19/02/2024 23:51 GMT+7

Thành ủy Hà Nội: Cán bộ phải tận tâm trong ứng xử, giao tiếp khi phục vụ dân

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Người Hà Nội rước kiệu Vua Quang Trung và kiệu Hoàng hậu Ngọc Hân trong lễ hội 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa - Ảnh: NAM TRẦN

Người Hà Nội rước kiệu Vua Quang Trung và kiệu Hoàng hậu Ngọc Hân trong lễ hội 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa - Ảnh: NAM TRẦN

Chỉ thị được ký trong ngày 19-2.

Nội dung chỉ thị thể hiện với vị trí, tầm vóc của thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa, con người.

Vì vậy, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp.

Tuy nhiên, hiện vẫn có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng.

"Thái độ sùng bái đồng tiền, lối sống hưởng thụ, buông thả, không chú trọng xây dựng, phát triển thế hệ tương lai. Tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, đặc biệt trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có nguy cơ làm mai một vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, hạn chế tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến xây dựng thủ đô", chỉ thị nêu rõ.

Theo Thành ủy Hà Nội, những hạn chế trên là do nhận thức, giáo dục thẩm mỹ, thị hiếu, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận người dân thủ đô còn xem nhẹ giá trị văn hóa, tính nhân văn - giá trị cốt lõi trong xây dựng nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đặt con người là trung tâm của chiến lược phát triển thủ đô

Để sự nghiệp phát triển thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại", Hà Nội xác định phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển thủ đô. Vì vậy, Thành ủy Hà Nội yêu cầu:

Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào năm 2021.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân.

Thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại".

"Có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, cổ xúy cho lối sống, văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, truyền thống văn hiến của thủ đô", chỉ thị nêu rõ.

Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu kịp thời tuyên dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các hành vi ứng xử đẹp của người dân thủ đô.

"Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ thủ đô thanh lịch, văn minh.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình như lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý…

Nghiên cứu đưa môn Hà Nội học vào chương trình giảng dạy

Về giáo dục, Hà Nội yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ thủ đô, hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đề cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường; kiên quyết ngăn chặn bạo lực và các tệ nạn học đường; nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội. Nghiên cứu đưa môn "Hà Nội học" vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở thủ đô. 

Đặc biệt, mỗi công dân thủ đô cần giữ hình ảnh tinh tế, thanh lịch khi ứng xử với du khách quốc tế.

"Xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trở thành tấm gương chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng.

Trong hoạch định chiến lược, minh bạch chính sách, thực thi công quyền, có sức cảm hóa, tập hợp, truyền cảm hứng, cổ vũ đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thủ đô phải nêu gương trong giao tiếp, ứng xử, tận tâm phục vụ nhân dân, thi hành công vụ", chỉ thị yêu cầu.

Thành ủy Hà Nội: Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy thiệt hại về ngườiThành ủy Hà Nội: Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy thiệt hại về người

Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại thủ đô trong tình hình mới vừa được Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ký.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên