocco đối với tôi là bốn ngày khám phá vô cùng thú vị, và đặc biệt là tôi - thêm một lần nữa - được khám phá Việt Nam ngay trên đất Bắc Phi.

Bước qua cổng làng, gặp những bà mẹ Việt, tôi tưởng như mình đang ở trong một làng Việt Nam đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Giữ im lặng, thu mình nhỏ lại để nghe các bà nói chuyện với nhau, tôi nghe rõ trong lòng những âm điệu Việt Nam ngân nga...

Trần Tố Nga

Cổng làng Việt Nam và cô đại sứ

Đại sứ Đặng Thu Hà với tấm bia ghi lịch sử cổng làng Việt - Ảnh: CC

Đại sứ Đặng Thu Hà với tấm bia ghi lịch sử cổng làng Việt - Ảnh: CC

Lần đầu tiên, tôi vào tận cơ ngơi của một đại sứ quán, cùng ăn cơm với món lòng heo mà các bạn cán bộ sứ quán tự làm và thết đãi, nghe đại sứ say sưa kể về cái cổng làng mà cô và cộng đồng người Việt đã cùng thực hiện với sự giúp đỡ tận tình cả về tình cảm lẫn vật chất và kỹ thuật của người Morocco.

Một cổng làng Việt Nam trên đất người! Một cổng làng như bao nhiêu cổng của các làng Việt Nam xa xưa có mặt trên xứ sở của đạo Hồi như Morocco không phải là chuyện thường có. Ngay ở cả Việt Nam đang dần vào hiện đại hóa, đô thị hóa, đôi lúc muốn tìm ngắm một cái cổng làng cũng không dễ.

Cổng làng Việt Nam với hai lá cờ đỏ một mang sao vàng, một mang sao xanh bay phấp phới trước gió tọa lạc tại Douar Sfari, ngoại ô thành phố Kenitra. Và hai bên cổng là đôi câu đối:

Nhớ Việt Nam đất mẹ, nguyện xây tình hữu nghị thủy chung

Ơn Morocco quê cha, quyết phấn đấu vươn lên thành đạt.

Cái cổng làng ấy, muốn thực hiện được, đại sứ đã phải làm các thủ tục xin sự đồng ý của quê nhà, trình bày để có sự đồng tình của các cấp chính quyền sở tại. Từ đồng ý, các cấp sở tại từ làng đến thành phố đã tham gia trực tiếp, ngói và đầu đao đã được chở từ Việt Nam sang.

Cổng làng được xây ở vùng mà cộng đồng bảy gia đình Việt đầu tiên đã đến Morocco từ 50 năm trước đang sinh sống. Ngày ấy không có điện, đường vào làng làm bằng đất, trời mưa bùn nhão thì xe không cách nào vào được.

Cách thủ đô 100km mà tuần nào, cô đại sứ cùng các cán bộ cũng chia nhau đi đi, về về trông coi việc xây dựng. Ngày khánh thành, đại sứ Việt Nam đã hạnh phúc và tự hào mời hơn 600 khách từ mọi nơi đến dự.

Tôi được ngồi xe ngoại giao đi thăm cổng làng. Đường tốt chạy băng băng, điện đã có quanh năm. Lòng rưng rưng, tôi nhìn lá cờ đỏ sao vàng đang bay sánh đôi với cờ Morocco màu đỏ với ngôi sao màu xanh ở cách xa ngàn trùng đất nước.

Tuân theo phong tục quê nhà, cô đại sứ và các cán bộ bày lễ cúng tạ trời đất đã giúp cho bốn năm qua hoàn thành nhiệm vụ được đất nước giao và khi chia tay với xứ sở Hồi giáo này, cô yên tâm vẫn để lại một dấu ấn không dễ gì phai nhạt trong lòng cộng đồng người Việt cũng như trong lòng của những người Morocco.

Con gái của bà Nhung, người phụ nữ Việt đã theo chồng về Morocco 50 năm trước, để cho mẹ vui, cũng đã xây trước đường vào nhà một cái cổng Việt Nam và thúc các gia đình khác cùng làm. Một làng Việt Nam trên đất Morocco được hình thành rõ hơn nhờ những tấm lòng hướng về cội nguồn.

Các bạn du học sinh Việt Nam tại Morocco đến sinh hoạt truyền thống tại đại sứ quán - Ảnh: CC

Các bạn du học sinh Việt Nam tại Morocco đến sinh hoạt truyền thống tại đại sứ quán - Ảnh: CC

Những bà mẹ Việt

Cộng đồng người Việt tại Morocco được hình thành kể từ những năm 1972. Xin nhắc lại một chút lịch sử: trong chiến tranh chống Pháp, có nhiều lính Pháp và nhiều người trong hàng ngũ lê dương ra hàng, đầu tiên họ là hàng binh, sau này tham gia gìn giữ hòa bình tại Việt Nam nên được gọi là chiến sĩ hòa bình. 

Họ tham gia công tác, chủ yếu là công tác binh vận, cũng có người chỉ xin được sống một cuộc sống bình thường như mọi người dân. Họ lấy vợ, sinh con và đến năm 1972 được vua Morocco cho phép hồi hương, mang theo cả vợ và con.

Tại làng Al-Shinwa - Kenitra có bảy gia đình đầu tiên, được vua cấp cho mỗi gia đình 7ha đất để làm ăn sinh sống. Những gia đình đến sau ở rải rác tại các thành phố khác như Casablanca hoặc xa hơn một chút như Marrakech. 

Các bà vợ Việt Nam đã mang sang Morocco sức sống, lòng can đảm, tính cần cù của người Việt để trồng vườn, lập làng mưu sinh, mang sang những phong tục tập quán Việt Nam để thực hành, giữ gìn bảo vệ rồi truyền lại cho con, cho cháu rồi cả cho chắt. 

Đến hôm nay, các thế hệ sau nói tiếng Ả Rập, tiếng Pháp nhưng gặp tôi, họ vẫn nói được một ít tiếng Việt Nam, và dù phần lớn theo đạo Hồi của ông cha nhưng họ không hề quên cội nguồn là quê mẹ. 

Tôi được gặp các cụ bà đã gần hoặc hơn 80 tuổi, gặp các em cháu từ hơn tuổi 20 - 40 tuổi, ai cũng chào tôi bằng tiếng Việt trước khi trao nhau ba cái hôn theo truyền thống châu Âu.

Bà Minh, 90 tuổi, vừa gặp đã hỏi ngay: "Còn nói được tiếng Việt không?", tôi bật cười, tình cảm với bà chợt nảy nở tràn đầy ngay sau câu nói đầu tiên. Và bà kể câu chuyện của hơn 50 năm lập nghiệp xứ người. 

Năm đứa con trên vai, không biết một chữ Ả Rập hay một tiếng nước ngoài nào, ông chồng gia trưởng không muốn làm gì ngoài việc nghỉ ngơi với đồng trợ cấp của nhà vua, bà Minh đã phải cắp con từ Casablanca lên hỏi kinh nghiệm và sự giúp đỡ của các bà đến trước mình chỉ ít lâu. 

May mắn là khi ở Việt Nam, các gia đình đều quen biết nhau và họ đã giữ tình thâm ấy cho mãi đến tận bây giờ. Bà đã nhận bất kỳ việc làm nào có thể để nuôi con, đi cả sang Pháp hay bất cứ nơi nào tìm được việc làm. 

Bà nói: "Làm gì cũng được, miễn sao giữ được lòng tự trọng và không xấu hổ với quê hương".

Nay bà 90 tuổi, tự hào với thành quả cả đời: nuôi sáu người con trưởng thành, trở về quê xây lại mồ mả tổ tiên và giúp bà con, đầu óc vẫn vô cùng minh mẫn, tự chăm sóc bằng các loại cây lá, tự làm đẹp bằng kem thoa mặt gạo và mật ong. 

Chồng đi lấy vợ khác, mấy mươi năm sau đau ốm, bà lại nhận về chăm sóc và lo đầy đủ tang lễ, làm nguyên con bò đãi khách đến chia buồn. Tấm lòng ấy phải chăng là tấm lòng mang tên Việt Nam. Bà đã khiến làng xóm đi từ ngạc nhiên đến khâm phục và kính trọng.

Bên cạnh bà Minh còn có bà Hiền, bà Nhung, những người ít ỏi còn lại kể từ cái năm họ cùng rời quê theo chồng, tự thân lập nghiệp nuôi con khôn lớn. Mỗi người con vỗ cánh đi nhiều nơi, nhưng đều quay về với mẹ trong những ngày Tết, giỗ kỵ. 

Các bà hồ hởi kể: "Chúng tôi dạy con, dạy cháu không quên cội nguồn, không quên dòng máu Việt. Con cháu của chúng tôi có hiếu, biết sống tử tế. Tết đến, làng chúng tôi tụ tập cùng gói bánh chưng, cùng thổi xôi luộc gà cúng ông bà tổ tiên...".

Các bà đi hái và gói cho tôi một vali đầy cây sả, lá ổi, lá đu đủ được trồng trên mảnh đất 7ha được vua ban để mang về Pháp làm thuốc trị bệnh. Tôi mang theo về Pháp và mong mỏi được gửi về Việt Nam cả hình ảnh của những con người Việt Nam trên đất Bắc Phi.

Chim sẻ chim sâu

Cô đại sứ Thu Hà còn cho tôi niềm vui được gặp các em du học sinh đang theo học tại Rabat, thủ đô của Morocco. Cả đời làm giáo dục và gắn bó với những người trẻ, tôi thật vui khi được gặp các em, các cháu, tự cho phép mình thay mặt những người lớn ở nhà để kể cho các em nghe về một thời đoạn của lịch sử đất nước mình qua chính cuộc đời mình.

Chỉ có hai tiếng đồng hồ, mà tôi lại tham lam muốn gợi các em nhớ lại các giai đoạn đất nước và của dân tộc, cùng các em sống lại những cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất, lập lại hòa bình, những hy sinh của tuổi trẻ khi còn chưa biết yêu, những tháng ngày vượt Trường Sơn "đi theo ánh lửa từ trái tim mình"... 

Tôi kể về cuộc đấu tranh của mình để đòi công lý cho nạn nhân da cam kéo dài đã hơn 10 năm và sẽ còn không biết trong bao nhiêu năm nữa. 

Tôi nói với các em: "Đừng để ngọn lửa của lịch sử, của dân tộc bị tắt trong tim của các em. Đừng bao giờ quên rằng các em dù ở đâu cũng là tương lai của Việt Nam".

May mắn thay các em đã hiểu, đã ôm tôi với dòng nước mắt đầy xúc cảm nhưng cũng đầy nhớ nhung mẹ cha đang ở quê nhà. 

Một trong những lời nhắn của các em gửi đến tôi: "Chúng con cảm ơn bà Tố Nga rất nhiều ạ, những chia sẻ của bà không chỉ cho tụi con hiểu hơn, chính xác hơn về lịch sử đất nước mình, cho tụi con thêm biết ơn và trân trọng những gì mình đang có. Mà đó còn là tiếng chuông đánh thức tụi con về tinh thần học tập và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội.

Con cũng cảm ơn bác Hà vì đã luôn quan tâm và tạo những cơ hội quý giá như thế này cho tụi con, tụi con đã học hỏi được rất nhiều và sẽ tiếp tục cố gắng. Con cảm ơn mọi người!".

Ríu rít như những chú chim non, hai cô chim sẻ đầu tiên hôm nay đã được thêm một bầy 19 cô chú chim sâu làm mạnh thêm đội ngũ. Hy vọng buổi gặp này sẽ góp phần giữ trong các cô, các chú chim non của tôi ngọn lửa quê hương để mai kia trở thành những chim phượng, chim đại bàng xây dựng đất nước.

Cổng Morocco ở Ba Vì

Ông Nghiêm Hữu Phúc, từng là cán bộ phụ trách chăn nuôi của Nông trường Việt Phi, và một hàng binh châu Phi bên chiếc cổng Morocco - Ảnh: Báo Nhân Dân

Ông Nghiêm Hữu Phúc, từng là cán bộ phụ trách chăn nuôi của Nông trường Việt Phi, và một hàng binh châu Phi bên chiếc cổng Morocco - Ảnh: Báo Nhân Dân

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hơn 300 hàng binh Morocco ở lại Việt Nam và cùng với thanh niên địa phương khai phá nông trường Ba Vì, Hà Nội, lập nghiệp, lập gia đình, lập làng tại đây.

Năm 1960, họ xây dựng một chiếc cổng cao có vòm, cột trụ, những dải phù điêu trang trí theo phong cách Morocco cổ điển để tỏ lòng tưởng nhớ quê hương và quyết tâm lập nghiệp trên quê mới là Việt Nam.

Đến nay, chiếc cổng vẫn còn nguyên vẹn dưới chân núi Ba Vì, Đại sứ quán Morocco đã cho đặt một tấm bia với lời kết: "Cánh cổng này đã nhiều năm chống chọi lại với sự tàn phá của thời gian, là tài sản chung, biểu tượng cho tình đoàn kết giữa con người với con người".

Làng nghề Việt độc lạ trong thiết kế của sinh viên Việt và Thái LanLàng nghề Việt độc lạ trong thiết kế của sinh viên Việt và Thái Lan

Những tinh hoa của 10 làng nghề truyền thống ở Hà Nội được gói gọn rất độc đáo trong 10 thiết kế của các sinh viên Việt Nam và Thái Lan, đang được giới thiệu tới công chúng tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội, kéo dài tới 29-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên