12/07/2023 16:27 GMT+7

Thanh niên Nhật 'kết hôn' với nhân vật hư cấu vì áp lực xã hội

Áp lực về tài chính, nạn bắt nạt tại nơi làm việc và những định kiến giới khiến nhiều người trẻ Nhật đem lòng say đắm các nhân vật hư cấu.

Bức ảnh cưới của anh Akihiko và "người vợ ảo" Miku hồi tháng 11-2018 - Ảnh: NEW YORK TIMES

Bức ảnh cưới của anh Akihiko và "người vợ ảo" Miku hồi tháng 11-2018 - Ảnh: NEW YORK TIMES

Cuối tháng 6 vừa qua, anh Akihiko Kondo, người từng gây sốc khi kết hôn với nhân vật hư cấu, đã cùng với một vài người đồng nghiệp thành lập Hiệp hội Tính dục hư cấu.

Tháng 1-2018, anh Akihiko tuyên bố kết hôn với một ca sĩ ảo có tên Hatsume Miku bất chấp sự kỳ thị của bạn bè, người thân và gia đình.

Sau 4 năm, anh Akihiko khẳng định tình yêu mà bản thân dành cho “người vợ đặc biệt” này vẫn không thay đổi.

Những người như anh Akihiko được gọi là otaku, chỉ những người có niềm đam mê mãnh liệt với một thứ gì đó, có thể là những nhân vật hư cấu trong các trò chơi điện tử hoặc trong truyện tranh.

Một bài báo nghiên cứu nhân khẩu học năm 2019 của Hiệp hội Giáo dục giới tính Nhật Bản, hơn 10% thiếu niên Nhật Bản từ 14 đến 18 tuổi yêu thích các nhân vật hư cấu và nhân vật hoạt hình.

Không chỉ vậy, số lượng thành viên trong nhóm những người có quan hệ tình cảm, hay thậm chí là quan hệ tình dục với các nhân vật hư cấu ngày càng tăng lên.

Bị người thật từ chối, đặt tình yêu nơi người ảo

Chị Kina Horikawa với Kunihiro Horikawa, một nhân vật trong trò chơi di động Touken Ranbu tại Tokyo - Ảnh: NEW YORK TIMES

Chị Kina Horikawa với Kunihiro Horikawa, một nhân vật trong trò chơi di động Touken Ranbu tại Tokyo - Ảnh: NEW YORK TIMES

Theo kết quả khảo sát về sở thích của những người trẻ do giáo sư Masahiro Yamada, một nhà xã hội học và cũng là người phụ trách giải đáp các thắc mắc về vấn đề gia đình - xã hội trên tờ nhật báo Yomiuri, thực hiện hồi năm 2019 cho thấy khoảng 12% thanh niên yêu thích một nhân vật trong các trò chơi điện tử hoặc một nhân vật hoạt hình nào đó.

Theo ông Yamada phân tích, việc này có liên quan nhiều đến vấn đề kinh tế và truyền thống, trong đó, phần lớn là do nhiều phụ nữ Nhật Bản thường xem trọng vấn đề tài chính của người bạn trai.

“Ở một số quốc gia châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc, mọi người thường bị ám ảnh về mức lương và dường như nỗi ám ảnh này đang ngày một lớn dần”, ông Yamada nói với đài BBC.

Với mức thu nhập ngày càng giảm, tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, cả nam giới và nữ giới Nhật Bản đều cảm thấy ngột ngạt khi bị bủa vây bởi những định kiến cũ kỹ.

Quả thật, mối quan hệ với các nhân vật hư cấu thoải mái và vượt trội hơn hẳn các mối quan hệ thực tế là ở sự tự do vượt khỏi các chuẩn mực xã hội khắt khe, đã ăn sâu vào văn hóa và tiềm thức của nhiều người Nhật Bản.

Định kiến “nam giới phải trả tiền cho các buổi hẹn hò và nữ giới chỉ cần làm hài lòng đối phương là đủ” đã khiến nhiều người trẻ “bỏ chạy” khỏi các mối quan hệ với người thật để tìm đến niềm ủi an với những nhân vật không có thật.

Theo chia sẻ của anh Akihiko, sau 7 lần bị phụ nữ từ chối đã khiến anh mất niềm tin vào phụ nữ thật và chính điều này khiến anh dễ dàng say mê "người vợ ảo" Miku.

Áp lực từ môi trường làm việc khắc nghiệt

Theo trang Japan Today, một nguyên do khác khiến nhiều người Nhật Bản yêu thích các nhân vật hư cấu đến từ những áp lực ở nơi làm việc.

Người lao động ở Nhật Bản phải đối mặt với thời gian làm việc dày đặc, tăng ca nhưng không mấy khi được tăng lương và cả hệ thống phân cấp trong chính nơi làm việc.

Sau khi kết thúc khoảng thời gian đầy áp lực tại nơi làm việc, nhiều người tìm đến những trò giải trí như một cách giải thoát bản thân.

Anh Akihiko cũng là một nạn nhân của bạo lực tinh thần tại nơi làm việc khiến anh rơi vào trầm cảm và phải nghỉ việc. Chính "người vợ ảo" Miku đã giúp anh dần vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó.

Một xã hội “sợ hôn nhân”

Thay vì "trốn kết hôn", chị Kanae Ito (25 tuổi) lựa chọn tự kết hôn với chính mình - Ảnh: NEW YORK TIMES

Thay vì "trốn kết hôn", chị Kanae Ito (25 tuổi) lựa chọn tự kết hôn với chính mình - Ảnh: NEW YORK TIMES

Một khảo sát được thực hiện năm 2021 của Viện Dân số và An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản - một cơ quan trực thuộc chính quyền thủ đô Tokyo cho thấy tỉ lệ thanh niên “trốn” kết hôn tại nước này đã tăng cao kỷ lục.

17,3% nam giới và 14,6% nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 34 tuổi cho biết họ không có ý định kết hôn. Đây là mức cao kỷ lục kể từ cuộc khảo sát lần đầu tiên được thực hiện năm 1982.

Số lượng các cuộc hôn nhân giảm kỷ lục khiến tỉ lệ sinh tại Nhật Bản cũng giảm nghiêm trọng. Tất cả có thể đẩy Nhật Bản đến viễn cảnh thiếu lực lượng lao động và nền kinh tế nước này dần bị thu hẹp.

Vì sao phụ nữ hiện đại ngày càng ngại kết hôn?Vì sao phụ nữ hiện đại ngày càng ngại kết hôn?

Áp lực cuộc sống, tài chính, không muốn ràng buộc, quan niệm về hôn nhân không theo kiểu truyền thống là những điều khiến không ít phụ nữ trẻ ngại kết hôn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên