07/08/2014 11:07 GMT+7

Thắng kiện vẫn không đòi được nợ

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Họ đều là những người nghèo, thật thà đưa tiền cho người khác. Được tòa tuyên thắng kiện, chấp hành viên thi hành án thì nói đã làm đúng pháp luật.

Thế nhưng người được thi hành án vẫn không thể lấy lại được tiền.

Chừng nào tôi mới đòi được tiền?Thả gà ra để đuổi

8rZJp7vg.jpgPhóng to
Ông Đinh Văn Lượng là nhân vật trong bài “Chừng nào tôi mới đòi được tiền?” (Tuổi Trẻ 1-9-2013) và chị Trần Thị Hồng Quế, nhân vật trong bài “Thả gà ra để đuổi” (Tuổi Trẻ 28-7-2013)

Hai vợ chồng ông Đinh Văn Lượng (ấp An Hòa, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM) không có con, làm cán bộ nhà nước đến tuổi nghỉ hưu mới dành dụm được ít tiền.

Cuối năm 2012, ông Lượng vay thêm bạn bè mua miếng đất để sinh sống khi về già. Tuy nhiên, thửa đất mà ông Lượng đặt cọc mua lại là đất không được bán, không được xây dựng nhà cửa. Bên bán nhà không trả lại tiền nên ông Lượng phải kiện ra tòa.

Tòa tuyên ông Lượng thắng kiện và buộc người bán nhà phải trả cho ông Lượng 42 triệu đồng (sau khi ông Lượng đồng ý bớt 10 triệu).

Nhưng kể từ khi bản án có hiệu lực (tháng 4-2013) đến nay, ông Lượng tốn không biết bao nhiêu thời gian và công sức để yêu cầu thi hành án mà vẫn chưa xong. Ngày 24-2-2014, chấp hành viên thi hành án của Chi cục Thi hành án huyện Củ Chi mời ông Lượng đến để nhận tiền và tài sản.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc thì bên phải thi hành án chỉ trả 30 triệu đồng, còn lại xin ông Lượng bớt cho. Ông Lượng không chịu, yêu cầu phải trả hết số tiền kèm lãi suất.

Bởi vậy, chấp hành viên thi hành án hướng dẫn ông Lượng khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Củ Chi để phân chia tài sản chung của người phải thi hành án.

Nộp đơn đã hai tháng, nhưng đến nay ông Lượng vẫn không biết đến bao giờ mới đòi lại được tiền của mình.

Ông Lượng nói rằng ông là người làm ăn lương thiện, tích cóp vay mượn cả đời mới được chút tiền, giờ nợ lãi tháng nào cũng phải trả mà tiền được thi hành án thì không đòi được.

Còn ông Mã Đăng Khoa (chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi) cho rằng Chi cục Thi hành án đã làm đúng chức năng của mình là hướng dẫn đương sự.

Ông Khoa cũng cho biết có biết việc ông Lượng nói muốn treo cổ trước Chi cục Thi hành án Củ Chi và Cục Thi hành án TP.HCM, và ông Khoa bình luận rằng: “Ông ấy làm sao có thể treo cổ ở hai nơi được?”(!?).

Trường hợp thứ hai là chị Trần Thị Hồng Quế (ngụ tại P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM) có cho một người nguyên là cán bộ công an mượn số tiền 65 triệu đồng. Sau đó người này nghỉ hưu, chuyển nhà đi nơi khác ở, không trả tiền cho chị.

Khó khăn lắm chị Quế mới tìm được nơi ở mới của người này để đòi tiền nhưng không đòi được. Bởi vậy chị kiện ra tòa.

Tại buổi hòa giải tháng 9-2012, người này đồng ý trả cho chị Quế số tiền 65 triệu đồng nhưng từ đó đến nay, chị Quế tốn không biết bao nhiêu công lao, sức lực đi tới Chi cục Thi hành án huyện Hóc Môn để yêu cầu thi hành bản án mà theo chị Quế, người mượn đã trả nhiều lần nhưng vẫn còn nợ chị 28 triệu.

Chị Quế cũng không có nhà ở, mấy mẹ con phải ở trọ trong một dãy phòng trọ ở Gò Vấp và làm nghề bán hàng rong trên vỉa hè kiếm sống.

“Đó là điều đau xót”

Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo luật thì trong thời hạn 2-4 tháng, tòa phải đưa vụ tranh chấp dân sự ra xét xử nhưng thực tế thời hạn này bị vi phạm rất nhiều khiến vụ án có thể kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm.

“Chỉ riêng án phí và các chi phí khác, chưa tính luật sư đã chiếm 30% giá trị số tiền tranh chấp, đó là chưa kể đến việc thi hành án bị kéo dài và cù cưa từ ngày này sang tháng khác nữa.

Trong khi đó, nếu thuê xã hội đen đòi nợ thì số tiền phải chi trả cũng từ khoảng 30-50% số tiền tranh chấp, nhưng vụ việc lại được giải quyết rất nhanh gọn và đương sự không phải mất thời gian chờ đợi. Nên dù đó là một dịch vụ không đúng pháp luật nhưng người dân lại tin tưởng. Bởi người ta không còn tin vào các cơ quan pháp luật nữa”.

Cảnh báo rằng những hoạt động đòi nợ thuê đã và đang để lại những hậu quả không tốt, nhưng khi cần thì người dân vẫn sẽ lén lút lựa chọn cách không hợp pháp ấy.

“Đó là điều đau xót” - luật sư Đức nói.

Ông Nguyễn Văn Lực (cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM):

Cần sửa Luật thi hành án dân sự

Quá trình thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ghi nhận có những trường hợp có điều kiện thi hành án nhưng không thể thi hành án được bởi số tiền phải thi hành án thì ít mà tài sản lại lớn (gấp nhiều lần số tài sản phải thi hành án) thì không thể tổ chức cưỡng chế thi hành án được mà cần phải tuyên truyền vận động để người ta tự nguyện thi hành án.

Theo tôi, cần phải kiến nghị sửa Luật thi hành án dân sự để có những chế tài mạnh hơn và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để cơ quan thi hành án có thể xử lý được khối tài sản lớn.

Hiện nay, pháp luật đang công bằng với cả bên bị thi hành án và bên được thi hành án nên gây ra rất nhiều bức xúc cho bên được thi hành án.

Hiện cũng có tình trạng các đương sự lợi dụng các kẽ hở trong quá trình tố tụng của Việt Nam để kéo dài, đến khi thi hành án khiến người dân rất mệt mỏi và bức xúc.

Ngoài ra, trình tự thi hành án còn nhiêu khê và việc thi hành án chưa đạt yêu cầu.

Bởi vậy, cách mạnh mẽ nhất là phải sửa luật và khi tòa xử thì phải áp dụng biện pháp bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, còn cơ quan thi hành án cần phải dùng sức mạnh quyền lực để đảm bảo chất lượng thi hành án.

H.ĐIỆP ghi

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên