23/03/2019 13:20 GMT+7

Thế giới hoang mang vì Boeing - Kỳ 2: Cuộc đua vội vàng với Airbus

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Nhiều người hẳn không quên vụ khủng bố kinh hoàng diễn ra ngày 11-9-2001. Chỉ một tuần sau sự kiện này, Hãng Boeing - đại gia sản xuất máy bay và vũ khí của Mỹ - đã sa thải 30.000 nhân viên.

Thế giới hoang mang vì Boeing - Kỳ 2: Cuộc đua vội vàng với Airbus - Ảnh 1.

Một nhà máy sản xuất của Tập đoàn Boeing - Ảnh chụp màn hình Twitter

Vụ tấn công khủng bố là một cú sốc đối với nước Mỹ và nền kinh tế toàn cầu. Lúc đó, niềm tin vào sự an toàn của đường hàng không đã lay chuyển đến tột độ và Boeing buộc phải tái thiết kế ngành sản xuất của mình trước thực tế đó.

Khi chứng nhận dòng 737 MAX, an toàn không phải là ưu tiên hàng đầu mà đó là thời gian. Boeing phải nỗ lực bắt kịp Airbus. Các quan chức FAA cũng hiểu rằng thời gian là ưu tiên số 1 và họ sẽ không xem xét các tài liệu kỹ lưỡng.

Trang aviationcv.com

Cuộc đua giữa 2 gã khổng lồ

Và giờ đây, sau hai vụ tai nạn hàng không liên tiếp liên quan đến dòng máy bay 737 MAX - "con gà đẻ trứng vàng" của Boeing, công ty này một lần nữa đối diện với bức tranh sẫm màu chẳng biết đâu mà lần.

Thống kê của trang The Air Current cho thấy cuộc đua bám sát đuôi giữa Boeing và Airbus chỉ diễn ra sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Trước thời điểm đó, Boeing luôn dẫn trước Airbus về số đơn hàng giao hằng năm.

Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển mình ngoạn mục của Airbus. Đó cũng là lúc cuộc cạnh tranh giữa hãng sản xuất máy bay ở châu Âu và Mỹ bắt đầu gay cấn. Cả hai hãng đều phát triển các mẫu máy bay hoàn toàn mới và không ngừng nâng cấp cho mẫu A320 (Airbus) và 737 (Boeing).

Từ năm 2003-2011, Airbus luôn dẫn trước Boeing về số đơn hàng máy bay đã giao. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2012-2018, Boeing dần lấy lại phong độ và luôn có số máy bay bàn giao cho khách hàng cao hơn Airbus.

Năm 2018, Boeing bàn giao tổng cộng 806 chiếc máy bay, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là từ 810-815 chiếc. Dẫu vậy, con số này vẫn cao hơn mức 763 chiếc vào năm 2017. Số máy bay mà Boeing giao đi năm ngoái cũng nhiều hơn Hãng Airbus (800 chiếc).

Tuy nhiên, Airbus vừa gây nên tiếng vang lớn tại Mỹ khi Hãng hàng không American Airlines đồng ý đặt hàng dòng máy bay mới nhất của Airbus là A320 NEO. Hồi đầu tháng 2, hãng hàng không của Mỹ đã nhận chiếc A320 NEO đầu tiên trong số 100 chiếc đặt hàng từ Airbus.

Tuy nhiên, trước thông tin sốc này, Boeing đã ôm ấp "đại mộng" thiết kế một loại tàu bay mới thay thế mẫu 737 để cạnh tranh với Airbus. Điều đáng nói là Boeing thực hiện điều đó trong thời gian... "quá nhanh quá nguy hiểm".

Thế giới hoang mang vì Boeing - Kỳ 2: Cuộc đua vội vàng với Airbus - Ảnh 3.

Số máy bay mà Boeing và Airbus bàn giao cho khách hàng hằng năm từ năm 1990-2018 Nguồn: Boeing và Airbus - Đồ họa: T.ĐẠT

Đốt cháy giai đoạn

Để tiết kiệm công sức và "chắt lọc" thành quả nhiều năm, thay vì thiết kế một mẫu máy bay hoàn toàn mới, Boeing đã cho ra đời dòng 737 MAX dựa trên việc thiết kế lại các máy bay 737. Boeing sản xuất nhanh đến mức họ bán máy bay dòng mới cho các hãng hàng không ngay trước khi Airbus có thể nhận được thêm các đơn hàng.

Bên cạnh kiểu thiết kế này, điều gây tranh cãi hàng đầu hiện nay là việc Boeing được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) bật đèn xanh cho dòng máy bay mới. Đó là lý do tại sao Bộ Giao thông Mỹ đã mở cuộc điều tra về cách thức FAA cấp giấy chứng nhận cho Boeing 737 MAX.

Sau khi nhiều hãng bay và nhà quản lý hàng không khắp thế giới cho "nằm đất" các máy bay dòng 737 MAX vì lý do an toàn, Mỹ mới là một trong những nước cuối cùng có phản ứng tương tự. Theo báo Seattle Times, khi Boeing vội vã chạy đua với Airbus vào năm 2015, các quan chức FAA đã tạo điều kiện cho phép các kỹ sư của hãng này tự tiến hành đánh giá mức độ an toàn của dòng 737 MAX.

Khi thời gian quá ít để các kỹ sư FAA hoàn thành bản đánh giá, ban quản lý cấp trên của họ đã ký nháy vào tài liệu rồi trao lại chúng cho Boeing. Trong quá trình đó, FAA đã để một "con sâu" trốn thoát: hệ thống tăng cường tính năng điều khiển (MCAS).

Việc FAA phê chuẩn bản đánh giá an toàn của MCAS rõ ràng đã cho thấy điều đó. Hiện MCAS bị đặt vào vòng nghi vấn sau hai vụ tai nạn hàng không ở Indonesia và Ethiopia. Và có lẽ MCAS được lắp trên 737 MAX cũng là do tham vọng của Boeing.

Thế giới hoang mang vì Boeing - Kỳ 2: Cuộc đua vội vàng với Airbus - Ảnh 4.

Động cơ CFM Leap-1B của Boeing 737 MAX - Ảnh chụp màn hình Twitter

Thành công trước mắt, thất bại phía sau

Boeing ra mắt dòng 737 MAX vào năm 2011 và bắt đầu giao hàng vào năm 2017, sau ba quý kể từ khi Airbus tung ra A320 NEO. Boeing muốn bắt kịp mẫu A320 NEO của Hãng Airbus - dòng máy bay thân hẹp tiết kiệm nhiên liệu hơn mẫu 737 được Boeing bán.

Dòng 737 MAX có thể giúp giảm 14% mức nhiên liệu tiêu thụ so với các mẫu máy bay trước. Nếu A320 NEO có sức chứa tối đa 190 người thì 737 MAX 8 có thể chở tối đa 210 hành khách.

Kể từ đó, 737 MAX đã trở thành dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing với 370 chiếc được giao cho các hãng hàng không và hơn 4.500 chiếc đang được đặt hàng.

Tuy nhiên, sự ám ảnh của Boeing trước bước tiến mới của Airbus đã để lại nhiều hậu quả. Để cải thiện độ hiệu quả nhiên liệu của dòng phi cơ mới, Boeing không chỉ sử dụng loại cánh lượn mới mà còn đưa vào loại động cơ mới toanh.

Tuy nhiên, loại động cơ này lại có kích thước lớn nên Boeing phải thiết kế lại vị trí phần động cơ và đặt động cơ nhô hơn về phía trước so với phần cánh đã phá vỡ trọng tâm của máy bay.

Điều này làm cho 737 MAX 8 có xu hướng hất mũi lên trong quá trình bay, khiến máy bay dễ lâm vào tình trạng thất tốc và rơi tự do.

FAA ra hạn chót cho Boeing

Theo trang Wired, kết quả điều tra sơ bộ vụ tai nạn máy bay 737 MAX của Hãng Lion Air cho thấy có thể hệ thống MCAS đã nhận tín hiệu sai do cảm biến góc tấn gặp trục trặc, khiến hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) tưởng rằng máy bay sắp thất tốc nên tự động phát lệnh chúi mũi máy bay xuống. Phi công đã nỗ lực đưa mũi máy bay lên 21 lần nhưng bất thành. Boeing còn thiết kế dòng máy bay mới này với một "đặc tính" giúp tiết kiệm chi phí hơn: không cần đào tạo lại những phi công từng lái các chiếc Boeing 737 trước đó.

Giữa bê bối trên, Boeing hứa hẹn sẽ cập nhật nhanh phần mềm cho các hệ thống của 737 MAX. FAA đã ra hạn chót để Boeing thực hiện những thay đổi này trong tháng 4. Nếu Boeing không đáp ứng yêu cầu, những con "chim sắt" 737 MAX sẽ phải tiếp tục "bị giam cầm" trên mặt đất.

Kỳ tới: Tình bạn giữa Boeing và FAA

Hàng không Indonesia hủy đơn hàng 49 chiếc Boeing 737 MAX 8 Hàng không Indonesia hủy đơn hàng 49 chiếc Boeing 737 MAX 8

TTO - Hãng hàng không quốc gia Garuda của Indonesia hủy đơn hàng 49 chiếc Boeing 737 MAX 8 trị giá hàng tỉ USD sau hai tai nạn hàng không liên quan đến dòng máy bay này.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên