22/01/2024 17:11 GMT+7

Thành phố âm nhạc Đà Lạt thiếu trường đào tạo âm nhạc

Các chuyên gia nhìn nhận thành phố Đà Lạt thiếu trường đào tạo âm nhạc, dẫn đến thiếu hụt nhân lực để thúc đẩy vai trò thành phố sáng tạo UNESCO.

Các nghệ sĩ nhạc cổ điển biểu diễn tại Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Các nghệ sĩ nhạc cổ điển biểu diễn tại Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Sớm có trường, viện âm nhạc tại Đà Lạt

Ngày 22-1, Không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi đã tổ chức tọa đàm “Bức tranh âm nhạc trong bối cảnh mới - Đà Lạt với vai trò là thành phố âm nhạc của UNESCO”.

Tại tọa đàm, các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc đã gửi đến Đà Lạt những sáng kiến để thúc đẩy vai trò thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

Ông Trần Thanh Hoài, phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận để có nhân lực phát huy vai trò thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc thì Đà Lạt cần có một trường âm nhạc hoặc một viện âm nhạc. Trường hay viện âm nhạc có giá trị rất lớn hội tụ nhân lực cho thành phố, nhằm thực hiện các dự án của mình.

Ông Lưu Đức Anh (giảng viên khoa âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cho rằng Đà Lạt nên có một festival quốc tế về âm nhạc - Ảnh: M.V.

Ông Lưu Đức Anh (giảng viên khoa âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cho rằng Đà Lạt nên có một festival quốc tế về âm nhạc - Ảnh: M.V.

Ông Nguyễn Đức Anh (trưởng khoa piano, Học viện Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật SOUL) góp ý: “Chúng ta cần chia ra nhiều giai đoạn để thu hút nguồn nhân lực có trình độ từ các thành phố lớn để lưu trú và hoạt động biểu diễn, sau đó kết hợp đào tạo. Từ nguồn nhân lực này có thể phát triển nguồn nhân lực địa phương. 

Chúng ta có thể thấy tại sao âm nhạc cổ điển, thính phòng khó phát triển ở Đà Lạt. Đó là do chúng ta thiếu giáo dục âm nhạc từ giai đoạn trẻ em. Phải khai mở từ sớm để kích thích sự tò mò với âm nhạc. Từ đó, khi lớn lên các em sẽ trưởng thành cùng âm nhạc".

Trong lúc chờ một trường âm nhạc đúng nghĩa cho Đà Lạt, ông Nguyễn Đức Anh đề xuất một khóa học tinh gọn về âm nhạc dành cho trẻ em. Các khóa học này có thể phổ biến vào trường học.

Ông Đức Anh đề xuất chính quyền thành phố cần có quỹ khuyến học về âm nhạc để hỗ trợ các tài năng được phát hiện từ các khóa học tinh gọn.

Đưa âm nhạc vào mọi ngóc ngách thành phố

Ông Lưu Đức Anh góp ý Đà Lạt rất cần tổ chức một cuộc thi âm nhạc quốc tế, một festival đủ sức thu hút các nghệ sĩ hạng A trên thế giới đến biểu diễn.

Truyền thông thế giới sẽ rất quan tâm khi có những nghệ sĩ hạng A biểu diễn tại Đà Lạt. Mà truyền thông quốc tế không chỉ nói đến sự kiện, mà còn nói về nét độc đáo của thành phố đang diễn ra sự kiện.

Để tối ưu chi phí, các diễn giả cho rằng nên đưa âm nhạc vào các sự kiện thường niên, định kỳ để làm mới các sự kiện - Ảnh: M.V.

Để tối ưu chi phí, các diễn giả cho rằng nên đưa âm nhạc vào các sự kiện thường niên, định kỳ để làm mới các sự kiện - Ảnh: M.V.

Nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc nhìn nhận yếu tố không gian rất quan trọng. Anh nói: “Hà Nội hay các đô thị lớn khác sẽ không có không gian nghệ thuật như Đà Lạt. Tôi đã từng tập nhạc lúc 11 giờ đêm tại thành phố này. Học trò quây tròn chung quanh để xem thầy tập. Việc này không thể có ở Hà Nội hay các thành phố khác”.

Đà Lạt hiện nay có nhiều sự kiện âm nhạc ngoài trời có tính cộng đồng - Ảnh: M.V.

Đà Lạt hiện nay có nhiều sự kiện âm nhạc ngoài trời có tính cộng đồng - Ảnh: M.V.

Bà Vũ Phương tiếp nối ý kiến của nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc ở góc độ thúc đẩy vai trò của thành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt với mức kinh phí thấp nhất. Bà nói: “Chúng ta có thể kết hợp âm nhạc cổ điển với những phương cách tiếp cận dễ dàng hơn như nhạc Trịnh, Lê Uyên Phương. Đưa âm nhạc vào những dự án không phải âm nhạc. Đây là cách nhanh chóng đưa âm nhạc đến số đông, cộng đồng nhưng không tạo ra quá nhiều sự kiện mới gây lãng phí hoặc tốn kém".

Đà Lạt nằm trong mạng lưới sáng tạo gồm 350 thành phố trên toàn cầu

Ngày 31-10-2023, UNESCO đã gửi thư thông báo Đà Lạt đã trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Đà Lạt được công nhận vì những nỗ lực cho sự phát triển âm nhạc.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Tính đến nay, mạng lưới này có 350 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đà Lạt kỷ niệm 130 năm, được công nhận là thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCOĐà Lạt kỷ niệm 130 năm, được công nhận là thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO

Tại lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, UNESCO đã trao thư xác nhận Đà Lạt chính thức gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên