21/10/2023 07:10 GMT+7

Thể nghiệm nghệ thuật kết hợp thiền định và đam mê vô tận ở Giờ thứ 9

Sau 8 giờ miệt mài với công việc hằng ngày, 'Giờ thứ 9' trở thành khung thời gian đặc biệt để ba họa sĩ Nguyễn Đức, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Duy Nhựt thể hiện đam mê vô tận của họ với hội họa.

Công chúng thưởng thức tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt trong triển lãm "Giờ thứ 9" - Ảnh: H.VY

Công chúng thưởng thức tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt trong triển lãm "Giờ thứ 9" - Ảnh: H.VY

Bộ ba họa sĩ thân nhau từ thời sinh viên đến đồng nghiệp 10 năm làm chung tại bảo tàng này vừa ra mắt triển lãm nhóm "Giờ thứ 9", trưng bày đến ngày 29-10 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

"Giờ vàng" quý giá để lao vào đam mê

Họa sĩ Nguyễn Thành Nhân ví thời gian được sáng tác ở studio là "giờ vàng" thứ 9 quý giá. "Quý lắm! Vì được bỏ lại thế giới mặc định để lao vào đam mê. Anh em khi bên tấm toan và màu vẽ giống như được lên cái đỉnh của riêng mình" - Nguyễn Thành Nhân chia sẻ.

Còn với Nguyễn Duy Nhựt, anh tâm sự "cũng may gia đình, vợ con không ai xâm chiếm khoảng không này của mình. Nếu không, e là điên mất!".

Ba họa sĩ nhiều năm đồng hành với không ít công việc chung, nhưng tác phẩm lại rất khác nhau. Mỗi người một vẻ, đa màu đủ sắc, góp thành cuộc trải nghiệm sáng tác - thị giác đầy thú vị với gần 80 tác phẩm.

Đó là những sắc màu tươi mới, trẻ trung, giàu cảm hứng và đầy năng lượng như đời sống cuồn cuộn chảy về phía trước dưới ánh mặt trời của họa sĩ Nguyễn Đức.

Những không gian gập ghềnh trăn trở, soi chiếu từ hiện thực nhưng tồn tại trong nhiều chiều lập thể của họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt.

Hay dòng chảy giàu nhạc tính, thăm thẳm trong suốt và hài hòa như một tổng phổ nhiều bè vang lên đầy dư âm của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân.

Khán giả thưởng thức tranh của họa sĩ Nguyễn Đức tại triển lãm "Giờ thứ 9" - Ảnh: H.VY

Khán giả thưởng thức tranh của họa sĩ Nguyễn Đức tại triển lãm "Giờ thứ 9" - Ảnh: H.VY

Công chúng trẻ hẳn sẽ dễ cảm với những gam màu tươi tắn như phản chiếu nhịp sống Sài Gòn năng động của họa sĩ Nguyễn Đức. Những ánh màu lấp loáng của ánh đèn, biển hiệu, của dòng chảy hiện đại và nhiều giấc mơ luôn khao khát hướng về tương lai.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng anh không cố níu giữ quá khứ mà hòa mình vào hơi thở của hiện tại.

Tranh của anh có vẻ ấm áp, thấu suốt của người tự do hòa mình vào dòng chảy nhưng không bị cuốn theo, mà để cảm nhận và ghi lại những vẻ đẹp riêng ngay giữa sự hối hả, nỗ lực và bận rộn của đời sống.

Một bạn trẻ lặng ngắm tranh của họa sĩ Nguyễn Đức - Ảnh: H.VY

Một bạn trẻ lặng ngắm tranh của họa sĩ Nguyễn Đức - Ảnh: H.VY

Sáng tác nghệ thuật để tìm về với chính mình

Họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt chia sẻ sáng tác nghệ thuật giúp anh tìm về thế giới an nhiên của riêng mình.

Nhưng đâu đó vẫn thấy một nghệ sĩ bộn bề ưu tư, như thể luôn cùng lúc tranh chấp và giảng hòa giữa góc nhìn quan sát thế giới bên ngoài với những chiêm nghiệm nội tại để đi đến cùng chính mình, rồi tuôn trả lại bằng những "giờ thứ 9" say sưa nơi xưởng vẽ.

Họa sĩ cho biết mình khám phá góc nhìn sâu sắc của hội họa lập thể để chạm đến sự thật tĩnh lặng của nội tâm, và cảm nhận nhịp đời sôi nổi. Với anh, lập thể không chỉ là phong cách nghệ thuật mà còn là con đường tìm kiếm sự thấu hiểu và tự nhìn nhận.

Qua quá trình thể nghiệm nghệ thuật kết hợp thiền định, anh vừa tạo ra những tác phẩm độc đáo đậm tính cá nhân, vừa được hiểu rõ hơn chính mình và ý nghĩa thực của cuộc sống.

Họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt bên tác phẩm "Ghế" tại triển lãm "Giờ thứ 9" - Ảnh: H.VY

Họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt bên tác phẩm "Ghế" tại triển lãm "Giờ thứ 9" - Ảnh: H.VY

Còn với họa sĩ Nguyễn Thành Nhân, sáng tác trừu tượng là sự du ngoạn vào thế giới mênh mang. Mỗi ngày, mỗi giờ, có thời gian là anh vẽ để từng nét quệt cọ thêm phần trầm tích, màu sắc hòa quyện càng nhiều, càng sâu, như bầu trời thấu suốt xuống đáy nước thăm thẳm.

Anh chia sẻ trừu tượng là phương tiện để mình tạo nên tranh mà không cần mô tả hay sao chép sự vật, hiện tượng cụ thể nào, nó chỉ đơn thuần là cảm xúc.

Đó là những đường tơ sóng năng lượng ở các tần số khác nhau, vì tất thảy mọi thứ trong vũ trụ, từ vô hình hay hữu hình, đều có rung động dù là nhỏ nhất hay lớn nhất…

Những đường tơ ấn tượng trong không gian tranh của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân - Ảnh: H.VY

Những đường tơ ấn tượng trong không gian tranh của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân - Ảnh: H.VY

"Mười năm nay, tôi vẫn đào xới, kiếm tìm mạch sóng năng lượng bằng nhãn quang, kinh nghiệm làm việc của riêng mình.

Mỗi tranh với màu sắc phong phú nhưng đủ độ, như cuộc dạo chơi trong nóng và lạnh, để đạt tới trạng thái đa sắc mà ẩn giấu sau đó là những cảm xúc chất chồng về những gian truân của một người nghệ sĩ", họa sĩ Nguyễn Thành Nhân bộc bạch.

Anh muốn đưa nghệ thuật trừu tượng trở thành đơn giản, gần gũi, dễ giao hòa với cuộc sống, để người xem cảm nhận được năng lượng tích cực, phấn chấn và luôn có sự tươi mới.

Họa sĩ Nguyễn Đức, Nguyễn Duy Nhựt (từ trái sang) và họa sĩ Nguyễn Thành Nhân (bìa phải) là bộ ba thân nhau từ thời sinh viên mỹ thuật đến 10 năm làm chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Họa sĩ Nguyễn Đức, Nguyễn Duy Nhựt (từ trái sang) và họa sĩ Nguyễn Thành Nhân (bìa phải) là bộ ba thân nhau từ thời sinh viên mỹ thuật đến 10 năm làm chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Một số hình ảnh tại triển lãm "Giờ thứ 9":

‘Giờ thứ 9’ của ba họa sĩ Nguyễn Đức, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Duy Nhựt - Ảnh 7.

‘Giờ thứ 9’ của ba họa sĩ Nguyễn Đức, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Duy Nhựt - Ảnh 8.

‘Giờ thứ 9’ của ba họa sĩ Nguyễn Đức, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Duy Nhựt - Ảnh 9.

‘Giờ thứ 9’ của ba họa sĩ Nguyễn Đức, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Duy Nhựt - Ảnh 10.

Phụ nữ Việt Nam qua góc nhìn của các danh họaPhụ nữ Việt Nam qua góc nhìn của các danh họa

29 tranh vẽ 'Phụ nữ Việt Nam' của các danh họa Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Đinh Cường, Lưu Công Nhân… vừa được trưng bày nhân dịp 20-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên